Chuyện nước Nga - Lửa cháy không chỉ ở rừng
Cập nhật lúc 10:05, 11/08/2010 (GMT+7)
Hàng tháng nay, tất cả những trang thời sự Nga mỗi ngày đều đăng tin hàng đầu là cảnh cháy rừng, cháy nhà dân và màn khói độc bao phủ. Những thiệt hại to lớn về người và của. Qua gương mặt thất thần của những người dân mất hết nhà cửa sản nghiệp hay vẻ đăm chiêu của nhà lãnh đạo, là viễn cảnh u ám mất mùa, thất thu và lạm phát cùng vật giá leo thang…
TIN BÀI NỔI BẬT |
|
---|---|
Cháy rừng ở miền trung Nga có nguy cơ lan rộng thêm do nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Washington Post) |
Âu lo chung và những nhận định khác nhau
Xem ra thì màn khói đám cháy xám xịt còn len cả vào nội tình chính trị nội bộ Nga. Chỉ số tín nhiệm của cộng đồng đối với hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Dmitry Medvedev đã sa xuống mức thấp nhất của mấy năm gần đây. Minh chứng cụ thể là kết quả những công trình điều tra dư luận do Quĩ “Dư luận xã hội” (FOM), Trung tâm nghiên cứu quan điểm xã hội toàn Nga (VTsIOM) và “Trung tâm Levada” tiến hành. Tất nhiên những thăm dò này chưa thể phản ánh hết mức độ căng thẳng và âu lo trong dân cư trước hoạt động của chính quyền để dập cháy.
Theo tư liệu của FOM, hồi tháng Giêng có 62% công dân Nga giành tín nhiệm cho Tổng thống Dmitry Medvedev, nhưng đến 1 tháng Tám số người như vậy chỉ còn 52%. Cũng là sự suy giảm tín nhiệm như thế khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế. Chỉ số uy tín mới nhất của Thủ tướng Vladimir Putin là 61%, giống như hồi tháng Sáu. Khác với ông Medvedev, lần sau cùng chỉ số tín nhiệm ông Putin xuống thấp đến thế là từ năm 2006. Còn tháng Giêng năm nay, Thủ tướng Putin giành được sự tín nhiệm của 69% người dân tham gia trưng cầu. Chủ tịch FOM Aleksandr Orlon kết luận: tình trạng sụt giảm tín nhiệm có thể lý giải bởi cảnh nắng nóng dị thường kéo dài, hủy hoại tâm trạng của các công dân.
Nêu những số liệu khác, VTsIOM cũng xác nhận xu thế trên: chỉ số uy tín của ông Dmitry Medvedev giảm từ 44 xuống còn 39%, với ông Vladimir Putin – từ 53% xuống còn 47%.
Còn theo “Trung tâm Levada”, số lượng người dân Nga tín nhiệm Tổng thống hạ thấp không đáng kể, từ 39% xuống 38%, chỉ số tương tự với Thủ tướng Nga là từ 48% xuống 44%.
Chuyên viên nghiên cứu Leonti Byzov của Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nêu giả thiết, chỉ số uy tín của Tổng thống và Thủ tướng Nga sau nửa năm có thể giảm xuống đến 40%, bất kể sự trung thành của hệ thống truyền hình quốc gia. Nhà nghiên cứu còn cho rằng trong cộng đồng Nga có “sự mệt mỏi đạo đức từ Putin” và đang nóng lên những phản đối tiềm ẩn. Thêm nữa, trong chỉ số uy tín còn chưa thể hiện hiệu ứng từ những đám cháy nhưng chắc là thiên tai mùa hè sẽ giáng đòn mạnh vào sự tín nhiệm này.
Ngay cả cố vấn của Trợ lý lãnh đạo phủ Tổng thống Nga, ông Gleb Pavlovski cũng thừa nhận, trong tháng Tám mức độ ủng hộ chính quyền bị giảm thấp. Cố vấn Pavlovski nói, những đám cháy rừng đã đột ngột tấn công ban lãnh đạo đất nước, chính quyền ngành dọc tỏ ra không đắc dụng, không chèo lái tốt chính trong tình huống gay cấn điển hình cần thể hiện bản lĩnh. Vị cố vấn còn tổng quát: “Đó là dấu hiệu về sự kiệt sức của hệ thống lãnh đạo”.
