Tên sát thủ máu lạnh và 13 nạn nhân nữ độc thân
Trong khoảng thời gian từ ngày 14/6/1962 tới ngày 4/1/1964, mười ba phụ nữ độc thân tại Boston đã bị giết bởi một hoặc một nhóm sát nhân.
-
Tin bài mới:
Góc phố vắng vẻ tại Boston (Ảnh murrayontravel) |
Ít nhất là mười một vụ án được biết đến bởi mang cùng dấu ấn của một tên sát nhân. Phần lớn những phụ nữ này bị giết tại nhà của mình, bị cưỡng hiếp rồi bị bóp cổ cho tới chết. Không có dấu hiệu của bạo lực chứng tỏ nạn nhân biết rõ hung thủ hoặc ít nhất tự nguyện để hắn vào nhà mình. Các nạn nhân đều là những phụ nữ đứng tuổi, sống ở những nơi yên tĩnh, bình dị.
Thậm chí ngay cả khi Albert DeSalvo bị bắt và tự thú một cách chi tiết mười một vụ giết người, thì một bộ phận dân chúng vẫn không thể tin được hắn có khả năng làm như vậy. Làn sóng dư luận chia thành hai phía, một là lên án và khẳng định Albert DeSalvo có tội; một phía thì cho rằng hắn bị oan. Để đi tới cùng sự thật, câu chuyện này đã kéo theo sự quan tâm của rất nhiều các bác sỹ tâm thần học, các luật sư, những nhà tội phạm học, tác giả và các bạn của Albert DeSalvo trong việc tìm ra từng chứng cứ để bảo vệ ý kiến của mỗi bên.
Anna
Trong số mười một vụ án chính thức ở Boston, thì có sáu vụ là nạn nhân ở độ tuổi 55 và 75. Hai nạn nhân là 85 và 69 tổi, số còn lại ở độ tuổi trẻ hơn khoảng từ 19 đến 23 tuổi. Anna. E Sleser 55 tuổi, là một phụ nữ đã ly dị nhưng về hình thức bà trông vẫn còn khá trẻ, sống trong một căn hộ nhỏ. Căn nhà số 77 phố Gainsborough chủ yếu là dành cho những người có thu nhập thấp như là sinh viên và những người hưu trí. Anna Slesers là một thợ may với thu nhập là 60$/tuần và bà sống ở tầng 3.
Vào buổi tối ngày 14/6/1942 sau khi ăn tối và đợi con trai là Juris tới đón để đưa tới nhà thờ dự lễ, bà bước vào phòng tắm và nghe bản nhạc opera Tristan und Isolde. Gần 7h tối, Juris tới nhà mẹ nhưng không có ai trả lời mà cửa thì bị khoá, đập cửa mãi mà vẫn không thấy mẹ trả lời, cậu con trai thấy lo lắng không biết có phải mẹ mình bị ốm và bất tỉnh không thể ra mở cửa hay không. Lấy hết sức, cuối cùng Juris cũng phá được cửa, và điều tồi tệ nhật hiện ra trước mặt cậu khi nhìn thấy mẹ mình nằm trong bồn tằm và sợi dây của chiếc váy thì quấn chặt quanh cổ. Juris vội gọi cho cảnh sát và chị gái ở Marrylanh.
Thám tử James Mellon và John Driscoll đến hiện trường và phát hiện ra nạn nhân gần như là trần truồng, đó là một phụ nữ gầy với mái tóc màu nâu và đôi môi mỏng, sợi dây chiếc váy quấn chặt lấy cổ. Trong khi đó căn hộ có dấu hiệu của sự xáo trộn, ví tiền của Anna vương vãi trên sàn nhà. Thùng rác trong khu bếp bị bới tung lên và rác bị vứt xung quanh đó. Các ngăn kéo và một va ly cũng ở trạng thái tương tự. Máy quay đĩa vẫn chạy, nhưng loa đã bị tắt.
Cảnh tượng dường như là một vụ cướp nhưng đồng hồ vàng và một số nữ trang thì vẫn ở vị trí cũ. Trước khi bị thắt cổ bằng sợi dây của chiếc váy, Anna còn bị cuỡng hiếp. Theo những điều tra của cảnh sát về cuộc sống của nạn nhân thì đó là một người phụ nữ có rất ít bạn, bà chỉ đi nhà thờ, biết đến con cái và yêu thích nhạc cổ điển, đặc biệt là không quan hệ với người đàn ông nào khác. Trên cơ sở đó, cảnh sát cho rằng đây là nạn nhân của môt vụ trộm cướp , tên cướp đã không thể kiểm soát được hành vi khi thấy nạn nhân trong chiếc váy ngủ và rốt cuộc đã giết nạn nhân để tránh bị phát hiện.
