Trung Quốc chưa thể là một siêu cường
Liệu Trung Quốc có thể trở thành siêu cường tiếp theo? (Ảnh: jamestown.org) |
Đã sẵn sàng vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, Trung Quốc hội đủ tất cả các yếu tố cần thiết để trở thành một cường quốc - cơ sở công nghiệp cao, một nhà nước mạnh, quân sự có trang bị hạt nhân, lãnh thổ rộng lớn, ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và dân số đông - để được coi là ứng cử viên đủ tiêu chuẩn và hợp logic nhất có thể được so sánh ngang bằng với "Chú Sam". Thực tế, quan điểm cho rằng Trung Quốc đã trở thành siêu cường thứ hai lớn đến mức một số người ở phương Tây đã đề nghị thành lập nhóm G-2 - gồm Mỹ và Trung Quốc - làm đối tác mới để giải quyết các vấn đề nan giải nhất của thế giới.
Chắc chắn, quan điểm cho rằng Trung Quốc là cường quốc tiếp theo rất có cơ sở, ít nhất là ở khía cạnh nào đó trong sự trỗi dậy đáng kinh ngạc trong 3 thập kỷ qua. Được tiếp sức bởi tăng trưởng kinh tế gần 2 con số kể từ năm 1979, Trung Quốc đã tự chuyển mình từ một xã hội biệt lập, nghèo đói và thiếu trật tự thành một cường quốc thương mại toàn cầu thịnh vượng. Với GDP 4,4 nghìn tỷ USD và tổng kim ngạch ngoại thương đạt 2,6 nghìn tỷ USD năm 2008, Trung Quốc đã tự khẳng định vững chắc sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới của mình.
Tuy nhiên, mặc dù có những thành tựu không thể phủ nhận như vậy, nhưng có thể vẫn còn quá sớm để coi Trung Quốc là siêu cường tiếp theo của thế giới. Không còn nghi ngờ gì khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc, một "địa vị" dành cho những nước không chỉ bảo vệ hiệu quả chủ quyền, mà còn có ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới về các vấn đề kinh tế và an ninh. Nhưng cường quốc không nhất định sẽ là siêu cường. Trong lịch sử thế giới, chỉ có một nước - Mỹ - thực sự đạt được các khả năng trở thành siêu cường: nền kinh tế hiện đại về công nghệ, quân sự công nghệ cao, đất nước thống nhất hoàn toàn, những lợi thế không thể vượt qua về kinh tế và chính trị so với những đối thủ tiềm năng, khả năng cung cấp hàng hóa cho toàn cầu và ý thức hệ phù hợp. Ngay cả trong thời hoàng kim của mình, Liên Xô cũ cũng chỉ đạt được mức độ siêu cường trên một phạm vi - cạnh tranh với Mỹ về quân sự, nhưng lại thiếu các công cụ quan trọng khác của một cường quốc.
Trong khi đó, những thách thức mà Trung Quốc phải đối diện nếu trở thành siêu cường tiếp theo cũng thực sự rất lớn. Ngay cả sản lượng kinh tế được hy vọng sẽ vượt qua mức 5 nghìn tỷ USD vào năm 2010, nhưng thu nhập đầu người của Trung Quốc vẫn dưới 4.000 USD, chỉ gần bằng 1/10 so với của Mỹ và Nhật. Hơn một nửa dân số Trung Quốc vẫn đang sống ở nông thôn, hầu hết đều không được tiếp cận với nước sạch, chăm sóc y tế cơ bản hay giáo dục tử tế. Với tỷ lệ đô thị hóa tăng khoảng 1% mỗi năm, sẽ phải mất 3 thập kỷ Trung Quốc mới có thể giảm được số nông dân xuống còn 1/4 tổng dân số. Chừng nào Trung Quốc vẫn có dân số là nông dân chiếm đa số, với hàng trăm triệu người sống ở nông thôn có thu nhập thấp và sống ở ngoài rìa của sự hiện đại thì, vẫn chưa có khả năng nước này trở thành siêu cường thực sự.
