Một chương mới trong nền chính trị Thái Lan?

Cập nhật lúc 12:02, 30/03/2010 (GMT+7)

Các cuộc đàm phán công khai cuối tuần trước giữa Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva và phe áo đỏ đối lập đã mở ra một chương mới trong nền chính trị của nước này.

TIN BÀI MỚI:

Sẽ thật sai lầm khi liệt các cuộc đàm phán giữa chính phủ Thái Lan với các đối thủ cứng đầu cứng cổ nhất là một thất bại. Chúng mới chỉ ở giai đoạn trứng nước và không ai có thể biết chúng có thể diễn tiến tới đâu. Trong thực tế, các cuộc thương thuyết công khai như vậy giữa các phe đối địch hùng mạnh chưa từng có tiền lệ trong nền chính trị Thái Lan. Đây là một sự đoạn tuyệt đáng hoan nghênh với nhiều năm đối đầu căng thẳng.

Sự thật về một cuộc gặp lịch sự giữa Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và những người chống đối "áo đỏ" là một bước chuyển lạc quan trong chuỗi sự kiện. Ngay cả khi tự thân các cuộc đàm phán đổ vỡ, chúng cũng đã chứng minh rằng người Thái, với những quan điểm chính trị khác biệt sâu sắc, vẫn có thể ngồi lại và cố gắng tìm kiếm điểm chung.

Bề ngoài dường như không còn cách nào khác để các cuộc thương lượng cuối cùng có thể thành công. Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) có một yêu sách: giải tán Quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ông Abhisit cũng có một lời đáp: chưa được.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là, các vấn đề chính trị vốn đang chia rẽ đất nước Thái Lan trong nhiều năm qua có nhiều nguyên nhân, vố số khía cạnh và các đường hướng gần như bất định nhằm tới sự hoà giải.

Cần lưu ý là, chỉ mới tuần trước cơ hội đàm phán giữa các phe đối địch gần như bằng không. Các lãnh đạo chủ chốt của phong trào áo đỏ đã phát động biểu tình với thông điệp cũ đòi ông Abhisit phải từ chức. Thủ tướng đáp lại rằng, ông sẽ không bao giờ đối thoại với UDD chừng nào họ còn có ý định đưa ra những đòi hỏi kiểu như giải tán Quốc hội.

Tuy nhiên, vào chủ nhật (28/3), nhờ một số cuộc vận động phía sau hậu trường của những người bạn cũ của cả hai bên, ông Abhisit cùng với hai trợ lý đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với thủ lĩnh đối lập Veera Musikhapong cùng nhóm hậu thuẫn ông ta. Những cái bắt tay, nụ cười có thể thuyết phục một người ngoài cuộc rằng ở đây đang diễn ra một cuộc tiếp xúc bàn công chuyện vui vẻ.

Có rất nhiều cách để hiểu các cuộc đàm phán. Một là, Thủ tướng Abhisit buộc phải tham gia thương thuyết sau hai tuần diễn ra các cuộc biểu tình đường phố đầy ấn tượng của phe áo đỏ. Tương tự như vậy, sẽ có lý khi cho rằng phe áo đỏ, sau khi không thể tập hợp đủ đông để tạo thành "cuộc tuần hành của triệu người" nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm, đã phải gặp Thủ tướng Abhisit trên lãnh địa của ông nhằm cố gắng vãn hồi thể diện.

Dẫu vậy, đối với hầu hết người Thái, các cuộc thương lượng hôm Chủ nhật đã là một điểm sáng. Phần đông dân số im lặng coi đây là một thời điểm hy vọng mang tính đột phá, rằng phép lịch sự và việc mặc cả có thể bắc cầu lỗ hổng chính trị. Chắc chắn, các cuộc biểu tình đường phố và sự kiên quyết không chịu nhượng bộ của chính phủ trong suốt 6 năm qua đã không hiệu quả.

Ông Abhisit, ông Veera và các nhóm của họ do đó xứng đáng được ngợi ca và khích lệ mạnh mẽ. Họ đang khai phá một con đường mới trên chính trường Thái Lan. Cho tới hiện tại, các cuộc đàm phán như vậy, vốn luôn diễn ra phía sau các cánh cửa đóng kín, chỉ thu hút sự quan tâm các nhà hoạt động chính trị, ví dụ như những ai muốn trở thành bộ trưởng nội các hoặc muốn đâm sau lưng đồng nghiệp để tái tập hợp một liên minh.

Ngày 28/3, hai bên đã bắt đầu mặc cả về điều gì đó còn quan trọng hơn. Cái đang lâm nguy là tương lai chính trị của đất nước, có thể trong hai năm tới nếu không muốn nói là có thể dài hơn.

Như ông Abhisit đã nói, sẽ phải có một cuộc bầu cử chậm nhất là vào tháng 12 năm sau. Nếu được tổ chức bây giờ, nó có thể gây ra sự chia rẽ vô cùng lớn. Thủ tướng có khả năng sẽ không thể vận động tranh cử an toàn tại một số tỉnh. Tương tự như vậy, bạo lực có thể sẽ xảy ra tại một số nơi mà các lãnh đạo UDD hiện diện.

Mục tiêu ban đầu và thực sự của các cuộc đàm phán phải là nhất trí tiến hành một cuộc bỏ phiếu hoà bình với đầy đủ quyền tự do ngôn luận. Tất cả các bên cũng phải tán thành việc sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Nếu đạt được điều đó, các cuộc thương lượng bắt đầu từ ngày 28/3 sẽ thành công hơn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng được chỉ một tuần trước đó.

  • Thanh Bình (Theo Bangkok Post)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác