"Bả độc" của phong trào thánh chiến al-Shabab
Al-Shabab kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Somalia. (Ảnh: AP)
Nhưng nếu được nhờ giới thiệu một người từng trở về hoặc biết người nào đó, họ bèn tỏ thái độ lạnh tanh.
Tại một trụ sở cộng đồng ở bắc London, có một cô gái tên là Amina đã kể câu chuyện của em trai mình.
Amina chào đời ở Somalia. Là một sinh viên tại London, cô làm việc bán thời gian cho một cử hàng quần áo thời trang và thích đi du lịch khắp thế giới. Cô gái trẻ kể rằng, em trai cô cũng giống như vậy, một người Anh thực sự, thích bạn bè và bóng đá. Nhưng có rất nhiều điều về cậu em trai mà cô không hề hay biết.
Năm ngoái, sau khi tốt nghiệp Đại học, chàng trai 21 tuổi này tuyên bố sẽ đi Ai Cập cùng với bạn thân nhất để nghiên cứu tôn giáo. Sau đó, cậu điện thoại về nhà và tỏ ra rất vui; nhưng chỉ vài tháng sau, giọng điệu đã thay đổi. "Dường như có người ở bên cạnh nó. Mỗi lần nó cố gắng nói gì đó, họ lại dập máy", Amina kể.
Sau đó, Amina hay tin em mình đang ở Somalia, thuộc tổ chức al-Shabab. Và cách đây 6 tuần, cô đã nói chuyện với em lần cuối cùng.
Chàng thanh niên bảo chị hãy "đảm bảo là mẹ không vấn đề gì. Em sẽ tìm được đường trở về". Nhưng vài ngày sau, cậu bạn gọi điện thoại báo tin em trai Amina đã thiệt mạng vì trúng tên lửa.
"Cả gia đình suy sụp. Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời. Làm thế nào nó có tiền để đi du lịch? Kẻ nào tuyển nó? Tại sao nó đi?".
Amina tin rằng, cũng như em trai cô và bạn bè của nó - hai người bạn khác cũng tới Somalia để chiến đấu với al-Shabab. Các cơ quan an ninh Anh tin rằng, có hàng chục thanh niên trẻ Somalia đã hành động tương tự.
Giám dốc MI5, Jonathan Evans, cảnh báo hồi tháng 9 rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi một đối tượng nào đó được al-Shabab đào tạo trở về để thực hiện một hành động khủng bố ở Anh.
Ủng hộ ngầm
Giáo sư Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sự Cấp tiến tại Đại học King, London, miêu tả al-Shabab là một trong ba chi nhánh hàng đầu của al-Qaeda và hiện là tổ chức duy nhất đang giành được lãnh địa. Ở Somalia, bất cứ nơi nào tổ chức Hồi giáo này giành quyền kiểm soát, chúng đều áp đặt một dạng tàn ác của luật Sharia.
al-Shabab còn chứng tỏ khả năng hành động bên ngoài đất nước bằng cách thực hiện nhiều vụ tấn công liều chết ở Kampala, Uganda. 74 người hâm mộ bóng đang tập trung để xem qua màn hình trận Chung kết World Cup đã bị giết chết bởi hai vụ đánh bom.
Trên đường phố ở London, Birmingham và Sheffield, bạn sẽ không bao giờ nghe được người Somalia trò chuyện công khai về al-Shabab.
Mohammed Abdullahi, Giám đốc Sáng kiến Cộng đồng Somalia Anh, nói rằng chủ đề này chỉ được bàn thảo ở các nhà hàng hoặc nhà riêng, nơi mọi người biết rõ người khác có chung quan điểm và họ lảng sang vấn đề khác ngay khi có người mới bước vào.
Kết quả là khó mà ước tính được mức độ ủng hộ.
Tuyên truyền
Nếu những thanh niên trẻ đang bị biến thành người cấp tiến thì nhiều khả năng điều đó diễn ra qua Internet.
Tổ chức al-Shabab có một bộ máy tuyên truyền tinh vi, đăng tải những hình ảnh về sự tàn phá tại thủ đô Mogadishu của Somalia và mô tả các thành viên của mình như những người anh em chiến đấu chống lại một chính phủ bù nhìn do phương Tây dựng lên, và chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi, vốn bị miêu tả như "những kẻ viễn chinh".
Trong năm 2007, al-Shabab tung ra "video tử vì đạo" của một kẻ đánh bom tự sát có tên Abdul Ayoub al Muhajir, một người Somali gốc Anh ở Ealing, tây London, đã tự giết mình cùng 20 lính Ethiopia.
Trong video, anh ta kêu gọi những người Anh theo đạo Hồi nhập cư tới Somalia và thực hiện cuộc thánh chiến chống kẻ thù.
Giáo sư Neumann tin rằng, chừng nào al-Shabab vẫn tin tưởng về sự thành công ở Somalia thì chúng chưa có hứng thú tấn công ở một quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, mối nguy lớn nhất là khi một nhà hoạt động độc lập từ Somalia trở về để hành động. Lo ngại này được chia sẻ bởi ông Mohammed Abdullahi, người tin rằng chính người Somalia sẽ gánh chịu hậu quả tồi tệ nhất từ một vụ tấn công trên đất Anh.
"Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là họ được đào tạo và trở về rồi làm điều gì đó ở đây", ông Abdullahi nói.
- Thanh Hảo (Theo BBC)