Để khẳng định Trung Quốc là siêu cường tiếp theo, thì ít nhất tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong thời gian qua của Trung Quốc sẽ phải được duy trì. Thật không may, dựa vào những gì nước này đã thể hiện trong quá khứ để tiên đoán triển vọng tương lai là việc hết sức may rủi. Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1979 khá mạnh mẽ, tuy nhiên khả năng duy trì mức tăng trưởng như cũ cũng không chắc được bảo đảm. Khả năng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại và thậm chí giảm xuống đáng kể trong hai thập kỷ tới là rất lớn. Một số nhân tố cấu trúc tạo lợi thế, như tỷ lệ nhân khẩu học (bắt nguồn từ dân số tương đối trẻ), hoàn toàn bị hạn chế tiếp cận thị trường thế giới, tỷ lệ tiết kiệm cao, áp lực phải bảo vệ môi trường thấp, sẽ dần biến mất. Giống như Nhật Bản, Trung Quốc đang trở thành nước có dân số già, phần lớn do ảnh hưởng của chính sách một con hà khắc của chính phủ (quy định các gia đình thành phố chỉ có 1 con). Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ là 17% vào năm 2020, và dân số càng già thì sẽ càng làm tăng chi phí chăm sóc y tế và lương hưu trong khi lại làm giảm tiết kiệm và đầu tư. Mặc dù mức độ thực tế của việc suy giảm tiết kiệm và tăng chi tiêu chăm sóc y tế và lương hưu còn chưa rõ ràng, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên tăng trưởng kinh tế cũng rất đáng kể.
Một trở ngại nữa đối với nền kinh tế tương lai của Trung Quốc nằm ở mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Là một nước thu nhập trung bình với nhu cầu trong nước hạn chế, Trung Quốc đã phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi chiến lược này, đã từng được triển khai thành công ở Đông Á, cũng hoạt động tốt tại Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, thì những cơn khủng hoảng bắt nguồn từ khu vực đã chứng tỏ, vẫn chưa có gì là chắc chắn. Là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới (mặc dù Trung Quốc được kỳ vọng sẽ vượt qua Đức trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào năm 2010), Trung Quốc vẫn gặp phải những phản đối bảo hộ tại các thị trường lớn (Mỹ và châu Âu). Đặc biệt, chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp của Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu bị cho là làm xấu thêm tình trạng mất cân bằng toàn cầu và làm suy yếu nền kinh tế của các đối tác thương mại.
Không giống như các nước láng giềng Đông Á, những nước là cường quốc thương mại tương đối nhỏ, quy mô lớn của Trung Quốc có nghĩa là nó có thể gây ra những gián đoạn kinh tế nghiêm trọng đối với các đối tác thương mại. Trừ khi Chính phủ Trung Quốc từ bỏ chiến lược trọng thương của mình, nếu không, sự tẩy chay toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc là không thể bỏ qua. Bởi vì tăng trưởng xuất khẩu ròng đã tạo cho Trung Quốc thêm ít nhất 2% tăng trưởng trong 5 năm qua, sự suy giảm xuất khẩu trong tương lai có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng chung sẽ thấp hơn. Chắc chắn, Trung Quốc có thể bù đắp cho những mất mát từ nhu cầu bên ngoài bằng cách tăng tiêu dùng trong nước. Nhưng, quá trình này đòi hỏi cuộc cải tổ toàn diện chiến lược tăng trưởng, một bước đi khó khăn và gian nan về mặt chính trị mà chính phủ đương nhiệm khó có thể tiến hành.
Trở ngại thứ 3 đối với tăng trưởng tương lai của Trung Quốc là sự xuống cấp môi trường. Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã thờ ơ với vấn đề môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, và những hậu quả đáng báo động đã bắt đầu hiện hữu. Ngày nay, ô nhiễm không khí và môi trường đã giết chết khoảng 750.000 người Trung Quốc mỗi năm. Tổng thiệt hại do ô nhiễm bằng khoảng 8% GDP. Theo con số ước tính chính thức, để giải quyết sự xuống cấp môi trường đòi hỏi phải đầu tư thêm 1,5% GDP nữa mỗi năm. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung nước của Trung Quốc và làm tăng hạn hán ở miền bắc. Cách tiếp cận kinh doanh thông thường của Trung Quốc chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, phụ thuộc vào năng lượng rẻ và không chịu các chi phí chống ô nhiễm, sẽ không thể bền vững.
