Nhiều nước bất bình vì bị Mỹ cho vào sổ đen

Cập nhật lúc 14:18, 05/01/2010 (GMT+7)

Thế giới hôm 4/1 đã phản ứng bằng sự bối rối pha chống đối trước những quy định an ninh mới của Mỹ. Theo đó, tất cả những người tới từ bất kỳ một trong số 14 nước bị Mỹ liệt vào "sổ đen" sẽ phải trải qua những thủ tục kiểm tra an ninh gắt gao tại các sân bay trên toàn thế giới.

 

Ảnh AP

Các nước nằm trong sổ đen của Mỹ bị cho là hang ổ của khủng bố. Những quốc gia này buộc tội Washington phân biệt một cách thiếu suy nghĩ khi áp đặt những biện pháp an ninh siết chặt để chống khủng bố.

Các biện pháp an ninh được Mỹ công bố tối 3/1 và bắt đầu có hiệu lực một ngày sau đó. Theo quy định mới, công dân những nước trong sổ đen sẽ bị kéo sang một bên để soát toàn thân, bị kiểm tra túi xách tay kỹ hơn bình thường, bất kể họ tới từ đâu. Hành lý và quần áo của những đối tượng này sẽ bị kiểm tra xem có dấu vết chất nổ hay không. Ngoài ra, công dân các nước này sẽ phải đi qua máy soi an ninh toàn thân tại sân bay.

Những quy định an ninh mới của Mỹ cũng ảnh hưởng tới tất cả các hành khách trên những chuyến bay xuất phát hoặc đi qua 14 quốc gia trên. Mỗi khách trên các chuyến bay như vậy, bất kể mang quốc tịch nước nào, sẽ bị kiểm tra an ninh đặc biệt.

Những nước trong sổ đen của Mỹ gồm: 3 quốc gia tài trợ cho khủng bố là Iran, Syria, Suda và đối thủ Cuba, cùng mười quốc gia khác bị cáo buộc là "đáng quan tâm" như Afghanistan, Algeria, Lebanon, Libya, Pakistan, Somalia, Yemen, Ảrập Xêút, Nigeria và Iraq.

Công dân 14 nước trên đều đã phải xin visa khi muốn tới Mỹ và một số chính phủ tỏ ra không hài lòng khi bị lựa chọn. Nigeria là một ví dụ. Nigeria coi việc bị cho vào sổ đen là một phản ứng thiếu suy xét, không công bằng của Mỹ khi mà Umar Farouk Abdulmutallab, nghi phạm khủng bố máy bay Mỹ hôm Giáng sinh là công dân nước này.

"Hành vi của Umar không phản ánh hành động chung của người Nigeria và do đó không nên coi nó là tiêu chuẩn đánh giá tất cả người dân Nigeria", Bộ trưởng thông tin Dora Akunyili nói. "Thật không công bằng khi đối xử phân biệt với hơn 150 triệu người vì hành vi của một người.

Quan chức trên nói thêm, Abdulmutallab trở nên cực đoan ở Anh và tên này chỉ tới Yemen để được chỉ dẫn cách cài chất nổ dẻo vào quần lót. "Umar không chịu ảnh hưởng ở Nigeria, hắn cũng không được đào tạo hay huấn luyện ở Nigeria, hắn cũng không được bất kỳ ai ở Nigeria hỗ trợ".

Ảrập Xêút và Pakistan, mới được bổ sung vào danh sách những nước cần quan tâm cũng coi hành động của Mỹ là một sự sỉ nhục công khai.

Các nhà hoạt động vì quyền tự do công dân lo ngại rằng những quy định mới tương đương định hình chủng tộc. Một người Anh ngẫu nhiên cầm hộ chiếu Pakistan sẽ bị lục soát gắt gao bất kể khi nào anh ta/cô ta bay tới Mỹ trong khi những hành khách Anh khác chỉ bị kiểm tra thông thường.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng liệu những biện pháp mới có khiến các chuyến bay trở nên an toàn hơn không.

  • Hoài Linh (Theo Independent)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

t, hn, 15:45, 05/01/2010

Việc áp dụng các biện pháp an ninh này là rất cần thiết của nước Mỹ nhằm bảo vệ dân Mỹ và cả nhân dân thế giới đến thăm Mỹ khi mà các biện pháp an ninh, cũng như việc hiểu biết, nhận thức về an toàn, an ninh còn chưa được đồng đều tại các nước, nhằm hạn chế các xung đột xấu trước khi nó kịp xảy ra. Tuy nhiên, nước Mỹ rất là tôn trọng các hành khách đến thăm Mỹ

Tin liên quan

Các tin khác