Thủ tướng Thái "tiến thoái lưỡng nan"

Cập nhật lúc 14:33, 08/04/2010 (GMT+7)

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đang phải đối mặt với một lựa chọn vô cùng khó khăn sau khi ban hành sắc lệnh khẩn cấp ở thủ đô Bangkok: thỏa hiệp và tổ chức một cuộc bầu cử mới với khả năng ông dễ dàng thất bại hay tiến hành chiến dịch trừng trị thẳng tay hàng ngàn người biểu tình vốn có thể gây ra nhiều bất ổn hơn nữa.

 

TIN LIÊN QUAN

Ảnh: Bangkok Post)
Ảnh: Bangkok Post)
Sắc lệnh mới ban hành ở Bangkok đã trao cho quân đội các quyền hạn lớn mạnh nhằm bắt giữ hoặc đuổi người không cần lệnh của tòa án. Nó được áp dụng sau khi những người biểu tình áo đỏ đột chiếm quốc hội ngày 7/4, buộc các quan chức chính phủ phải phá vỡ một bức tường và tháo chạy bằng trực thăng.

Các chốt kiểm tra quân sự được dựng lên phía ngoài Bangkok nhằm ngăn chặn thêm nhiều thành viên phe áo đỏ tiến vào thành phố có khoảng 15 triệu dân này, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ ở các khu vực ngoại ô.

Dẫu vậy, Thủ tướng Abhisit trấn an dư luận rằng sắc lệnh khẩn cấp sẽ không được dùng làm công cụ tiến hành một chiến dịch đàn áp. Trong mấy tuần gần đây, ông đã đề nghị sẽ giải tán quốc hội vào tháng 12 tới, sớm hơn một năm so với thông lệ, nhưng phe biểu tình vẫn nhất quyết đòi một cuộc bỏ phiếu ngay lập tức.

"Ngày hôm nay chúng tôi sẽ chuyển sang thế tấn công. Chúng tôi không thể ngồi im và chẳng làm gì cả. Đây là quyền của chúng tôi. Chúng tôi không phải là một phong trào bất hợp pháp", Weng Tojirakarn - một thủ lĩnh biểu tình khẳng định hôm 8/4. Ông cũng nhấn mạnh việc ban hành sắc lệnh khẩn cấp ở Bangkok là trái với hiến pháp.

Hầu hết các chuyên gia phân tích đều tỏ ra hoài nghi về khả năng nhà chức trách Thái Lan sẽ sử dụng vũ lực để trục xuất những người biểu tình áo đỏ, phần lớn thuộc tầng lớp lao động và cư dân nông thôn, đã cắm trại ở khu mua bán sầm uất của Bangkok kể từ thứ 7 tuần trước (3/4). Họ coi đây là một quyết định vô cùng mạo hiểm về mặt chính trị đối với Thủ tướng Abhisit khi chính phủ liên minh mới 16 tháng tuổi của ông đang vật lộn xây dựng sự ủng hộ ở bên ngoài thủ đô.

Hơn thế nữa, cuộc biểu tình diễn ra ở khu vực là nơi tọa lạc của nhiều trung tâm mua sắm và khách sạn hạng sang, chứa đựng nhiều biểu tượng cho Thái Lan, một trong các quốc gia có sự cách biệt giàu - nghèo sâu sắc nhất châu Á. Nó liên quan đến nhiều gia đình và sẽ làm phức tạp bất kỳ nỗ lực đàn áp nào.

Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng lên Thủ tướng Abhisit từ chính những cư dân ở Bangkok, một thành trì của đảng Dân chủ của ông. Họ đòi hỏi ông phải có hành động dứt khoát nhằm chấm dứt cuộc biểu tình vốn đã bắt đầu từ trung tuần tháng 3 khi có tới 150.000 người áo đỏ đổ bộ vào khu phố cổ của thủ đô. Những thương nhân bán lẻ tại khu vực đã hứng chịu ít nhiều tổn thất vì ảnh hưởng của cuộc biểu tình đối với công việc làm ăn của họ.

Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij tuyên bố hôm 7/4 rằng, các cuộc biểu tình kéo dài của phe áo đỏ có thể khiến mức độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, thấp hơn nhiều so với con số 4,5% dự đoán của chính phủ. Theo ông Korn, bạo loạn cũng có thể trì hoãn việc tăng lãi suất như dự kiến.

Bất chấp căng thẳng, chứng khoán Thái Lan và đồng baht vẫn tăng giá dựa trên niềm tin rằng, Thủ tướng Abhisit và chính phủ của ông với sự hậu thuẫn của các lãnh đạo quân đội hùng mạnh cùng lực lượng bảo hoàng đầy uy quyền ở Bangkok, sẽ trụ vững qua thời điểm khó khăn này.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ tiền vào các nền kinh tế khôi phục nhanh chóng ở Đông Nam Á và vẫn chưa rời bỏ Thái Lan bất chấp sự náo động hiện thời. Kể từ ngày 22/2, các nhà đầu tư ngoại quốc đã mua một khối lượng lớn chứng khoán Thái Lan, trị giá hơn 1,7 tỉ USD.

Theo một số nhà bình luận Thái Lan, phe áo đỏ hiện "đã đi quá xa". Các thủ lĩnh biểu tình thuộc Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) cần hiểu rằng họ sẽ không giành được bất kỳ sự cảm thông chính trị nào từ người dân Bangkok nếu tiếp tục "dùng cư dân thủ đô làm con tin".

Đồng thời, các chuyên gia này cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Abhisit cũng nên nhận ra lộ trình 9 tháng cho các cuộc bầu cử mới là quá lâu và sẽ không bao giờ được phe đối lập chấp thuận. Giải pháp đưa ra là, hai bên cần phải "xuống thang", trở lại bàn đối thoại, đàm phán về các cách thức chấm dứt xung đột với thái độ bình tĩnh và mang tính xây dựng hơn.

  • Thanh Bình (Theo Reuters, Bangkok Post, The Nation)

 

Các tin khác