Chính phủ Thái ăn miếng, trả miếng người biểu tình

Cập nhật lúc 10:03, 13/05/2010 (GMT+7)

Chính phủ Thái đã huỷ kế hoạch giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 11 sau khi lực lượng áo đỏ từ chối rời khỏi khu vực biểu tình ở trung tâm thành phố.

TIN BÀI MỚI

Ảnh nation

"Vì người biểu tình không tuân thủ các điều kiện đã thống nhất trong một loạt cuộc thương thuyết trước đó nên chúng tôi quyết định huỷ ngày bầu cử 14/11", thư ký của Thủ tướng Thái là Korbsak Sahbavasu nói. Như vậy, chính phủ dưới quyền Thủ tướng Abhisit Vejjajiva sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình tới cuối nhiệm kỳ vào 2011.

Ông Sahbavasu nói thêm, lộ trình hoà giải quốc gia gồm 5 điểm là duy trì nền quân chủ, đem công bằng, cải tổ truyền thông, thành lập một cơ quan độc lập để điều tra những vụ việc đẫm máu và sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục được thực thi.

Các nguồn tin cho hay, giữa chính phủ và lãnh đạo phe biểu tình áo đỏ là Veera Musigapong trước đó đã có một thoả thuận ngầm. Trong đó, yêu cầu lực lượng chống đối chính phủ ngừng biểu tình để đổi lấy bầu cử và giao nộp phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cho nhà chức trách để chịu trách nhiệm về vụ xung đột đẫm máu hôm 10/4.

Hôm 10/4, ông Suthep đã được "giao nộp" cho cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) nhưng phe áo đả vẫn phủ nhận hành động này và coi là đó trò lừa do các thủ tục pháp lý chống lại quan chức này không được tiến hành thực sự. Người biểu tình đòi hỏi ông Suthep, hiện là lãnh đạo Trung tâm giải quyết các tình huống khẩn cấp (CRES) đầu hàng cảnh sát, chịu thẩm vấn, in dấu vân tay và xin bảo lãnh theo đúng thủ tục pháp lý của các trường hợp phạm tội thông thường.

Tuy vậy, giữa các lãnh đạo phe áo đỏ không có sự thống nhất, ví dụ hai ông Veera và Kokaew Pikulthong cho rằng hành động của phó Thủ tướng Suthep đã đáp ứng đòi hỏi và sẵn sàng rời giao lộ Rajprasong. Tuy nhiên, lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của phe này là Jatuporn Promphan lại khăng khăng nói Suthep phải bị điều tra theo một quá trình pháp lý thực sự như một nghi phạm đối mặt với cáo buộc hình sự.

Do thoả thuận bị phá vỡ, chính phủ Thái đã có kế hoạch thực hiện các biện pháp cứng rắn để buộc người biểu tình rời khỏi khu vực kinh doanh, nơi lực lượng này đã chiếm giữ suốt hơn một tháng. Theo đó, nhà chức trách sẽ cắt điện, nước và nguồn cung cấp lương thực.

Kế hoạch trên hiện vẫn bị treo do cư dân ở khu vực bị ảnh hưởng, gồm cả các đại sứ quán ở gần đó, kêu gọi chính phủ Thái xem xét lại vì họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là người biểu tình.

Lãnh đạo phe áo đỏ Tojirakarn nói, người biểu tình không sợ các biện pháp của chính phủ và họ sẵn sàng đương đầu với tình hình và dự định trả đũa. Chỉ huy lực lượng an ninh phe áo đỏ là Aree Krainara tuyên bố, họ có máy phát điện riêng và lấy nước trực tiếp từ họng cứu hoả - vốn không bao giờ thiếu nước.

  • Hoài Linh (Theo Nation, ST)

Các tin khác