"Lái buôn Tử thần" sập bẫy như thế nào?

Cập nhật lúc 10:34, 19/11/2010 (GMT+7)

Đóng giả làm phiến quân Columbia mưu đồ bắn phi công Mỹ, các điệp vụ Mỹ đã lừa Viktor Bout tới Thái Lan và tóm được nhân vật có biệt danh "Lái buôn Tử thần" này.

Viktor Bout.
Viktor Bout.


Đó là một phần câu chuyện mà hai thành viên Michael Braun và Louis Milione thuộc Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) kể trong chương trình "60 Phút" của đài truyền hình CBS. Câu chuyện sẽ được phát sóng vào ngày Chủ nhật (21/11).

Bout, 43 tuổi, là một cựu sĩ quan Nga. Mới đây, ông ta bị dẫn độ từ Bangkok tới một trại giam New York để đối mặt với các tội danh khủng bố trong một vụ án làm căng thẳng mối quan hệ Nga - Mỹ.

Cuộc đời của "Lái buôn Tử thần" đã truyền cảm hứng cho bộ phim Trùm Chiến tranh có Nicholas Cage thủ vai năm 2005.

Braun, cựu giám đốc các chiến dịch của DEA, cho biết Bout là một mối đe dọa của nước Mỹ. "Ông ta cung cấp vũ khí cho không chỉ các nhóm khủng bố, các phòng trào nổi dậy mà cả những băng đảng buôn ma túy nổi tiếng khắp thế giới".

Cựu sĩ quan Nga này còn bị cáo buộc trao súng ống vào tay của chiến binh trẻ em ở châu Phi khi cung cấp vũ khí cho các cuộc nội chiến. "Viktor Bout, trong con mắt của tôi, là một trong những người đàn ông nguy hiểm nhất trên trái đất này", Braun nhận xét.

DEA đã tham gia vào chiến dịch truy bắt Bout bởi vì tiền ma túy thường được sử dụng để mua vũ khí.

Milione và Braun đã đặt bẫy bằng cách thuê hai điệp viên nằm vùng giả làm thành viên nhóm phiến quân FARC ở Columbia. "The Comandante" và "Eduardo" đã gặp một trong những thuộc cấp thân cận của Bout là Andrew Smulian ở Curacao dưới vỏ bọc người tìm mua lượng vũ khí trị giá 12 triệu USD để chiến đấu chống quân đội Columbia.

"Nếu Smulian không tin điều đó thì chúng tôi đi đời", Milione cho biết. Nhưng họ đã lừa được tên này và "hắn đã ngoạm miếng mồi. Hắn ăn tất".

Cuộc gặp tiếp đó diễn ra ở Copenhagen, Smulian bị lôi kéo đến mức hắn phun ra tên thật của "sếp" mình, huyênh hoang rằng vũ khí sẽ được chuyển đến từ chỗ Bout - cái tên được hắn giải thích rõ, thậm chí còn tiết lộ cả biệt danh "Lái buôn Tử thần".

"Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi Smulian làm như vậy, nhưng đó là một bằng chứng lớn", Milione cho biết.

Và họ cũng gặp may khi Smulian không hề tỏ chút nghi ngờ, bởi vì yêu cầu tiếp theo từ "The Comandante" và "Eduardo" là rất cao: Họ muốn Bout rời Moscow.

"Comandante sẽ không chi hàng triệu đôla đó... đến khi ít nhất là phải bắt tay, nói chuyện và nhìn tận mặt Bout. Sau đó thì mọi chuyện mới có thể tiếp tục được", trích lời Milione. "Và Bout đã đồng ý".

Họ nhắn Bout rằng sẽ có mặt ở Thái Lan sớm và họ có thể gặp nhau ở đó. Bout tới cuộc gặp, tham gia vào cuộc thương lượng mà chính phủ khẳng định sẽ củng cố bằng chứng. Các điệp viên chìm của DEA nói với Bout rằng họ đang chiến đấu chống lại Mỹ, nước cử phi công tới hậu thuẫn quân đội Columbia.

"Bout đáp lời: Phải, Mỹ cũng đang săn lùng tôi... Họ cũng là kẻ thù của tôi", Milione nhớ lại. Hai điệp vụ sau đó nói họ muốn mua các loại kính ngắm bắn tỉa để có thể "bắn tung đầu các phi công Mỹ".

Theo Milione, Bout lập tức đáp lời "Được".

Cuộc gặp ở Thái Lan kéo dài 2 giờ. Số vũ khí được đặt hàng bao gồm "5.000 khẩu AK-47, các loại mìn chống người, lựu đạn mảnh, tên lửa bắn thủng xe bọc sắt", Milione cho hay, "và tất cả những gì trong phạm vi cuộc trò chuyện về cuộc chiến chống người Mỹ".

Thế là họ đã có đủ. Tín hiệu được phát đi và cảnh sát Thái Lan cùng các điệp vụ DEA ập vào căn phòng. Bout miễn cưỡng giơ tay lên sau mệnh lệnh thứ 2; Milione nhớ Bout đã lẩm bẩm một câu gì đó giống như "Trò chơi đã kết thúc".

Bout phủ nhận ông ta bán vũ khí, khẳng định ông ta tới Thái Lan để du lịch.

  • Thanh Hảo (Theo CBS)

Các tin khác