Cận cảnh cuộc sống, mánh lới của kẻ buôn băng đĩa lậu
Cách xếp đặt như mê cung của một hiệu sách nhận làm chi nhánh cho nhà xuất bản ngoại văn lớn nhất Trung Quốc chỉ dễ hiểu đối với những ai thường xuyên ghé thăm nơi này trong nhiều năm, ví dụ như những người bán băng đĩa lậu rong ở phía trước nó.
TIN BÀI NỔI BẬT: |
---|
Vào một ngày bình thường, khi không có mưa hay tuyết hoặc thông báo về chiến dịch truy quét, Thẩm Băng, 36 tuổi, sẽ lái chiếc xe Jetta của anh từ nhà riêng ở quận Đại Hưng tới địa điểm bán hàng ở đường vành đai thứ ba phía tây Bắc Kinh.
Anh Thẩm đỗ xe ở sân sau hiệu sách và lôi ra hàng trăm đĩa in sao lậu. Anh rút các đĩa khỏi vỏ bao của chúng. Chỉ có những vỏ bao không kèm đĩa được bày tại quầy hàng của anh ở phía trước hiệu sách.
Thẩm Băng và vợ (thứ ba từ bên trái) đã bán băng đĩa lậu ở Bắc Kinh được khoảng 10 năm nay. (Ảnh: Global Times)
"Nếu các quan chức quản lý của thành phố tới, tôi sẽ bỏ chạy, để lại những vỏ băng đĩa. Các đĩa đắt tiền hơn sẽ được an toàn", anh tiết lộ.
Các đĩa "đắt tiền" được giấu trong những thùng khóa kín, buộc chằng phía sau hai chiếc xe đạp cũ nát dựng ở sân sau hiệu sách. Khi một khách hàng tới mua băng đĩa, vợ của anh, Trương Mai, sẽ chạy qua hiệu sách để lấy chúng từ chỗ cất giấu. Quầy hàng của gia đình Thẩm đắt khách nhất vào các chiều thứ sáu với trung bình hơn 50 người tới tìm mua băng đĩa.
Nơm nớp lo sợ
Vợ chồng anh Thẩm, vốn quê gốc ở huyện Đông Nhĩ, Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, là một trong 3 gia đình kinh doanh băng đĩa lậu ở phía trước hiệu sách. Mỗi gia đình có mẹo buôn bán riêng, đặc biệt là cách thức và nơi giấu băng đĩa. Ví dụ, một gia đình thường bỏ băng đĩa trong một ống kim loại rỗng bị đổ phía trước hiệu sách. Trong khi gia đình khác cất giấu băng đĩa tại một căn nhà thuê ở phía sau hiệu sách.
Hiệu sách là một phần của bức tường phân chia ranh giới của trường đại học cạnh đó. Những người bán hàng rong đã khoét một lỗ hổng xuyên qua hàng rào thép cao một mét nối liền với hiệu sách để có thể dễ dàng qua lại sân sau.
Một phụ nữ giấu tên, chủ một cửa hàng văn phòng phẩm gần đó, cho hay những người bán hàng rong này đã bán băng đĩa ở đây được khoảng 10 năm.
"Họ chỉ vắng mặt trong những thời điểm nhạy cảm như Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và các kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Có vẻ như các nhà quản lý có một thỏa thuận ngầm với họ. Nếu không thì làm sao họ có thể cắm chốt ở đây trong nhiều năm đến như vậy", bà nói.
Ngay cả khi như vậy, anh Thẩm cũng rất cảnh giác. Khi một người đàn ông chấp nhận mua 10 đĩa DVD khiêu dâm sau một hồi mặc cả quyết liệt và rút điện thoại di động ra khỏi túi, anh Thẩm nhìn vị khách hàng này với vẻ kinh hãi. Anh chỉ thở phào nhẹ nhõm khi người đàn ông đó nói: "Đừng lo lắng thế. Tôi chỉ gọi mấy người bạn tới nhà cùng xem băng thôi mà".
Anh Thẩm cười xí xóa: "Tôi cứ nghĩ anh đang gọi cảnh sát".
"Chúng tôi không bao giờ dời đi quá muộn, bởi vì khi những người bán hàng khác không xuất hiện ở đây thì việc trụ lại một mình nguy hiểm lắm", cô vợ Trương tiết lộ thêm.
Nhà chức trách ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đang tiêu hủy các sản phẩm văn hóa trái phép tháng 1/2005. (Ảnh CFP)
Cuộc sống thường nhật
Gia đình Thẩm có thể đang làm ăn bất chính nhưng họ vẫn có một cuộc sống gia đình bình thường với một cô con gái 6 tuổi. Họ về nhà lúc 6 giờ tối để đón con gái từ một nhà trẻ ở quận Đại Hưng, địa điểm tọa lạc của một số trung tâm in sao băng đĩa lậu lớn.
"Chúng tôi muốn con gái của mình dành nhiều thời gian học để có một tương lai tốt đẹp hơn", cô vợ Trương bộc bạch. Trong nhà họ Thẩm có hàng đống băng đĩa lậu nhưng hiếm khi cô con gái được phép xem chúng.
Vào cuối tuần, khi được nghỉ học, con gái anh Thẩm sẽ dạy sớm và tới hiệu sách cùng bố mẹ. Cô bé sẽ chơi cùng con của các nhân viên cửa hàng hoặc tự đi chơi tha thẩn khi những người bạn khác phải về nhà làm bài tập.
