Không lối thoát sớm cho khủng hoảng chính trị Thái Lan?
Dù người Thái có tiếng về tài ngoại giao khéo léo, loại bỏ đối đầu và giành được sự thoả hiệp như họ tự hào nói rằng "gió chiều nào che chiều ấy" thì họ cũng khó tìm được giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện thời.
TIN BÀI MỚI: |
---|
Binh sĩ Thái Lan triển khai tuần tra trên một đường phố ở Bangkok ngày 25/4. |
Lần lặp lại mới nhất của cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, vốn làm nảy sinh phong trào chống chính phủ chủ yếu ở vùng nông thôn, đã bước sang tuần thứ bảy. Không có lối thoát trước mắt và dường như không ai có thể phá vỡ thế bế tắc khi những người biểu tình tiếp tục chiếm giữ những khu vực quan trọng ở Bangkok trong nhiều tuần.
Các cá nhân cũng như đoàn thể, kể cả Hoàng gia, từng đóng vai trò trung gian hoà giải chủ chốt, hiện vẫn bất lực hoặc im lặng.
Cho tới hiện tại, các cuộc cuộc đụng độ đã cướp đi sinh mạng của 26 người và làm tê liệt trung tâm Bangkok, nơi những người biểu tình thuộc phe Áo đỏ đã chiếm giữ một số khu vực buôn bán hấp dẫn nhất thủ đô.
Đa phần mọi người đều nhất trí rằng, sự cho - nhận theo kiểu cũ là cách tốt nhất để thoát khỏi thế bế tắc vốn đang huỷ hoại ngành công nghiệp du lịch hái ra vàng của Thái Lan cũng như làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, 3 vòng thương lượng đã thất bại và tình trạng đối đầu dường như khó hoà giải thậm chí khiến một số người công khai bày tỏ lo ngại về khả năng nội chiến.
Các cuộc hoà đàm mới nhất thất bại cuối tuần trước sau khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva bác bỏ một đề xuất của phe Áo đỏ về việc giải tán quốc hội trong vòng 30 ngày - một yêu sách đã "mềm hoá" so với yêu cầu trước đó về việc giải tán cơ quan lập pháp ngay lập tức để tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới.
Phe Áo đỏ chủ yếu bao gồm những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ở vùng nông thôn và những nhà hoạt động vì dân chủ, phản đối cuộc binh biến lật đổ ông năm 2006. Họ tin rằng chính phủ của ông Abhisit bất hợp pháp vì lên cầm quyền dưới sức ép của quân đội thông qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội sau những phán quyết gây tranh cãi của toà án nhằm hạ bệ các chính phủ đắc cử thân Thaksin.
Tuy nhiên, cái thực sự nhen nhóm các cuộc biểu tình và khiến quá trình hoà giải trở nên khó khăn không phải là những phán quyết pháp lý hay sự tranh chấp chính trị mà là cơn phẫn nộ ăn sâu trong tầng lớp thượng lưu đóng đô ở Bangkok - những người đã đối xử với người nghèo ở nông thôn như công dân hạng hai trong khi không tìm cách xoá đói giảm nghèo.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Surat Horachaikul ở Đại học Chulalongkorn, sự thoả hiệp vô cùng khó khăn ngay cả đối với những người từng cầm trịch quá trình này trong quá khứ. "Lần này liên quan đến cả sự thay đổi hệ thống. Chưa báo giờ Thái Lan bị phân cực như thế này", ông Surat nói.
Một số thủ lĩnh biểu tình và các nhà học giả đã nghi ngờ những thoả hiệp trong quá khứ. Họ cho rằng chúng đơn thuần chỉ là trò lừa bịp người nghèo của những nhân vật môi giới quyền lực, chuyên đưa ra lời hứa suông.
