Đường đến quyền lực tối cao của Kim Jong-un
Kim Jong-un, con trai thứ ba của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đang trong quá trình kế nhiệm cha làm lãnh đạo Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong-il đã phong quân hàm cấp tướng 4 sao cho con trai út Kim Jong-un, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA sớm nay (28/9) cho hay. Đây được cho là là bước đầu tiên dọn đường cho Kim Jong-un lên kế vị cha.
Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã chỉ định con trai thứ ba Jong-un làm người kế nhiệm vào tháng 1/2009 và dường như các trợ lý thân cận của ông là những người đầu tiên được thông báo về quyết định này. Việc lựa chọn diễn ra 5 tháng sau khi người đứng đầu Triều Tiên bị đột quỵ vào tháng 8/2008 và giới chức Triều Tiên ngay lập tức đã chắc chắn về vị trí của Jong-un.
Tháng 2/2009, chỉ một tháng sau đó, lãnh đạo Triều Tiên dự một buổi diễu binh và ở đó ông đã nghe bài hát "Footsteps" lần đầu tiên, bài hát ca ngợi cậu con thứ ba.
Leo nhanh trên nấc thang quyền lực
Theo các nguồn tin ở phương Tây nắm rõ vấn đề Triều Tiên, Jong-un đã được bầu làm đại biểu Quốc hội vào tháng 3/2009 dưới cái tên Kim Jong, khu vực bầu cử 216 - đại diện cho ngày sinh nhật 16/2 của ông Kim Jong-il.
Ngay sau khi việc bầu được thực hiện, chính quyền triệu tập ba cuộc họp lớn để cải tổ nhân sự và sắp xếp lại Ủy ban quốc phòng. Tiếp đó, thủ tướng và toàn bộ nội các cũng được thay thế.
Sau đó, Kim Jong-un ngồi cạnh cha để chứng kiến màn phóng tên lửa tầm xa hôm 5/4/2009. Kim Jong-un được cho là đã đạo diễn màn bắn pháo hoa hoành tráng nhằm tưởng nhớ người ông quá cố Kim Nhật Thành nhân dịp ngày sinh 15/4 của ông và bằng cách ấy thông báo việc nắm quyền với giới cầm quyền Bình Nhưỡng.
Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tuyên bố trước một cuộc họp của Quốc hội hồi tháng 6/2009 rằng Triều Tiên đã thông báo cho các cơ quan ngoại giao ngoại quốc về việc bổ nhiệm Jong-un.
Quá trình chuyển quyền
Năm ngoái, quá trình chuyển quyền dường như vẫn bị giới hạn trong vòng tròn giới lãnh đạo và quân sự Triều Tiên. "Tới năm ngoái, vẫn còn rất ít những người Triều Tiên vượt biên được nghe tin về Kim Jong-un", một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay. Tuy nhiên, nhiều người Triều Tiên vượt biên trong năm nay lại nắm được thông tin này.
Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc hồi tháng 6 năm nay đã thu nhận được những bài thơ, bài hát ca ngợi Kim Jong-un như một phần trong chiến dịch thúc đẩy sự tôn thờ nhân vật này. Các quan chức tình báo còn cho biết thêm, Jong-un đã bắt đầu tháp tùng cha trong các chuyến đi chỉ đạo tại hiện trường và tăng cường ảnh hưởng của bản thân trong các chính sách.
Nhà chức trách Triều Tiên cũng bắt đầu dùng biểu ngữ, băng rôn cho thấy Jong-un đang lên nắm quyền. Một trong những biểu ngữ đó là "trung ương đảng" - từ dùng cho việc chuyển quyền, và từ này đã tái xuất hiện lần đầu tiên trong vòng 14 năm. Ngoài ra, màn đồng diễn Arirang xếp chữ "CNC" - viết tắt của kiểm soát điện toán, cũng được cho là một mật mã khác liên quan tới ý tưởng hiện đại hóa Triều Tiên của Jong-un.
Nỗ lực nhằm đảm bảo việc chuyển quyền suôn xẻ được phổ biến từ tầng lớp lãnh đạo, quân đội Triều Tiên tới người dân thường và thậm chí tới cả bộ máy lãnh đạo Trung Quốc.
Tháng trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã đưa Jong-un đi cùng trong chuyến đi tới Trung Quốc và ông đã giới thiệu con trai với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Lee Jo-won, một giáo sư tại trường đại học Chungang cho biết, "Dường như điều duy nhất còn lại là chính thức thông báo Jong-un kế nhiệm".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ông Kim Jong-il cần thêm nhiều thời gian. Chính bản thân nhà lãnh đạo này được bổ nhiệm một vị trí trong đảng năm 1964 song tới 1974 mới được tấn phong chính thức và cho tới 1980 ông mới xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Điều này đồng nghĩa với việc Kim Jong-il mất 16 năm để leo lên chiếc ghế quyền lực. Trong khi đó, Jong-un, trong độ tuổi 20 mất có 1 năm và 9 tháng.
-
Hoài Linh (Theo Chosun)