Tờ “Báo độc lập” viết, những đám lửa cháy rừng soi lộ rằng, hoạt động của giới lãnh đạo thượng lưu do chính quyền hiện nay bồi dưỡng hóa ra kém hiệu lực khi đối mặt với thiên tai, nhưng dù sao chăng nữa nạn cháy khốc liệt chưa từng có trong mùa hè đỏ lửa 2010 có lẽ cũng khó tác động đến hệ thống quản lý đất nước.
Phó lãnh đạo Ban chấp hành đảng “Nước Nga thống nhất” Aleksei Chadaev khẳng định, sẽ không xảy ra đổ vỡ với uy tín của những nhân vật đứng đầu đất nước và đảng cầm quyền, tình huống kịch tính chỉ đoàn kết qui tụ mọi người Nga. Dư luận nhận xét rằng ông Chadaev đã nói những lời cần phải nói, và ở đây có bóng dáng ”theo kiểu xô-viết”.
Phòng hỏa hơn cứu hỏa và vai trò cá nhân thủ lĩnh
Thế này hay thế khác, báo giới Nga đã chỉ ra một điểm yếu trong cung cách lãnh đạo đất nước: chính quyền chưa có chiến lược xác để đáng đối phó với thiên tai, những ngày này Nga đấu tranh không phải là với chính thần hỏa, mà chỉ loay hoay với hậu quả tiêu cực sau đám cháy.
Thêm nhận xét đáng chú ý từ “Báo độc lập”: Trong tình huống bất thường và hệ thống quản lý bộc lộ sự chậm chạp, bị động, thiếu sáng kiến, nước Nga rõ ràng cần đến sự điểu khiển cụ thể trực tiếp của một người cầm lái.
Phương pháp quản lý không nhắm vào mục tiêu phòng tránh từ trước, mà chỉ hạn chế ở thụ động khắc phục hậu quả gây tác hại với bản thân hệ thống quyền lực. Nhưng cũng chính trong tình huống gay go bối rối này, khi chính quyền nói chung tỏ ra “kiệt sức”, vai trò cá nhân của ông Vladimir Putin lại tỏa sáng bởi kinh nghiệm chính trị to lớn. Sở trường ưu việt của Putin là tri giác tâm lý nhạy bén của quyền lực, và vị cựu sĩ quan tình báo lão luyện tỏ ra hiểu rất rõ cần nhấn vào đòn bẩy nào.
Báo giới Nga phân tích 3 đòn bẩy căn bản. Thứ nhất, chính quyền cần định tính cá nhân. Trong những khoảng thời gian đặc biệt, không thể điều khiển đất nước bằng cả cơ chế, mà bằng cá tính và bản lĩnh của nhà lãnh đạo. Với vốn liếng chính trị của ông, Putin đang là cá nhân như vậy. Thứ hai, chính quyền phải trở nên gần cận sâu sát, có mặt ở khắp nơi. Nhu cầu đời sống Nga cho thấy hình mẫu thủ lĩnh “kịp đến mọi chốn” vẫn được coi trọng như trước. Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, bản thân Putin cũng tích cực hóa hình mẫu này.
Ông gặp gỡ các nhân vật trong vụ xì-căng-đan gián điệp bị Mỹ trục xuất và cam đoan họ sẽ có đời sống tốt đẹp. Ông phi xe máy phân khổi lớn cùng với những tay đua “gộc” trên đường trường nước Nga. Mới đây, ông lại thân chinh đến tận những thôn làng còn nghi ngút khói lửa, trực tiếp gặp những người dân bị nạn, tuyên bố mức kinh phí không nhỏ mà Chính phủ Nga sẽ giành ra và nói về các camera theo dõi cùng thiết bị kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở đền bù cho dân. Hiển nhiên điều đó gây ấn tượng mạnh với quần chúng.
Thứ ba, chính quyền cần biết đồng nhất hóa đúng lúc với đối tượng nêu khiển trách phê bình, chứ không phải với đối tượng bị xã hội chỉ trích. Có trường hợp điển hình về thủ thuật này, là cuộc đàm đạo với Thống đốc vùng Voronezh, Thủ tướng Putin tuyên bố “các vị quan chức không rõ lấy tiền đâu ra để xây những ngôi nhà riêng đồ sộ”. Quan chức là bộ phận của hệ thống, là bộ phận của quyền lực. Nhưng chỉ bằng một câu nhận xét, Putin cho thấy ông tự xác định vị trí không ở phía những quan chức ấy, mà đứng cùng nhân dân Nga.
