Điều gì xảy ra với con các điệp viên Nga?
Nhóm 10 điệp viên bị bắt ở Mỹ vừa trở về Moscow sau khi bị Washington trục xuất theo một thỏa thuận giữa hai bên. Vậy số phận các con của những người này sẽ ra sao?
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Tim và Alex Foley, con của hai điệp viên Donald Heathfield và Tracey Foley. (Ảnh: Boston Globe) |
Trở về nhà sau một bữa tiệc và thấy cha mẹ mình đang là trung tâm một vụ bê bối gián điệp quốc tế - điều có lẽ chỉ hiện diện trên màn ảnh. Thế nhưng đối với một bé gái 11 tuổi thì đó là một thực tế.
Bé gái đó là một trong số 6 trẻ em tuổi dưới 18 sinh ra trong các gia đình của 10 điệp viên Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hôm 9/7, chỉ vài giờ sau họ nhận tội trước tòa là đã thu gom thông tin tình báo để gửi về cho Moscow.
Đứa trẻ nhỏ nhất mới chỉ 1 tuổi. Chỉ có hai người lớn, tuổi 20 và 38.
Đến nay, các nhà chức trách vẫn rất kín tiếng về số phận của những đứa trẻ sinh trên đất Mỹ này, chỉ tiết lộ rằng chúng được tự do đến và rời khỏi nước Mỹ.
Một luật sư bào chữa cho nữ điệp viên Peru, Vicky Pelaez, cho biết, đứa con trai 17 tuổi của cô này muốn ở lại New York. Juan Lazaro Jr là kết quả cuộc hôn nhân giữa Pelaez với điệp viên Nga Mikhail Vasenkov và có thể sẽ sống với người anh cùng mẹ khác cha năm nay đã 38 tuổi.
Các thông tin cho hay, Lazaro là một tay chơi piano tài năng và cậu có thể sẽ về sống cùng mẹ tại trang trại gia đình ở Peru, nơi Vicky Pelae ngụ ý cô sẽ về để an cư.
Các con của điệp viên Vicky Pelaez là Juan Lazaro Jr (phải) và người anh cùng mẹ khác cha rời nhà ở Yonkers, New York. (Ảnh: AP) |
Báo Boston Globe đưa tin, các con của hai điệp viên Donald Heathfield và Tracey Foley - cặp đôi sống ở Cambridge, Massachusetts - đã tới Nga từ đầu tuần này.
Tim Foley, 20, là sinh viên trường Đại học George Washington ở Washington DC. Em trai của cậu, Alex Foley, năm nay 16 tuổi và vẫn là trẻ vị thành niên theo luật pháp Mỹ.
Tim và Alex Foley đã xuất hiện tại một tòa án ở Boston trong phiên tòa xử cha mẹ mình và cả hai không nói gì với báo chí.
Các điệp viên Michael Zottoli và Patricia Mills đang nuôi hai con nhỏ 1 tuổi và 3 tuổi tại ngôi nhà ở vùng ngoại ô Arlington, Virginia. Sau khi bị bắt, hai con của họ được trao cho bên dịch vụ xã hội Mỹ chăm sóc. Tuy nhiên, Zottoli và Mills đã liên lạc với bạn bè ở Mỹ và họ đã liên hệ với người thân của hai người ở Nga để lũ trẻ có thể về sống tại đó.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với cô con gái 11 tuổi của cặp điệp viên "Richard và Cynthia Murphy" (tên thật là Vladimir và Lydia Guryev), cùng đứa em gái 7 tuổi.
Robert Meeropol, Giám đốc Điều hành Quỹ Rosenberg vì Trẻ em, nói rằng ông đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của chúng.
Ethel và Julius Rosenberg (Ảnh: Getty) |
Meeropol là con trai của Ethel và Julius Rosenberg, cặp vợ chồng bị bắt và bị buộc tội chuyển các bí mật hạt nhân cho Liên Xô khi ông mới 3 tuổi. Vợ chồng Rosenbergs đã bị hành quyết trên ghế điện vào năm 1953, lúc ấy Meeropol lên 6 còn người anh trai Michael lên 10.
"Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể tạo dựng một môi trường ổn định cho các em sống bên cạnh những người lớn giàu sự cảm thông. Tôi đã phải chuyển hết nơi này đến nơi khác", ông Meeropol nói trên chương trình Newshour của BBC.
Người thân của Meeropol không thấy thoải mái khi nhận nuôi ông vì lo sợ bị lôi kéo vào bê bối. Cuối cùng, ông được nhận làm con nuôi và đổi tên để sống một cuộc đời bình thường.
Khi đã trưởng thành, Meeropol luôn lôi kéo sự chú ý vào những tranh cãi liên quan đến số phận của bố mẹ mình. Ông đảm bảo mẹ mình vô tội và thừa nhận người cha có thể dính dáng đến hoạt động gián điệp nhưng không liên quan tới bom hạt nhân.
Meeropol thành lập Quỹ Rosenberg để ủng hộ những đứa trẻ là con của các nhà hoạt động bị nhắm tới ở Mỹ. Ông nghĩ điều quan trọng là làm sao để các em không bị chú ý.
"Tôi tới thăm cha mẹ mình ở nhà tù Sing Sing và lần nào cũng bị báo chí vây quanh. Tôi nhớ tôi thực sự căm ghét điều đó", Meeropol bày tỏ.
Ông lo ngại rằng con em của các gián điệp Nga sẽ phải trải qua một thời gian khó khăn để thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, đặc biệt là về ngôn ngữ. Nhưng Chiến tranh Lạnh đã qua rồi và "tôi không nghĩ chúng sẽ phải đối mặt với những tai tiếng như thời chúng tôi".
- Thanh Hảo (Theo BBC, Boston Globe)