Phụ huynh "quái vật" từ đâu chui ra?
Bữa sáng cho phụ huynh học sinh tại các trung tâm gửi trẻ, giặt là và cắt móng chân móng tay ngay ở trường, giáo viên phải tham gia dịch vụ đưa đón trẻ....chỉ là một vài trong số rất nhiều đòi hỏi của những bậc phụ huynh "quái vật" ở Nhật.
TIN BÀI QUỐC TẾ MỚI |
---|
Hơn 60.000 giáo viên và các nhân viên khác làm việc tại các trường học công ở Tokyo cuối tháng 3 này sẽ nhận được một cuốn sổ trên theo một dự án trị giá 10 triệu yen.
"Vô số những đòi hỏi", một giáo viên Tokyo cho biết khi nhắc lại những phàn nàn mà trường tiểu học của cô nhận được.
"Một nữ phụ huynh học sinh gọi điện cho chúng tôi lúc 7h30 sáng và đay nghiến suốt hai tiếng liền...Có một buổi sáng bà ấy nói: Tại sao cô lại bắt con tôi trình bày trước những đứa trẻ khác? Con tôi không thích như vậy..."giáo viên trên nói.
"Họ chỉ chú ý tới con cái mình và yêu cầu giáo viên phải quan tâm đặc biệt tới chúng", giáo viên đề nghị giấu tên cho biết.
Nguồn tạo ra phụ huynh "quái vật"
Biệt danh "phụ huynh quái vật" chính là tên gọi mà giới truyền thông đặt cho các bậc phụ huynh học sinh hay hoạnh hoẹ trường học.
Nhà phê bình giáo dục Naoki Ogi, từng tiến hành một cuộc khảo sát về các "phụ huynh quái vật", cho biết, đằng sau những đòi hỏi thái quá của các phụ huynh chính là những nguyên tắc thương mại trong giáo dục, được đưa ra hồi những năm 2000.
Hiện nay, nhiều thành phố cho phép các bậc phụ huynh chọn trường cho con thay vì buộc chúng phải học đúng khu vực mà các em ở. Hành động này khiến các trường phải cạnh tranh với nhau để thu hút sinh viên.
Ở Nhật, một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, thì hậu quả của những việc trên là "giáo dục trở thành một món hàng", ông Ogi nói.
"Khách hàng là thượng đế tại các trung tâm mua sắm và người mua có quyền lực tuyệt đối so với người bán, và trong trường thì cha mẹ chính là người mua. Thậm chí hoàng gia cũng trở thành mục tiêu dò xét sau khi ra công bố con gái duy nhất của thái tử đã nghỉ học vì bị bạn nam bắt nạt".
"Có phải công nương Masako cũng là bà mẹ quái vật", tiêu đề một tạp chí viết trong bối cảnh có nhiều tranh cãi về việc liệu có phải quá mức khi công bố một vấn đề ở trường học qua người phát ngôn của cung điện.
Ông Ogi đã thu thập được hơn 700 mẫu phụ huynh "quái vật" thông qua các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ trên toàn quốc.
Mẫu điển hình của "phụ huynh quái vật"
Khi khảo sát, ông Ogi biết được, có một giáo viên được yêu cầu tới nhà học sinh mỗi sáng để đón em này đi học. Một giáo viên khác lại bị nhắc phải xem dự báo thời tiết và chỉ dẫn học sinh rằng chúng có cần mang ô khi đi học vào ngày mai hay không.
Về phần nhà trường, phụ huynh lại đòi hỏi phải giặt đồ thể thao, cắt móng tay cho học sinh hay làm lại cuốn sổ niên khoá vì có một em học sinh không có nhiều ảnh trong đó lắm.
Một bà mẹ còn phàn nàn rằng con mình làm vỡ cửa sổ trường học vì nó tìm thấy hòn đá ở chỗ mà đáng ra nó không được tìm thấy. Nữ phụ huynh học sinh này đòi trường bồi thường cho ngày làm mà bà buộc phải nghỉ để giải quyết chuyện kính vỡ.
Ogi nói, ông từng trò chuyện với một giáo viên tiểu học, người từng được một bà mẹ yêu cầu đem đồ ăn trưa cho con bà ta trong một ngày lớp học đi tham quan. Giáo viên trên đã làm theo yêu cầu của phụ huynh vì sợ đứa trẻ không được đi tham quan. Câu chuyện này là một ví dụ về việc "phụ huynh quái vật" dùng chính con mình làm "con tin" để buộc giáo viên làm những gì họ muốn, ông Ogi cho biết.
Dữ liệu của chính phủ Nhật cho thấy, số giáo viên nghỉ làm do stress đã tăng hơn gấp 3 trong vòng thập niên qua, chiếm 63% số giáo viên nghỉ phép vì ốm. Ngoài ra, hơn 26.000 giáo viên và nhân viên trường học tại Tokyo đã được bảo hiểm chống lại các vụ kiện, tăng từ mức 1.300 trường hợp so với một thập niên trước.
Một số giáo viên quá căng thẳng đã tự vẫn.
Giáo viên tự vẫn vì stress quá mức
Một nữ giáo viên kỳ cựu đã tự thiêu tại một nhà trẻ vào năm 2002 sau 4 tháng liền nhận được phàn nàn của một phụ huynh về đứa con trai của họ. Cậu bé bị xước chân tay sau khi tranh giành một cuốn sách với những bé khác.
Quyển sách sắp được chính quyền Tokyo chuyển cho các giáo viên cho rằng phản hồi ban đầu của nhà trường với phàn nàn là rất quan trọng để ngăn mọi việc tệ hơn. Theo đó, một lời xin lỗi thích hợp là bày tỏ sự thông cảm chứ không cần chấp nhận phàn nàn.
Một ví dụ phản hồi có thể là" Tôi xin lỗi đã gây lo lắng. Tôi sẽ nói chuyện lại với ông/bà sau khi tiến hành điều tra" thay vì "tôi xin lỗi vì những rắc rối đã xảy ra, vì sự sơ suất của chúng tôi".
-
Hoài Linh (Theo Asia)