"Con át chủ bài" của Trung Quốc trong quan hệ với Nhật
Các nguồn cung một loại bột đánh bóng màu gạch, chất đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản, có thể sẽ sớm cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt sẽ vẫn tiếp diễn ngay cả khi Nhật Bản tránh được một lệnh cấm vận của Trung Quốc về thành phần chính của nó, một kim loại mang tên cerium.
Một lao động tại mỏ các kim loại hiếm ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Thậm chí trước khi xảy ra căng thẳng ngoại giao mới nhất giữa Nhật Bản và nhà sản xuất 97% các kim loại hiếm của thế giới, đã nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ làm gián đoạn các hệ thống cung cấp toàn cầu khi hạn chế xuất khẩu một số chất tự nhiên quý hiếm.
Sự hạn chế này sẽ vẫn tiếp tục và có thể còn tăng thêm vào năm sau, theo Toshio Nagayama - Tổng giám đốc Công ty Hóa chất AGC Seimi ở Chigasaki, gần Tokyo.
Tuy nhiên, kể cả khi nguồn cung không bị gián đoạn, những nhà sản xuất màn hình tivi phẳng và ổ cứng nói riêng có thể sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ngay trong tháng tới, chưa kể giá cả leo thang.
"Những công ty nào không có đủ dự trữ sẽ hết nhẵn hàng", ông Nagayama, cho biết. AGC Seimi là một trong 3 công ty của Nhật Bản cung cấp tới 80% lượng chất bào mòn của thế giới. "Nguồn cung sẽ khan hiếm nghiêm trọng trong tháng 11 và tháng 12".
Viễn cảnh này đang khiến các công ty Nhật lo ngại vì họ nhập tới 56% các kim loại hiếm từ Trung Quốc. Và trong năm 2011, họ sẽ phải đối mặt với nguồn cung bị cắt giảm tới 30%, theo báo chí Trung Quốc mặc dầu Bộ Thương mại ở Bắc Kinh bác bỏ thông tin này.
Cerium là một kim loại màu trắng bạc, mềm dẻo và dễ uốn. Chất này là một thành phần của bột mài mòn dùng trong sản xuất tivi màn hình phẳng và sản xuất ổ cứng máy tính.
Trung Quốc đã đặt ra quota xuất khẩu là 30,258 tấn cerium tính đến cuối tháng 7, giảm 40% so với năm ngoái, viện dẫn đó là một việc cần thiết để bảo vệ môi trường. Quyết định này đã mang lại cho Bắc Kinh lợi thế trong việc thu hút các công ty công nghệ đang khát các loại đất hiếm.
AGC Seimi và hai đối thủ Showa Denko và Mitsui Mining & Smelting đang chật vật tìm kiếm nguồn cung. Tổng cộng, ba công ty này sản xuất khoảng 12.000 tấn chất mài mòn cerium, khoảng 4/5 sản lượng toàn cầu. Lo sợ mặt hàng này khan hiếm, nhu cầu của khách hàng đang tăng gấp 5 lần so với bình thường, giá cả cũng tăng vọt - ông Nagayama cho hay.
Trung Quốc là nhà sản xuất 97% các kim loại hiếm của thế giới,
Nhật Bản cho biết, giá cerium đã lên tới 80 US/kg, tăng 16 lần chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên. Theo Nagayama, các công ty rồi sẽ phải quen với cảnh giá cả đắt đỏ, theo Nagayama.
"Đây là một lo ngại và là một gánh nặng đối với các khách hàng của chúng tôi", Sadao Senda, Giám đốc công ty Mitsui Mining, bình luận tại một cuộc họp báo ở Tokyo. Senda cho biết ông đang tham khảo ý kiến khách hàng nhưng không nói làm cách nào có thể đảm bảo được nguồn cung.
Bài toán khó cũng đang khiến cho nhà sản xuất nền đĩa thủy tinh Hoya Corp phải đau đầu. Và bất cứ một sự cắt giảm sản lượng nào do thiếu hụt chất mài mòn cerium gây ra sẽ lan tới châu Âu và Mỹ.
Cả Asahi Glass và Hoya đều từ chối bình luận liệu sự hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có khiến cho họ phải cắt giảm sản lượng hay không. Tập đoàn Sharp, nhà sản xuất màn hình phẳng hàng đầu ở Nhật Bản, và tập đoàn Sony cũng hành động tượng tự.
Trong khi đó, phát ngôn viên Akira Kadota của Panasonic cho biết, công ty của ông không có kế hoạch giảm số lượng màn hình tivi. Họ có thể dùng nhiều lựa chọn khác như tái chế và tiếp nhận các nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Hiện tại có một mỏ đang khai thác ở Sillamae, Estonia và một mỏ ở Mountain Pass, California (Mỹ). Nhiều mỏ khác đang có kế hoạch khai thác ở Kazakhstan, Ấn Độ và Mongolia.
Tuy nhiên, thách thức không phải là tìm ra các khoáng chất này mà là thiết bị để đào đãi và vận chuyển tới Nhật Bản, đất nước đang khan hiếm cerium - theo Joji Sakurai, Giám đốc Mitsubishi Corporation Unimetals thuộc Tập đoàn Mitsubishi.
"Không có nguồn nào sẵn có để thay thế", Sakurai nói tại công ty của ông ở Tokyo. "Đây là tình trạng tồi tệ nhất mà tôi chứng kiến trong hơn 30 năm làm việc".
Và ngay cả khi đến khi đó thì Trung Quốc sẽ vẫn là nguồn chính cung cấp các chất tự nhiên quý hiếm.
- Thanh Hảo (Theo Reuters)