Cũng ở đây, theo “Báo độc lập”, hàm chứa nguồn gốc sự bền vững của chính quyền thượng đỉnh Nga đương đại mà thiên tai khốc liệt mùa hè 2010 khó lay chuyển. Vào thời điểm khủng hoảng, chính quyền qua hình ảnh Vladimir Putin không tiến hành cuộc phân giải hai chiều như là phản biện trước bên kia là tâm thế của những người bị thiệt hại bởi thiên tai, mà cố gắng hóa thân vào, hội tụ tất cả những tâm tư tình cảm của dân. Kết quả là trong con mắt những người dân Nga gặp hoạn nạn, Putin không chỉ đơn thuần là một thủ trưởng lớn từ Matxcơva vi hành, ông là “người mình”. Do đó hệ thống có Putin sẽ vững.
Hệ quả và viễn cảnh
Sau mùa hè đỏ lửa này, chờ đợi nước Nga rất có thể sẽ là một mùa đông khắc nghiệt. Thậm chí người ta nói, mùa hè bao nhiêu độ dương thì mùa đông sẽ là bấy nhiêu độ âm. Hiển hiện rõ ràng nhất là cảnh mất mùa. Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu lương thực để tập trung bảo vệ và phục vụ nhu cầu nội địa. Trong khi các nhân viên cứu hộ Nga với tiếp sức của đồng nghiệp quốc tế đang lo dập đám cháy rừng, các nhà sinh thái học dự trù rằng công cuộc hồi sinh “lá phổi xanh” của nước Nga sẽ phải mất từ 10 đến 100 năm.
Loạt cháy rừng dữ dội và kéo dài ở Nga có thể gây ra những thay đổi nhiệt độ dòng chảy biển Đại Tây Dương. Đó là quan điểm của hàng loạt chuyên viên phương Tây, tiêu biểu là giáo sư Andrew Watson trong Nhóm chuyên viên quốc tế về thay đổi khí hậu (GIEC). Nhà khoa học này nhắc lại, tình trạng nắng nóng và khô hạn bất thường diễn ra trong năm 2010 cũng đã được dự báo từ trước như là một phần hậu quả tiếp theo của “El Nino”.
Nhiều học giả có quan điểm giống nhau rằng tai họa thiên nhiên ở Trung Quốc, Pakistan, hàng loạt nước vùng Đông Âu trong đó có Nga, những hiện tượng như vậy sẽ không chỉ tái diễn, mà sẽ ngày càng tăng lên và có tính chất triền miên. Yếu tố con người đóng vai trò lớn trong quá trình khí hậu ấm lên trên hành tinh. Sự thay đổi thời tiết không còn theo qui luật thông thường là bởi tác động của ô nhiễm môi trường xung quanh và thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Mà về thán khí cũng chưa có kết luận rõ ràng. Lượng thán khí đã nhiều hơn, ai cũng biết thế, nhưng một số chuyên gia cho rằng thán khí là kết quả đốt cháy nhiên liệu, còn số khác nêu giả thuyết đó là hệ quả của khí hậu ấm lên và chủ yếu là từ đại dương thế giới. Có ý kiến cho rằng, mọi thiên tai ở các vùng địa cầu là do "cơn sóng thần vũ trụ" gây ra, với hoạt tính phóng xạ của Mặt trời gia tăng hướng vào Trái đất.
Quả là hiên thời còn chưa rõ, ai có lỗi trong sự ấm lên đến thế - con người với hành động thải khí nhà kính, hay là vũ trụ-tự nhiên với xoay vần biến động bí hiểm thay đổi tâm trục trái đất.
Chỉ có điều, khi nước Nga đang trong những ngày nắng nóng tưởng chừng không chịu nổi, lại có dự đoán đáng lưu ý của ông Aleksei Kokorin lãnh đạo chương trình Khí hậu của Quĩ bảo vệ thiên nhiên hoang dại toàn thế giới ở Nga: Nắng nóng và khô hạn mùa hè này là dị thường, nhưng cảnh tượng y như thế sẽ có thể trở thành chuẩn mực thông thường vào năm 2070.
- Đan Thi (từ Matxcơva)