Các bên thứ ba từng giúp đưa Thái Lan thoát khỏi tình trạng lộn xộn cho tới giờ chẳng có mấy vai trò trong cuộc khủng hoảng. Phe biểu tình coi một số người giống như Anand Panyarachun, một cựu thủ tướng từng được đông đảo tung hộ là sứ giả hoà bình và từng cảnh báo Thái Lan trên "bờ vực thảm hoạ", là quá gần gũi với tầng lớp thượng lưu quyền lực.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej - nhân vật được đông người dân kính trọng và đóng vai trò chủ chốt trong lịch sử Thái Lan hiện đại, đã nhập viện kể từ ngày 19/9 và vẫn giữ im lặng. Tuần trước, Chavalit Yongchaiyudh, cựu thủ tướng từng viết đơn thỉnh cầu vị vua 82 tuổi, nhận định không có đối tượng nào ngoài Hoàng gia có thể ngăn chặn được tình trạng rối loạn này.
Vua Bhumibol, vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới, đã can thiệp để ngăn chặn đổ máu trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1973 và một lần nữa trong các cuộc biểu tình đường phố chống quân đội năm 1992. Cả hai sự kiến chỉ kéo dài trong vài ngày.
Những người tiền nhiệm Vua Bhumibol nổi tiếng là khéo léo "gài bẫy" để Anh - Pháp chống lại nhau trong thế kỷ 19, bảo đảm cho Thái Lan duy trì tình trạng ngoại lệ hiếm hoi - một nước không thuộc thế giới phương Tây chưa từng bị chiếm làm thuộc địa.
Dẫu vậy, Paul Handley, tác giả một cuốn tiểu sử về nhà vua, cho rằng "các vấn đề sức khoẻ của Vua Bhumibol có thể khiến ông không còn đủ năng lượng để tự mình thuyết khách một thoả thuận". Theo ông, nhà vua được hiến pháp trao quyền ra sắc lệnh giải tán quốc hội nhưng ông chưa bao giờ làm thế nếu không có sự tán đồng của chính phủ cầm quyền. Vì vậy, chính phủ vẫn phải tự quyết việc thu xếp một thoả thuận với những người biểu tình.
"Để nhà vua hay hoàng gia công khai ra mặt, trước tiên họ (chính phủ) phải phác thảo một thoả hiệp biết chắc sẽ thành công trong việc hoá giải tình hình. Nếu nhà vua có một động thái công khai và nó không hiệu quả, khi đó mọi người sẽ nhìn nhận ông ấy yêu thế", tác giả cuốn "Nhà vua không bao giờ cười" nói.
Tuy nhiên, Handley và một số người khác đánh giá rằng, hiện vẫn còn chưa quá muộn cho một giải pháp hoà bình vì cả hai bên đã nhất trí về việc giải tán quốc hội và thu hẹp bất đồng về việc khi nào thì động thái đó nên xảy ra.
Họ nhấn mạnh, những cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ đã được giải quyết thông qua các cuộc bầu cử mới, mặc dù chính phủ và các đồng minh hiện lo ngại bầu cử đơn giản sẽ tạo nên những lãnh đạo thân Thaksin mới. Điều đó có thể lại dấy lên các cuộc biểu tình mới kèm bạo lực nếu đám đông những người biểu tình Áo vàng chống Thaksin - những người từng tuần hành rầm rộ trước cuộc binh biến năm 2006 và tìm cách lật đổ các chính quyền thân Thaksin sau đó, chiếm lĩnh các đường phố một lần nữa.
Một số từng bày tỏ hy vọng về một vòng đàm phán mới. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người khuyến cáo, các phe phái đối lập "đã đạt tới độ bế tắc hoàn toàn, trong đó không bên nào có thể đảm bảo một chiến thắng toàn cục mà không chịu những tổn thất lớn. "Cả hai bên cần phải nhượng bộ sớm, kẻo không nỗi ám ảnh về nội chiến có thể trở thành sự thực", trích một bài bình luận mới phản ánh ý kiến nhiều người trên tờ Bangkok Post.
-
Thanh Bình (Theo AP)