Những người bán dạo có một bộ sưu tập DVD đồ sộ, từ các phim "bom tấn" của Hollywood, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc tới phim đồi truỵ, các chương trình truyền hình cũng như phim tài liệu mà rất nhiều trong số chúng vẫn chưa được phát sóng. Các khách hàng của họ gồm có học sinh, giáo viên, công chức về hưu và cả những nhân viên an ninh mặt đồng phục.
Một giáo sư người Australia họ Gregory tại Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh, từng đưa con gái lượn quanh các quầy bán băng đĩa suốt 2 ngày trời. Ông tiết lộ đã bị con gái thuyết phục tới đây để mua cho cô bé các đĩa phim hoạt hình Nhật. Anh Thẩm quen mặt bố con vị giáo sư người Australia vì "họ đã tới đây vài lần".
"Mỗi lần, họ không mua quá nhiều. Nhưng người nước ngoài hiếm khi mặc cả. Vì vậy, bán hàng cho họ rất thích", anh Thẩm tiết lộ.
Anh Thẩm bán mỗi đĩa với giá 5 NDT cho người nước ngoài và 4 NDT cho khách hàng người địa phương nào trả giá, trong khi giá bán sỉ thấp nhất là 1 NDT. Một DVD chất lượng cao có giá 8 NDT trong khi một DVD nén vào khoảng 10 NDT.
Giuseppe Malagisi, một lưu học sinh người Italia sống ở khu lân cận, cho hay giá trung bình mỗi DVD hợp pháp ở châu Âu là 15 Euro (20,2 USD), nhưng mỗi đĩa "nhái" chỉ tiêu tốn 1,5 Euro. "Tôi chỉ có thể mua đĩa in sao lậu. Nếu không, tôi sẽ tải miễn phí từ Internet", Malagisi bộc bạch.
Theo Malagisi, các trang web không bị xem là bất hợp pháp ở Italia và chúng là những nguồn tải thông tin chính. Chàng lưu học sinh này cho rằng rất khó tưởng tượng việc chính phủ Trung Quốc đóng cửa các website sớm hơn những nhà cung cấp nhạc trái phép như baidu.com.
Các điểm bán băng đĩa lậu ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô tháng 4/2006. (Ảnh CFP)
Ngành kinh doanh phát triển
Các băng đĩa in sao trái phép thu hút khách hàng vì giá cả phải chăng. Lấy bộ phim Vương triều Ung Chính dài 44 tập làm ví dụ. Một đĩa DVD bản quyền gồm hơn 15 tập với giá bán buôn là 120 NDT (17,59 USD). Mỗi bộ đĩa sao chép lậu gồm 3 chiếc chỉ với giá 15 NDT (2,2 USD). Một bộ 2 đĩa gồm tất cả các bộ phim được trao giải Oscar năm nay cũng đang rất đắt khách trên thị trường.
Theo các số liệu thống kê của Hiệp hội Audio và Video Trung Quốc, số lượng CD được tiêu thụ ở nước này lên tới 5 tỉ chiếc mỗi năm, trong đó hơn 80% là đĩa in sao trái phép với tổng trị giá hiện hành khoảng 24 tỉ NDT (tương đương 3,52 tỉ USD).
Thị trường của băng đĩa lậu có hệ thống riêng của nó với nhà sản xuất đứng đầu, người được cho là bỏ túi hàng chục triệu NDT. Theo tờ Tin tức Tài chính quốc tế, để tránh sự chú ý của các quan chức, một số nhà sản xuất "mạnh vì tiền" đã cho tiến hành việc sao chép băng đĩa lậu trên những con thuyền ngoài khơi.
Các nhà sản xuất này thường giấu mặt trong hậu trường và chẳng có bất kỳ liên hệ nào với những đại lý bán lẻ. Do đó, ngay cả khi những người bán lẻ bị bắt và bị nhà chức trách trừng phạt, nguồn gốc của nạn sao chép lậu, theo cách nào đó, vẫn chẳng hề bị ảnh hưởng.
Băng đĩa in sao trái phép cũng được đưa lậu vào đại lục từ Hồng Kông, Macao và các nước khác. Theo trang web của đài truyền hình CCTV, số lượng băng đĩa lậu bị thu giữ trong những năm gần đây đã giảm xuống do việc sản xuất đĩa CD trái phép đã được chuyển tới các vùng xa xôi,.
"Bản quyền tác giả cần được tôn trọng. Nếu không những nhà sản xuất phim chăm chỉ sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề", Ngô Vũ Sâm, một nhà sản xuất phim hành động Hồng Kông từng đạo diễn bộ phim Nhiệm vụ bất khả thi II, phát biểu trên cổng thông tin Soho.com.
Với vô số phiên bản các bộ phim không giấy phép sẵn có trên Internet, vị đạo diễn lừng danh nhấn mạnh rằng ý thức của công chúng vô cùng quan trọng cho việc giải quyết vấn đề này. Ngô Vũ Sâm nhấn mạnh: "Nếu mọi người đều coi nạn sao chép trái phép là một tội ác, thị trường băng đĩa lậu sẽ tự chết".
-
Thanh Bình (Theo Sina)