Triều Tiên muốn chấm dứt chiến tranh trong năm nay
CHDCND Triều Tiên vừa bày tỏ mong muốn sớm đạt được một hiệp định hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mấy chục năm nay.
Bàn Môn Điếm là giới tuyến phân cách Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Ảnh AP.
Cụ thể, ngày 11/1, CHDCND Triều Tiên mong muốn sớm đạt được một hiệp định hòa bình thay thế hiệp định đình chiến nhằm chính thức, qua đó chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên cũng bày tỏ thiện chí sẽ quay trở lại bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên một khi các lệnh trừng phạt nhắm vào họ được dỡ bỏ.
CHDCND Triều Tiên cũng nêu quan điểm muốn xây dựng lòng tin với Mỹ thay vì thái độ thù địch giữa hai bên.
Chưa biết thái độ của Mỹ ra sao sau động thái này của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho tới gần đây, chính quyền Barack Obama vẫn cho rằng nếu muốn bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, Triều Tiên buộc phải cải thiện tình hình nhân quyền trước đã.
Chiến tranh Triều Tiên xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Chiến tranh bắt đầu vào ngày 25/6/1950 khi CHDCND Triều Tiên tấn công Hàn Quốc.
Cuộc chiến được mở rộng với qui mô lớn khi lực lượng của Liên quân do Mỹ lãnh đạo, và sau đó là quân Chí nguyện của Trung Quốc tham gia. Lực lượng hỗ trợ chính cho CHDCND Triều Tiên là Trung Quốc với sự tiếp ứng của Liên Xô. Hàn Quốc được lực lượng Liên quân hỗ trợ, chủ yếu là lực lượng quân sự Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai miền Triều Tiên và cả các bên tham gia.
Cuộc xung đột kết thúc khi một thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào ngày 27/7/1953. Tuy nhiên, vì chỉ có một Hiệp định đình chiến mà chưa có hiệp định hòa bình nên về mặt kỹ thuật, cả hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Bàn Môn Điếm là giới tuyến phân cách Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Tòa nhà nơi Hiệp định được ký kết vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nằm giữa Vùng phi quân sự Triều Tiên (DMZ). Tòa nhà này còn được xem là một trong những di tích cuối cùng của Chiến tranh lạnh.
-
Nhật Vy (Theo AP, CNN, THX)