Thái Lan sẽ cải tổ chế độ quân chủ?

Cập nhật lúc 10:06, 14/04/2010 (GMT+7)

Ngoại trưởng Thái đã phá vỡ cấm kị khi ủng hộ cải tổ chế độ quân chủ. Đây là một việc chưa từng có ở Thái khi mà Vua Bhumibol vẫn rất được tôn thờ và bất kỳ chỉ trích nào về hoàng gia đều bị coi là tội ác nghiêm trọng.

TIN BÀI MỚI

Phe áo đỏ vác quan tài đi diễu hành (Ảnh AP)

Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Kasit nói, bất kỳ một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Thái đều có thể thấy vai trò chắp vá của hoàng gia và sự tham gia lớn hơn của tầng lớp nông thôn nghèo trên vũ đài chính trị.

"Đó là một tiến trình mà chúng ta phải đi qua và tôi cho rằng chúng ta nên dũng cảm để bước qua tất cả những thứ đó, để nói về một chủ đề cấm kỵ của thể chế quân chủ".

Vai trò của hoàng gia hiện vẫn là một trong những chủ đề nhạy cảm tại Thái, nơi các vụ xung đột bạo lực giữa quân đội và lực lượng chống chính phủ áo đỏ diễn ra khiến 21 người chết. Đây là vụ việc đẫm máu nhất trong vòng 18 năm ở Thái.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nói về thể chế quân chủ, nó sẽ phải tự cải tổ như thế nào để phù hợp với một thế giới toàn cầu hóa hiện đại", ông Kasit tuyên bố và viện dẫn ví dụ về Anh, Hà Lan, nơi vai trò của hoàng gia đã thích ứng với hoàn cảnh.

"Mọi thứ hiện giờ trở nên cởi mở. Hãy thảo luận. Chúng ta muốn một xã hội dân chủ như thế nào", Ngoại trưởng Kasit nói thêm. Theo quan chức này, cuộc tranh luận nên giải đáp các câu hỏi mà xã hội Thái còn bỏ ngỏ trong suốt những thập niên qua.

"Vai trò của quân đội sẽ là như thế nào? Cái gì sẽ là điều kiện tiên quyết của các đảng phái chính trị? Làm thế nào các vị chuyển tải được ý nguyện của nông dân, công nhân và viên chức".

Xúc phạm hoàng gia là một tội tày trời ở Thái Lan, ai vi phạm có thể lĩnh án 15 năm tù và các chính trị gia Thái hầu như không dám bàn về chủ đề này một cách công khai.

Phát ngôn viên chính phủ Thái là Panitan Wattanayagorn cho hay, ông không xác nhận tuyên bố của Ngoại trưởng Kasit cho tới khi làm rõ mọi việc.

"Chính phủ thường không đưa ra bất cứ bình luận nào về chế độ quân chủ. Các học giả thì có thể. Tôi cho rằng ở Anh cũng như vậy. Thủ tướng không bao giờ bình luận về Nữ hoàng. Chúng tôi cũng vậy", ông Wattanayagorn nói.

Vua Bhumibol Adulyadej, 82 tuổi, không giữ vai trò chính trị chính thức nào nhưng rất được dân Thái tôn thờ. Người dân Thái coi Vua là biểu tượng thống nhất tại đất nước thường xuyên chứng kiến bất ổn chính trị. Trong cuộc nổi dậy năm 1992, Vua đã trừng phạt cả lãnh đạo biểu tình và quân đội, chấm dứt bạo lực đang diễn ra.

Đầu năm nay, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói, Thái Lan sẽ tốt hơn nếu ngừng dựa dẫm vào Nhà Vua tôn kính, người đứng ra can thiệp trong những thời kỳ khó khăn. Tuy vậy, Thủ tướng nói, việc này cần có thời gian.

Sau vụ đụng độ làm 21 người chết hôm 10/4, một lãnh đạo phe áo đỏ đã kêu gọi hoàng gia can thiệp vào khủng hoảng để ngăn máu tiếp tục đổ xuống. Tuy nhiên, Vua Bhumibol, phải nhập viện từ tháng 9 năm ngoái, không có bình luận công khai

  • Hoài Linh (Theo CNA)

Tin liên quan

Các tin khác