Kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản: Đâu là sự thực?

Cập nhật lúc 21:37, 21/01/2010 (GMT+7)

Trung Quốc hôm nay tuyên bố tăng trưởng kinh tế đạt 8,7% trong năm 2009, vượt xa dự đoán của chính phủ.

s
Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản trong năm nay (Ảnh Getty Images)
Trong quý cuối năm nay, kinh tế đại lục tăng 10,7% so với cùng kù năm trước. Hiện nay, đại lục đang trong quá trình vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhật Bản sẽ công bố thống kê tổng sản phẩm quốc nội mới nhất trong tháng tới. Jim O’Neill, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, cho hay, Trung Quốc có một “chính sách kích cầu rất thông minh”, và một số khía cạnh của cuộc khủng hoảng tài chính có thể không hoàn toàn xấu.

"Trong tháng 11/2008, họ đưa ra phản ứng với chính sách tài chính, tiền tệ nhanh chóng, mạnh mẽ. Họ thay thế xuất khẩu với nhu cầu trong nước, cả tiêu dùng và đầu tư…Trung Quốc đã trở nên quan trọng hơn khi Mỹ lại yếu hơn, về những gì thế giới cần tới”, ông nói.

Theo Jim O’Neill, một phần lý do đứng sau cuộc khủng hoảng toàn cầu là thế giới trở nên phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ, và giờ đây, họ buộc phải tự đứng vững. "Điều quan trọng nhất là Trung Quốc và nền kinh tế của họ giờ đây được dẫn dắt bởi kinh tế nội địa, nó sẽ không chỉ tăng phần quan trọng với họ và với tất cả mọi người liên quan, trực tiếp hay gián tiếp”.

Ma Jiantang - phụ trách Cục Thống kê Quốc gia đã công bố kết quả GDP 2009 của đại lục. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc đã đối mặt “với khó khăn nghiêm trọng” trong năm 2009, nhưng nền kinh tế giờ đây đã phục hồi và đi theo đường hướng đúng đắn.

Với mức tăng trưởng mới công bố, con số chỉ kém một chút so với năm 2008 và vượt xa mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Đây là bước ngoặt đáng kể vì Trung Quốc cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế từ cuối 2008 đến đầu 2009. Các nhà máy phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp.

Kinh tế đại lục phục hồi với gói kích cầu lớn của chính phủ. “Đó là mức tăng trưởng rất mạnh, nhưng có lo lắng thực sự về chất lượng tăng trưởng và điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ ngừng chính sách kích cầu”, Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh nói. “Rõ ràng là, việc rút dần đầu tư ở chính sách kích cầu sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng”.

Lạm phát cũng gia tăng, giá tiêu dùng tăng 1,9% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Bắc Kinh đang áp dụng một số biện pháp ngăn chặn kinh tế phát triển quá nóng.

Chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ gia tăng lãi suất, trong khi ngân hàng được lệnh tăng tỉ lệ dữ trữ. Một số thông tin cho hay, nhiều ngân hàng thậm chí đã tính tới việc ngừng cho vay trong tháng 1.

Phụ trách Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã bác bỏ đồn đoán cho rằng, kinh tế Trung Quốc giờ đây đã vượt Nhật Bản. "Theo chuẩn của LHQ, ở mức 1 USD/ngày, thì vẫn còn 150 triệu người Trung Quốc trong diện nghèo khó. Đó là thực tế”, ông nói. "Jặc dù gia tăng GDP nhưng chúng tôi phải công nhận rằng, Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển”.

Về mức độ lạm phát, ông Ma nhấn mạnh, tăng giá trong phạm vi “ôn hoà và kiểm soát được”.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cho hay, tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra chậm trong năm nay khi ảnh hưởng của chính sách kích cầu từ các chính phủ suy giảm. Ngân hàng dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 2,7% sau khi giảm trong năm trước.

  • Kỳ Thư (Theo BBC)

Các tin khác