Phớt lờ mọi cảnh báo, Triều Tiên liên tiếp thử pháo
Triều Tiên sáng nay (28/1), tiếp tục nã pháo vào khu vực gần biên giới tranh chấp trên biển với Hàn Quốc, một ngày sau khi nước này bắn khoảng 100 quả pháo và khiến Seoul phải bắn cảnh cáo đáp trả.
Ảnh Yonhap |
Triều Tiên tuyên bố, việc bắn pháo là một phần trong cuộc diễn tập hàng năm của nước này.
Trong loạt pháo mà Triều Tiên bắn ra lúc 8h15 sáng nay, hầu hết đều rơi xuống vùng lãnh hải nước này, một quan chức Bộ tổng tham mưu Hàn Quốc đề nghị giấu tên nói. Phía Hàn Quốc hôm nay không bắn trả mà chỉ theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận của nước láng giềng.
Đường biên giới trên biển, vốn không rõ ràng, được Mỹ - lãnh đạo lực lượng của LHQ, vạch ra khi cuộc chiến liên Triều kết thúc. Nó luôn là nguyên nhân căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Hải quân hai nước hồi tháng 11/2009 đã có cuộc đụng độ làm một thủy thủ Triều Tiên thiệt mạng, ba người khác chết. Trước đó, năm 1999 và 2002, quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc cũng có những cuộc giao chiến đẫm máu tại khu vực này.
Tối 27/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J Crowley chỉ trích Triều Tiên làm tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Và rằng, việc thiết lập khu vực cấm tàu bè qua lại cũng như việc nã pháo là hành động khiêu khích, không có ích.
Các đảng phái chính trị Hàn Quốc hôm nay cũng lên án Triều Tiên khi tiến hành các vụ bắn pháo dọc biên giới trên biển ở phía tây bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các đảng cũng khuyên chính phủ bình tĩnh khi đương đầu với nước láng giềng.
Ahn Sang-soo, lãnh đạo đảng cầm quyền Đại dân tộc (GNP) phát biểu tại một cuộc gặp lãnh đạo đảng rằng: "Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên từ bỏ những hành động hai mặt và thể hiện sự ngay thật trong lời kêu gọi hội đàm". Quan chức Chung Ui-hwa cảnh báo, những việc làm vừa qua của Triều Tiên càng đẩy nước này vào vị trí bị cô lập hơn nữa.
Woo Sang-ho, phát ngôn viên đảng đối lập Dân chủ nhận xét, các hành động khiêu khích của Triều Tiên không giúp ích gì cho việc đưa hòa bình tới Bán đảo Triều Tiên.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng hành động quân sự mới nhất của Triều Tiên có thể nhằm gây sức ép với Hàn Quốc và Mỹ về hiệp ước hòa bình. Triều Tiên tin rằng một hiệp ước hòa bình với Mỹ sẽ đảm bảo sự sống còn của chính phủ nước này cũng như giúp họ có một cánh tay mạnh hơn để chống lại đối thủ Hàn Quốc. Hiệp ước hòa bình có thể làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Mỹ có tiếp tục duy trì 28.500 quân ở Hàn Quốc nữa không.
-
Hoài Linh (Theo Yonhap, AP)