Sự trở về bí ẩn của hoàng thân Arập sau mất tích
Sau khi biến mất không một lời giải thích cách đây 2 năm, một trong những hoàng thân quyền lực nhất của Hoàng gia Arập Xêút mới đây đã quay trở về trong sự chào đón dành cho một vị anh hùng. Diễn biến này có thể hé lộ các cuộc đàm phán nhạy cảm về việc ai sẽ thừa kế ngai vàng.
Đột ngột "mất tích"
Hoàng thân Bandar bin Sultan (Ảnh: FP)
Suốt một thế hệ, Hoàng thân Bandar bin Sultan là người của Riyadh tại Washington. Với vị trí là đại sứ Arập Xêút tại Mỹ từ năm 1983 - 2005, ông thậm chí được đặt biệt danh "Bandar Bush" vì những mối quan hệ thân cận với triều đại chính trị hùng mạnh ấy của Mỹ.
Sau khi rời Washington, Hoàng thân Bandar trở lại Arập Xêút để làm lãnh đạo Hội đồng an ninh quốc gia mới thành lập nhưng có chức năng hiện vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Hoàng thân Bandar tiếp tục ngấm ngầm quay trở lại Mỹ định kỳ vì nhà vua thích ông hơn người kế nhiệm, Hoàng tử Turki al-Faisal, làm cầu nối với Nhà Trắng - một tình huống cuối cùng dẫn tới việc Turki từ chức để phản đối.
Về sau, khoảng năm 2008, Bandar biến mất khỏi đời sống công chúng. Người ta vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã khiến Bandar bị mất lợi thế chính trị. Tuy nhiên, có một sự thực rằng ông có vô khối kẻ thù, ngay cả bên trong Hoàng gia, vì khoảng thời gian dài nắm giữ vị trí là kênh liên lạc chủ chốt giữa Arập Xêút với Mỹ - nước đồng minh quan trọng nhất.
Sự biến mất bí ẩn của Bandar đã làm nảy sinh vô số thuyết âm mưu. Ví dụ như, giới truyền thông Iran đã tương đối sáng tạo khi cáo buộc vị hoàng thân này là chủ mưu các hoạt động của mạng lưới khủng bố Al Qaeda tại Iraq cũng như tài trợ cho các nhóm vũ trang Hồi giáo người Sunni liên kết với Al Qaeda ở Lebanon trong một nỗ lực nhằm phá hoại Hezbollah.
Sự tái xuất gây tò mò
Tuy nhiên, hiện giờ, Bandar đã tái xuất. Hãng thông tấn Arập Xêút cách đây gần 2 tuần đã cho phát đi một thông điệp ngắn: "Hoàng tử Muqrin bin Abdul Aziz, lãnh đạo cơ quan tình báo Arập Xêút, đã chào mừng Hoàng thân Bandar trở về nhà tại sân bay".
Xuất hiện tại lễ đón Hoàng thân Bandar còn có một đội ngũ hùng hậu các nhân vật chính trị có máu mặt tại Arập Xêút: Hoàng thân Khalid bin Sultan - trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và hàng không kiêm Tổng thanh tra các vấn đề quân sự, Hoàng thân Muhammad bin Naif - trợ lý Bộ trưởng Nội vụ về các vấn đề an ninh, Hoàng tử Abdul Aziz bin Fahd - Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng nội các, Hoàng thân Faisal bin Khalid bin Sultan - cố vấn cho Thái tử và Hoàng thân Salman bin Sultan - trợ lý Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia. Theo Hãng thông Arập Xêút, "nhiều hoàng thân cấp cao khác" cũng hiện diện tại sân bay để chào mừng sự trở về của Bandar.
Đây quả là một sự đón tiếp trọng vọng theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, với sự xuất hiện của một người chú, một người anh em cùng cha khác mẹ, 3 người anh em họ quyền lực và một người cháu trai, không kể tới những hoàng thân cấp cao khác. Bài báo cho hay, Hoàng thân Bandar trở về "từ nước ngoài" nhưng không cung cấp thêm chi tiết cụ thể. Thậm chí không có bức ảnh nào được đăng kèm dù có thông tin khẳng định ông Bandar đã sụt cân đáng kể.
Vậy điều gì thực sự đang diễn ra? Trước hết, đó là sự thận trọng. Có một câu cách ngôn nổi tiếng rằng: người thực sự biết những gì đang diễn ra trong Hoàng gia Arập Xêút không bao giờ hé răng về chúng và người đề cập tới chúng thực tế lại không tường tận những gì đang diễn ra. Đây là công cụ hữu hiệu để những người thân cận Hoàng gia sử dụng để hủy hoại các bài viết chỉ trích Arập Xêút cũng như nhắc nhở rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết đủ mức cần thiết về nền chính trị bí hiểm của vương quốc này.
