2010 - năm sóng gió quyết định của Obama
Sang năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải hành động thực sự để chứng tỏ năng lực do không thể viện cớ thiếu kinh nghiệm sau một năm nhậm chức được nữa.
Sẽ thật nực cười khi tuyên bố rằng thế giới nảy sinh các cuộc khủng hoảng theo nhịp điệu của hệ thống chính trị Mỹ. Mỗi năm mang tới những sự kiện bùng nổ của riêng nó, cả lớn và nhỏ, từ các cuộc chiến tranh và đảo chính tới nạn đói kém và các thảm hoạ tự nhiên. Tuy nhiên, các chu kỳ của nền chính trị Mỹ có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt vì chúng tạo sức ép đến cách thức một tổng thống nước này đối phó với các sự kiện thế giới.
Nếu Năm 1 là đề ra một chương trình nghị sự và sát hạch vị tổng thống mới nhậm chức thì Năm 2 là khi tham vọng đối mặt với thực tế. Trong Năm 2, sẽ không còn chỗ cho những lời xin lỗi: Đội ngũ lãnh đạo không ít thì nhiều cũng đã ổn định; tổng thống không còn có thể lấy cớ thiếu kinh nghiệm; và các cuộc bầu cử giữa kỳ mở ra, lấy đi đáng kể khao khát mạo hiểm của quốc hội. Và khi đó, các cuộc mít tinh vận động tranh cử và các cuộc tiếp xúc ở toà thị chính Iowa và New Hampshire sẽ diễn ra.
Năm 2 thường là cơ hội cuối cùng, ngày càng giảm bớt để biến những thứ lớn lao thành hiện thực.
Điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với Barack Obama. Viễn cảnh về tình thế hiểm nguy và những lời hứa đang chờ vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ khi ông bước sang năm thứ hai chắc chắn dữ dội ở Phòng Bầu dục.
Năm 1962, John F. Kennedy đã vượt qua một sai lầm của "người mới" trong sự kiện Vịnh Con lợn của Cuba để nhìn trừng trừng đáp trả, khiến lãnh đạo Xô viết Nikita Khrushchev nao núng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, khéo léo chặn đứng những lời kêu gọi hoặc leo thang và mạo hiểm một cuộc chiến tranh hạt nhân hoặc đầu hàng.
Tiếp đến năm 1978, khi một Jimmy Carter đắc thắng đứng trước cả hai viện của quốc hội Mỹ và tuyên bố những gì mà ông đạt được qua 13 ngày đầy căng thẳng tại Trại David, Maryland: một thoả thuận hoà bình chưa từng có tiền lệ giữa hai đối thủ Trung Đông đầy quyết liệt - Ai Cập và Israel. "Sung sướng thay những sứ giả hoà bình vì họ sẽ được gọi là con của Chúa", Carter nói, tung hô một cột mốc lịch sử mà ông chắc chắn sẽ mang tới sự thịnh vượng và hoà hợp khắp khu vực.
Bị ngắt lời 25 lần bởi những tiếng vỗ tay tán thưởng, vào thời điểm đó, Carter chẳng có mấy ý niệm mơ hồ về việc chính quyền của ông đã không nhận thấy những biểu hiện rõ ràng về một tương lai khác đối với Trung Đông, vốn được dựng lên từ các đám đông hỗn loạn trên các đường phố Tehran và Tabriz, nhiều tới mức nào. Và như đối với nhiều tổng thống Mỹ khác, Năm 2 của Carter - từ giây phút huy hoàng tại trại David tới các dấu hiệu bị bỏ qua của cuộc Cách mạng Iran đang tới - cuối cùng đã định hình di sản của ông.
Năm 1990, George H.W. Bush (Bush cha) đã giải quyết vấn đề tan rã của Liên Xô bằng sự bình thản và tập hợp một đại liên minh để đương đầu với Saddam Hussein nhưng chậm trễ trong việc đối phó với một cuộc suy thoái kinh tế và nhắm mắt làm ngơ khi cuộc xung đột ở Balkan bùng phát.
Bill Clinton cuối cùng đã thúc bách NATO hành động ở Bosnia vào năm 1994, nhưng sự mất khả năng hành động của ông khi người Rwandan "huynh đệ tương tàn", thậm chí vẫn ám ảnh ông tới tận hôm nay - nếu không muốn đề cập tới thành tích chính trị trong nước không đều và thất bại của dự luật y tế lịch sử do ông khởi xướng nghiêm trọng đến mức phe Cộng hoà đã giành thắng lợi ở Quốc hội mùa thu năm đó, lần đầu tiên trong vòng 40 năm.
Gần đây nhất, năm 2002 là năm George W. Bush (Bush con) tuyên bố chiến thắng một cách vội vã ở Afghanistan và bắt đầu tích cực chuẩn bị xâm lược Iraq, những quyết định ghi dấu ấn di sản của ông.
Đối với vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, các cuộc khủng hoảng của Năm 2 có thể đến từ cùng một loạt vấn đề gây nản chí mà ông phải đối mặt vào ngày tuyên thệ nhậm chức: một nền kinh tế thế giới dễ sụp đổ, một cuộc chiến đang thất bại ở Afghanistan và Pakistan, một Iran ngoan cố, các lãnh đạo Israel và Palestine vốn không thể hoặc sẽ không đi đến hoà bình, một Somalia hỗn loạn, rối ren và một Iraq có thể vẫn chưa sẵn sàng đảm đương an ninh của chính họ.
Dẫu vậy, cũng có khả năng là những vấn đề chưa nằm trên trang nhất sẽ đột ngột bùng nổ làm Obama bối rối trong năm 2010. Chúng có thể là tình trạng suy thoái tiếp, bắt nguồn từ giá dầu mỏ cao; một cuộc nội chiến lặp lại ở đất nước Sudan vốn đã khốn đốn vì nạn diệt chủng; việc Yemen trở thành một nơi ẩn náu của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda; một cuộc khủng hoảng kế vị ở Ai Cập - đồng minh bấp bênh của Mỹ trong khu vực lân cận bất ổn nhất thế giới; hay sự sụp đổ của hệ thống thương mại toàn cầu hoặc bất kỳ điểm sáng nào khác ngoài tầm radar của tổng thống.
Vì tất cả câu chuyện liên quan đến sự suy thoái của Mỹ, thế giới vẫn chờ đợi vai trò lãnh đạo của Washington khi những quả bom tiềm ẩn trên phát nổ. Đã đến lúc Tổng thống Obama phải bắt tay hành động thực sự.
-
Thanh Bình (Theo FP)