Những người phụ nữ khác
Chỉ sau đó vài tuần, ngày 30/6, Nina Nichols, 68 tuổi, đã bị giết tại căn hộ của bà ở đại lộ Commonwealth, khu Brighton của Boston. Nạn nhân là nhà vật lý trị liệu, sống một cuộc đời khá yên bình và giản dị. Chồng bà chết trước đó 20 năm. Người đàn ông duy nhất mà bà quen biết là ông anh rể.
Hiện trường cũng giống như một vụ trộm. Các ngăn kéo bị kéo ra bên ngoài, đồ đạc nằm lung tung trên thảm như thể căn phòng vừa trải qua một trận bão. Nhưng điều kỳ lạ là hàng nắm tiền sterling bằng bạc sáng lóa trong một ngăn kéo, tiền trong ví, máy quay phim đắt tiền của nạn nhân vẫn nguyên tại chỗ... Không đồ đạc nào bị mất, ngoại trừ việc hung thủ đã lục lọi sổ ghi địa chỉ và tập thư của nạn nhân. Xác nạn nhân nằm trên sàn nhà, hai chiếc tất nylon của bà buộc quanh cổ và phía trước thắt lại thành hình chiếc nơ. Trước khi giết thủ phạm đã hãm hiếp bà.
Cùng ngày hôm đó, cách nơi Nina Nichols bị giết khoảng 24km về phía bắc của Boston, cảnh sát phát hiện thi thể của bà Helen Blake. Pháp y giám định bà bị giết trong khoảng 8-10 giờ sáng. Người phụ nữ 65 tuổi này cũng bị xiết cổ bằng tất nylon sau khi bị hãm hiếp. Ngang cổ, tên tội phạm buộc một cái nơ bằng chính áo lót của bà. Căn hộ của Blake bị lục lọi, hai chiếc nhẫn kim cương mà bà đeo biến mất. Tên tội phạm đã tìm cách mở một hộp và một tủ bằng kim loại nhưng không thành công.
Cảnh sát trưởng Boston Edmund McNamara rất lo lắng. Ông cảnh báo mọi phụ nữ trong thành phố phải khóa cửa và phải trông chừng những kẻ lạ mặt. Các nhân viên cảnh sát bị hoãn nghỉ phép và được huy động vào điều tra những vụ án bí ẩn này. Thông tin của những kẻ từng có tiền án tấn công phụ nữ hay bị tâm thần được rà soát để tìm hung thủ đã thực hiện loạt vụ tấn công đó. Theo cảnh sát, thủ phạm hẳn phải là một kẻ rất ghét mẹ đẻ của hắn. McNamara yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI), nơi ông từng làm việc, tổ chức cuộc họp giúp hơn 50 thám tử của ông hiểu hơn về các loại tội phạm tình dục.
Trong khi đó các vụ án giết người vẫn liên tiếp xảy ra. Ngày 19/8, bà Ida Irga, 75 tuổi, trở thành nạn nhân của tên bóp cổ. Nạn nhân được tìm thấy sau khi bị giết hai ngày, trong căn hộ của mình tại số 7 đại lộ Grove, phía tây Boston. Cũng như những vụ trước đó, không dấu hiệu nào cho thấy thủ phạm đã đột nhập vào nhà của nạn nhân. Có lẽ Irga đã cho hắn vào nhà một cách thoải mái.
Khác với các vụ kia, Igra bị bóp cổ. Máu khô vẫn còn trên đầu, trong mồm và tai bà.
Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi Ida Irga bị giết, một phụ nữ khác tên Jane Sullivan, 64 tuổi, cũng bị bóp cổ đến chết tại căn hộ 435, đường Columbia, thị trấn Dorchester ngay gần thị trấn nơi Irga sống. Thi thể được phát hiện khi đang ở giai đoạn phân hủy 10 ngày sau khi chết.
Nạn nhân kế tiếp - trẻ trung và xinh đẹp
Ba tháng yên tĩnh sau đó đủ để các nhân viên cảnh sát Boston có điều kiện điều tra tất cả những kẻ tình nghi. Nhưng họ chỉ thu được một danh sách dài những kẻ tình nghi, mà phần lớn không có khả năng là “tên bóp cổ”.
Và tên sát nhân trở lại hoạt động vào ngày 5/12/1962. Nạn nhân lần này là Sophie Clark, sinh viên Mỹ gốc Phi, 21 tuổi, nổi tiếng khả ái ở Viện Nghiên cứu Carnegie về công nghệ y học. Xác của cô được hai người bạn cùng phòng phát hiện tại căn hộ của họ, số 315 đại lộ Huntington, trong khu Back Bay, cách nhà của nạn nhân đầu tiên Anna S. Slesers không xa. Thi thể Sophie nằm trong phòng khách, cổ bị thít chặt bởi 3 chiếc tất nylon được buộc thành hình nơ bướm. Cô cũng bị hãm hiếp trước khi bị sát hại.