Bên cạnh các triển vọng kinh tế không chắc chắn, việc vươn lên tới vị thế siêu cường của Trung Quốc sẽ bị cản trở bởi một số nhân tố chính trị. Trước hết là, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải tìm cho mình một tầm nhìn toàn cầu và đảm nhận một sứ mệnh chính trị. Nhiều nước không trở thành siêu cường đơn giản vì họ chỉ đạt được quyền lực cứng. Việc thực thi sức mạnh phải được thể hiện qua sáng kiến và tầm nhìn toàn cầu. Mỹ không trở thành siêu cường cho tới khi bước vào cuộc thế chiến thứ 2, thậm chí còn đạt được những "yêu cầu" về một siêu cường từ lâu trước vụ Trân Châu cảng. Thách thức chính trị với Trung Quốc trong tương lai là liệu nước này có thể tìm ra sáng kiến chính trị và tầm nhìn để định hướng thực thi quyền lực. Hiện tại, Trung Quốc vẫn được cho là thiếu nhiệt huyết và chỉ tuyên bố suông về việc đảm nhận trách nhiệm toàn cầu.
Bên cạnh đó là các vấn đề chính trị trong nước. Ở Trung Quốc vẫn thường xuyên xảy ra các vụ bất ổn như ở Tây Tạng hay Tân Cương, làm giảm tương đối sức mạnh tổng hợp của đất nước, khi Trung Quốc phải dành thêm nhiều nguồn lực an ninh và quân sự để bảo đảm sự thống nhất lãnh thổ. Điểm yếu mang tính cơ cấu này khiến Trung Quốc ít có khả năng triển khai sức mạnh ra bên ngoài hơn và trở nên dễ bị tổn thương hơn trước âm mưu của kẻ thù bên ngoài, những kẻ có thể lợi dụng căng thẳng dân tộc bên trong nước để khiến Bắc Kinh không thể rảnh tay quan tâm tới chuyện bên ngoài.
Về mặt địa chính trị, những hạn chế về quyền lực cũng không hề nhỏ. Trong khi Mỹ có thể thảnh thơi do các nước láng giềng không mạnh lắm, thì bên cạnh Trung Quốc lại là những nước rất tiềm lực - Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga. Những nước láng giềng "cỡ trung" gồm Hàn Quốc, Indonesia, và Việt Nam cũng không phải dễ bắt ép.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đồng hành với việc liên kết địa chính trị trong khu vực nhằm bảo vệ cho các nước thành viên khỏi tham vọng và sự vươn ra của Bắc Kinh. Ví dụ, Mỹ đã mở rộng đáng kể hợp tác chiến lược với Ấn Độ để New Delhi có thể ít chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh hơn. Nhật Bản cũng đã tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Ấn Độ với cùng mục đích chiến lược đó.
Ngay cả Nga, đối tác dễ chịu của Trung Quốc hiện tại, vẫn luôn dõi theo Trung Quốc. Moscow đã từ chối bán cho Bắc Kinh những vũ khí hàng đầu và hạn chế nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Trong số những nước khác, Hàn Quốc đã dựa vào Mỹ để có được sự thịnh vượng kinh tế và an ninh. Đối với Indonesia, nước vẫn nghi ngờ về dụng ý sau này của Trung Quốc, họ cũng cân nhắc hành động hết sức kỹ lưỡng.
Kết quả của sự đối trọng địa chính trị như thế là, Trung Quốc sẽ khó có thể nắm quyền lãnh đạo châu Á, hay chi phối được những đối thủ trong khu vực. Theo định nghĩa và thực tiễn, một nước chỉ trở thành siêu cường nếu nước đó nắm quyền lãnh đạo khu vực, như Mỹ. Là một cường quốc bị hạn chế bởi các nước láng giềng quyền lực và thận trọng, Trung Quốc phải liên tục để ý ngay sau gáy trong khi vẫn phải nỗ lực gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu. Như thế, cả hai mũi tên sẽ giảm lực đáng kể và khó đạt được hơn.
Trong tương lai gần, Trung Quốc, ở mức tốt nhất, sẽ chỉ là siêu cường về kinh tế, có vai trò là một trong những cường quốc thương mại lớn nhất thế giới (theo nghĩa này, cả Đức và Nhật cũng nên coi là siêu cường kinh tế). Ảnh hưởng địa chính trị và quân sự sẽ vẫn bị hạn chế bởi những bất ổn bên trong và sự chống phá từ bên ngoài.
Dù Trung Quốc luôn có một ghế tại bàn đàm phán trên trường quốc tế, nhưng sự sẵn sàng và khả năng thực hiện quyền lãnh đạo vẫn mới chỉ đủ để nước này được coi là cường quốc.
-
Đình Ngân (Theo The Diplomat)