Hoàng thân Bandar đã phải chống chọi với tình hình sức khỏe trong nhiều năm và gần đây đã trải qua hai cuộc phẫu thuật tại bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ. Lý giải đơn điệu nhất về sự trở về của ông là, sau khi hồi phục ở Morocco, nơi cha của ông - Thái tử Sultan đang nghỉ dưỡng, ông đã khỏe trở lại và hiện trở về nhà. Bandar nhiều khả năng đang mắc bệnh đau lưng mặc dù hai cuốn sách tiểu sử xuất bản trong vài năm trở lại đây quả quyết ông gặp các vấn đề về rượu cồn và suy nhược. David B. Ottaway, sứ giả của nhà vua, từng miêu tả Bandar là "người nghiện rượu". Và William Simpson - người hiện có thể đã trở thành bạn cũ của Bandar, trong cuốn "Hoàng thân: Câu chuyện bí mật về nhân vật hoàng thất gây tò mò nhất thế giới", khẳng định giai đoạn giữa những năm 1990 là "thời kỳ chán nản cực điểm đầu tiên" của ông.
Tuy nhiên, một số người nhận định sự trở về của Bandar còn mang nhiều hàm ý hơn việc hồi phục sức khỏe. Một nguồn tin có địa vị và thân cận với Hoàng gia nhận định, nó liên quan đến tình hình chính trị nội bộ của triều đại cũng như các câu hỏi gây tranh cãi về người kế vị: Ai sẽ kế vị ngai vàng của Vua Abdullah và ai sẽ trở thành vua sau đó? Tài năng của Hoàng thân Bandar trong việc dàn xếp thỏa thuận chính trị được cho là đã khiến Hoàng gia bỏ qua tai tiếng chuyên hoạch đính chính sách có tính tư lợi cũng như thiếu tôn trọng nhiều bậc chú bác của ông.
Ai sẽ kế vị ngai vàng?
Một số gương mặt quyền lực trong Hoàng gia Arập Xêút. (Ảnh: Chez Chiara)
Bất chấp vẻ ngoài ổn định, Hoàng gia Arập Xêút đang náo động vì vấn đề người kế vị ngai vàng. Vua Abdulla năm nay đã 87 tuổi nhưng người anh em cùng cha khác mẹ và được chỉ định kế nhiệm ông - Thái tử Sultan cũng đã 86 tuổi. Mặc dù Thái tử Sultan có thể lên ngôi báu nhưng chắc chắn thời gian tại vị của ông sẽ vô cùng ngắn ngủi. Người tiếp theo có thể nắm quyền trị vì là em trai ruột của Thái tử Sultan - Hoàng tử Nayef, 77 tuổi, vị Bộ trưởng Nội vụ cứng rắn và được biết tới nhiều nhất qua tuyên bố công khai rằng các vụ tấn công khủng bố Mỹ 11/9 do người Do Thái tiến hành.
Tuy nhiên, sự náo động còn vươn xa, vượt quá cả những quan chức hàng đầu thuộc Hoàng gia. Một sự thật hiển nhiên là là Vua Abdullah và 19 người con trai còn sống khác của cố Hoàng đế Abdul Aziz - người sáng lập Arập Xêút hiện đại và qua đời năm 1953, hoặc quá già hoặc không có kinh nghiệm hay sự nhạy bén để giải quyết các vấn đề của vương quốc này về lâu dài. Việc kế vị do đó sẽ phải dành cho các con trai của họ và cũng là cháu trai của cựu vương Abdul Aziz. Dẫu vậy, câu hỏi quan trọng ở đây là: Chi nhánh nào của Hoàng gia sẽ lên nắm quyền trị vì vương quốc?
Theo tiết lộ của các nguồn tin trong hoàng thất, các bên liên quan đang theo đuổi một thoả thuận. Chuỗi sự kiện vẫn chưa rõ ràng nhưng các thay đổi có thể sớm được thực thi. Trước tiên, Thái tử Sultan sẽ từ bỏ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng ông vẫn nắm giữ lâu nay, chuyển giao nó cho con trai mình (và cũng là anh em cùng cha khác mẹ với Bandar) - Hoàng thân Khalid, người hiện làm trợ lý bộ trưởng và từng nắm quyền chỉ huy các lực lượng Arập trong cuộc chiến giải phóng Kuwait năm 1991.
