Thuốc tiên triệu đô, thuốc độc tỷ đô
Càng có nhiều tiền, bạn càng có thể hiểu rằng tiền bạc không thể làm con người ta hạnh phúc. Tuy vậy, bạn chỉ có thể hiểu điều đó sau khi đã kiếm được những triệu USD đầu tiên.
TIN BÀI MỚI |
---|
Với phần lớn mọi người, hạnh phúc nằm ở số lượng. Cần bao nhiêu tiền để làm một người vui vẻ? Làm thế nào để kiếm tiền và tích tiền?
Ảnh minh họa: amquixm |
Theo dữ liệu do Quỹ dư luận cung cấp, lương tháng trung bình ở Nga xấp xỉ 300 USD. Hầu hết người Nga đều không hài lòng với số tiền này. Họ cho rằng lương trung bình ít nhất phải gấp đôi con số trên thì mới tạm gọi là ổn. Và rằng, để hạnh phúc, thì thu nhập hàng tháng phải là 2.000 USD.
Giấc mơ lớn nhất của nhiều người Nga là trúng xổ số. Tuy nhiên, trúng lớn lại mang tới sự phiền muộn.
"Mọi người quen với việc đó quá nhanh. Họ cho rằng tiền bạc làm họ hạnh phúc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, những người trúng xổ số chỉ hạnh phúc trong thời gian vài tháng đầu và lâu nhất là một năm.
Và rồi, họ quen với điều đó. Nhiều người trúng thưởng đã mất đi sự giàu sang vô cùng nhanh chóng. Tiền bạc còn khiến họ trở nên khốn khổ hơn.
Mọi ý tưởng về thế giới đều được định hình bằng môi trường quanh ta. Dân nông thôn hay ở các thành phố nhỏ hơn ghen tỵ với người Moscow vì người thủ đô kiếm được nhiều tiền hơn. Người Moscow thường có thu nhập cao hơn nhưng chính họ lại cho rằng mình không hạnh phúc bằng những người sống ở New York, London và Paris.
Nếu người London được chuyển tới một vùng quê của Nga để sống với mức lương tối thiểu, họ sẽ tự bắn vào mình hoặc bắt đầu nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn".
"Tiền dễ kiếm không làm con người ta hạnh phúc", Dilyra Ibragimova, Giám đốc nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu tài chính quốc gia Nga nhận xét. "Mọi người hài lòng khi làm việc chăm chỉ để kiếm ra đồng tiền".
"Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu mà điều quan trọng là bạn tiêu nó như thế nào", Dmitry Klevtsov, một nhà tâm lý học nói. "Bạn có thể kiếm được ít tiền nhưng chi tiêu hợp lý thì bạn còn giàu có hơn những người rủng rẻng tiền bạc, kiếm nhiều tiền hơn bạn mà chi tiêu không hợp lý".
Có vẻ như, con người hạnh phúc hơn khi họ giàu lên từ từ. Đó là những người có thể mua một chiếc xe máy khi 20 tuổi, mua được ô tô khi 25 tuổi, mua căn hộ vào lúc 30 tuổi và cứ thế tăng lên tới mức có một ngôi nhà ở nông thôn và một du thuyền tại Cote d’-Azur.
Vladimir Potanin, một trong những người giàu có nhất ở Nga dường như hiểu rất rõ điều này. Đó là lý do tại sao ông quyết định không để lại tiền cho con cháu để chúng có thể học cách tự lập. "Một triệu USD có thể giúp đỡ một người nhưng một tỷ USD có thể giết chết người vì số tiền này đã lấy đi mục đích cuộc sống của con người đó", Potani giải thích.
Các nghiên cứu cho thấy, cư dân tại các nước giàu có hạnh phúc hơn dân sống ở các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, giàu có không có phải là thuốc tiên chữa bách bệnh. Đó là lý do tại sao dân nghèo ở Nigeria và Guatemala lại hạnh phúc hơn những cư dân Nhật và Italia, vốn giàu hơn họ nhiều lần.
-
Hoài Linh (Theo Pravda)