Không có dấu hiệu cho thấy tên tội phạm đã đột nhập. Sophie vốn là người rất cẩn thận, lắp tới hai ổ khóa cho cánh cửa ra vào. Thậm chí, theo lời bạn cô, Sophie còn thận trọng tới mức nhận diện người gõ cửa trước khi để họ vào phòng. Khả năng duy nhất là cô đã bị tên giết người thuyết phục cho vào nhà. Lúc đó, cô đang viết thư cho bạn trai. Trước khi chết, Sophie có vật lộn với tên giết người. Và hắn đã lục lọi bộ sưu tập những đĩa nhạc cổ điển của cô. Thực tế, cô không hẹn hò ai ở Boston và rất hạn chế trong việc quan hệ với nam giới.
So với những án mạng trước, vụ này tương đối lạ. Bởi Sophie là một phụ nữ da đen trẻ tuổi và cô không sống một mình. Đây cũng là lần đầu tiên cảnh sát tìm thấy mẫu tinh dịch của tên tội phạm.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát thu được một thông tin quan trọng. Cô Marcella Lulka, sống với chồng trong căn hộ cùng khu nhà với Sophie, cho biết, vào khoảng 14h20 cùng ngày xảy ra vụ án, một người đàn ông lạ mặt đã đến gõ cửa nhà cô, nói là người trông coi khu nhà yêu cầu anh ta đến sơn cửa cho cô. Vừa trò chuyện, hắn vừa ca ngợi thân hình Lulka: “Đã bao giờ cô nghĩ đến việc trở thành người mẫu chưa?”. Thấy cô tỏ ra nghi ngờ, hắn lập tức giận dữ và thay đổi hoàn toàn thái độ.
Lulka dọa hắn: “Chồng tôi đang ngủ ở phòng bên”. Thêm lần nữa, thái độ người đàn ông thay đổi. Hắn nói mình đã vào nhầm hộ và nhanh chóng rời khỏi khu nhà. Lulka miêu tả, kẻ lạ mặt tuổi khoảng 25-35, cao trung bình, tóc nâu vàng, mặc áo jacket màu tối và quần xanh thẫm.
Nhiều khả năng đó chính là “tên bóp cổ”, bởi sau đó, bộ phận trông coi khu nhà xác minh là không hề cử người tới. Hơn nữa, 14h30 là khoảng thời gian dự tính xảy ra cái chết của Sophie Clark.
3 tuần sau, lại thêm một phụ nữ, cũng ở khu Back Bay, bị giết chết. Đó là cô Patricia Bissete, 23 tuổi, thư ký tại một công ty cơ khí. Xác của cô chỉ được phát hiện khi giám đốc không thấy cô đi làm, đã lo lắng đến tận nơi cô ở, sáng thứ hai, ngày 31/12/1962. Bissete nằm trên giường, chăn đắp tới tận cổ như thể đang ngủ. Dưới lớp chăn, kẻ giết người buộc rất nhiều tất quanh người cô và thắt lại thành hình nơ bướm. Bissete bị hãm hiếp dù đang mang thai. Phòng của cô cũng bị lục tung.
Mọi thứ lại trở lại yên tĩnh trong vài tháng. Cảnh sát tiếp tục điều tra các vụ giết người để tìm thêm chứng cứ. Họ đã làm tất cả những gì có thể, nhưng không phát hiện được điều gì đáng kể.
Đầu tháng 3/1963, tại thị trấn Lawrence, cách Boston 40 km về phía bắc, bà Mary Brown, 68 tuổi đã bị đánh đến chết trong căn hộ của mình. Tên tội phạm đã hãm hiếp nạn nhân trước khi giết. Rồi cái chết của nữ sinh mới ra trường Beverly Samans, 23 tuổi, kéo dài hai tháng đầy hãi hùng với dân thành Boston. Không thấy Samans tới tập với dàn đồng ca của nhà thờ tại Back Bay, người bạn của cô đã đến nhà Samans. Anh mở cửa bằng chìa khóa Samans đưa cho từ trước và phát hiện bạn nằm ngay trước cửa, hai tay bị trói ra đằng sau bằng một chiếc khăn quàng. Một chiếc tất nylon và hai chiếc khăn mùi xoa nối lại với nhau, buộc quanh cổ Samans. Mồm cô bị nhét giẻ, và được phủ lên bằng một cái giẻ khác.