Cấp bậc của Khalid cao nhưng thành tích quân sự của ông lại yếu kém. Quá trình lãnh đạo của ông trong các cuộc chạm trán mới đây với quân nổi dậy ở khu vực biên giới với Yemen ghi dấu hàng loạt sai lầm chiến thuật. Tuy nhiên, những người tuỳ tùng của Thái tử Sultan quả quyết rằng Khalid đang thay thế người cha gần như bất lực của mình.
Thay đổi thứ hai sẽ là việc nghỉ hưu của Ngoại trưởng - Hoàng tử Saud al-Faisal, 69 tuổi, con trai của cố Hoàng đế Faisal. Ông Saud, một người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, từng được miêu tả trong một tài liệu chính thống bằng tiếng Anh là "rất thông minh nhưng có lẽ không sáng dạ như ông nghĩ". Ông Saud đang bị bệnh Parkinson cũng như đau lưng và trong các bức ảnh thường xuất hiện với vẻ đau đớn cực độ về thể xác.
Các nguồn tin nhận định, ghế ngoại trưởng sẽ thuộc về em trai của ông Saud - Hoàng tử Turki al-Faisal, 65 tuổi theo truyền thống kế thừa trong chi nhánh Al-Faisal của Hoàng gia. Hoàng tử Turki từng giữ cương vị đứng đầu cơ quan tình báo Arập Xêút nhiều năm cho tới khi bị cách chức năm 2001, 10 ngày trước thảm hoạ khủng bố 11/9. Ông sau đó đã trở thành một đại sứ Arập Xêút thành công ở Anh trước sứ mệnh ngắn ngủi nhưng đầy bi kịch tại Washington. Hoàng tử Turki được cho là sẽ tái phục hồi thanh thế vì ông có đầu óc, tài năng và những mối quan hệ quốc tế mà Hoàng gia đang thiếu.
Sự thay đổi cũng sẽ bao trùm cả vấn đề người kế vị ngôi báu: Hoàng tử Khalid, 69 tuổi - người anh, em trai của Saud và Turki (không nên nhầm với Hoàng thân Khalid, con trai của Thái tử Sultan) nhiều khả năng nhất sẽ nổi lên như một vị vua tương lai. Ông Khalid là một nhà thơ, một hoạ sĩ đầy nhiệt huyết và là bạn của Thái tử Anh Charles. Ông từng là thủ hiến tỉnh miền núi, bất ổn về chính trị Asirb và hiện giữ ghế tỉnh trưởng thánh địa Mecca. Một điểm quan trọng hơn đối với tương lai chính trị của Khalid là, ông nổi lên như một nhân vật được các phe phái khác nhau trong Hoàng gia kính trọng và có thể đưa vương quốc tiến lên dưới bàn tay cai trị vững chắc.
Ngoài ra vẫn còn một số ứng cử viên cho ngôi báu: Đó là Hoàng tử Nayef, người được kỳ vọng sẽ nhận sắc phong thái tử khi Sultan qua đời hoặc thậm chí trước cả thời điểm đó. Dẫu vậy, ông được cho là vẫn đang phục hồi từ cuộc chiến với căn bệnh ung thư, đồng nghĩa với việc ông sẽ không trở thành vua. Người anh em của ông, Hoàng tử Salman, 74 tuổi, thủ hiến tỉnh Riyadh và là người được các đại sứ nước ngoài yêu chuộng, dường như cũng không đủ tiêu chuẩn nắm quyền cai trị đất nước vì bệnh tim.
Giới quan sát vẫn chờ xem vai trò chính xác của Hoàng thân Bandar vừa hồi hương. Là con trai của một cựu nữ nô lệ dưới trướng cha mình, ông được đánh giá không đủ tư cách dòng dõi để tự thân trở thành vua. Nhưng Bandar đã kết hôn với một công chúa thuộc chi nhánh Al-Faisal và các mối quan hệ của ông ở Washington biến ông trở thành một đồng minh có giá trị đối với bất kỳ vị hoàng đế tương lai nào. Bandar cũng được cho là có thể hoá giải sự chia rẽ bên trong hoàng thất ở khu vực ngày càng bị Iran đe doạ. Bất chấp mọi lời đồn thổi và ám chỉ bóng gió, những người trong cuộc đều nhất trí rằng Hoàng thân Bandar quay trở về để giữ một vai trò quan trọng trong nền chính trị Arập Xêút.
-
Thanh Bình (Theo FP)