Samans không chết vì bị bóp cổ, mà do bị 4 nhát dao đâm vào cổ họng, 18 nhát vào ngực trái. Những chiếc tất buộc quanh cổ khá lỏng, có vẻ chỉ mang tính “trang trí”. Con dao hung khí nằm trong bồn rửa bát. Không có dấu hiệu Samans bị hãm hiếp. Giám định pháp y khẳng định nạn nhân chết khoảng 48-72 giờ trước khi được phát hiện.
Samans đang theo học một khóa thanh nhạc, và dự thi để tham gia cuộc biểu diễn có tên “Gặp nhau ở New York” vào năm đó. Cảnh sát cho rằng, vì cổ họng cô quá khỏe nên tên giết người đã phải đâm chết cô, thay vì bóp cổ.
Nhận dạng hung thủ qua con mắt nhà thần cảm
Cảnh sát trở nên tuyệt vọng. Họ không thể tìm ra chứng cứ trực tiếp nào về kẻ giết người. Cuối cùng, Paul Gordon, người đàn ông có khả năng kỳ lạ về thần cảm, được mời tới. Theo nhận định của ông, hung thủ là người khá cao, có bàn tay xương xẩu, nước da trắng tái, những khớp tay gồ ghề ửng đỏ, đôi mắt sâu độc ác.
Paul Gordon lầm rầm: “Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi phải nhìn vào mắt hắn. Hắn có thói quen lật mấy sợi tóc quăn rủ trước trán về phía sau. Hắn mất một chiếc răng cửa ở hàm trên và đang ở trong bệnh viện hoặc nơi nào đó tương tự. Hắn không bị giam giữ, vì tôi nhìn thấy những bước chân của hắn trên một thảm cỏ. Hắn đang đi lang thang, nhiều lúc ngồi nghỉ trên ghế hoặc ngồi luôn xuống đất.
Hắn có nhiều vấn đề. Hắn đánh mẹ mình rất tàn nhẫn. Bà này không mấy thông minh và từng đánh đập hắn cùng hai cô chị lúc chúng còn bé. Gia đình này đến từ Maine hoặc Vermont. Hắn rất cô đơn. Tôi đã nhìn thấy hắn ngủ trong những hầm rượu ở thành phố. Nhưng hắn thích đi lang thang trên phố để nhìn ngắm phụ nữ trên đường, và muốn lại gần họ. Hắn là một kẻ tội nghiệp, mải miết đi tìm mẹ mình, nhưng không sao tìm được vì bà ta đã chết”.
Thám tử đưa cho Gordon một loạt bức ảnh những kẻ từng có ý định đột nhập khu Back Bay, và ông nhận ra Arnold Wallace. Ông cho rằng đó chính là tên bóp cổ, vì hắn có những đặc điểm đúng như ông hình dung về tên tội phạm.
Wallace là một thanh niên 26 tuổi, từng là bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Boston. Vài ngày trước đó, hắn lang thang ra khỏi bệnh viện và ngủ tại tầng hầm của một số căn hộ trong các khu chung cư. Hắn là một kẻ có khuynh hướng bạo lực và từng đánh đập mẹ rất tàn nhẫn.
Sau khi nhận diện Wallace, Gordon chuyển sang nhận diện tiếp kẻ đã giết Sophie Clark. Qua ảnh của cô, ông miêu tả chính xác mọi vị trí trong căn nhà, cứ như thể mình đã ở đó. Theo Gordon, tên giết người là một người đàn ông da đen cao lớn, quen biết Sophie. Nhận định của ông khá ấn tượng, vì sau đó ông đã chỉ đúng một kẻ tình nghi trong vụ giết Sophie là Lewis Barnett. Người đàn ông này từng hò hẹn với Sophie và có khả năng hắn cũng đã có thời gian sống chung trong căn hộ của cô.
Thông tin về Arnold Wallace lập tức được thẩm tra. Họ phát hiện ra rằng hắn đã trốn khỏi bệnh viện 5-6 lần, trùng với thời gian xảy ra các vụ giết người. Tuy nhiên, cảnh sát Boston tỏ ra khá thận trọng. Bởi họ cho rằng Gordon từng tới bệnh viện trước đó, nên ông ta hoàn toàn có khả năng đã nhìn thấy Wallace. Và như vậy, phán đoán của ông ta chỉ là giả dối. Mà biết đâu Gordon chính là tên bóp cổ?...
Wallace được kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Chỉ số IQ khá thấp của Wallace, trong khoảng 60-70, và việc hắn bất lực không phân biệt được thực tại và ảo giác, gây cho cảnh sát nhiều khó khăn. Cuộc thử nghiệm không cho kết quả nào rõ rệt. Wallace trở lại bệnh viện, và cảnh sát tiếp tục lần theo các manh mối khác.
* Còn tiếp
-
Chúc Anh (Theo Crime)