10 năm đỉnh cao quyền lực của Vladimir Putin

Cập nhật lúc 11:09, 04/01/2010 (GMT+7)

Quá nhiều thay đổi trong 10 năm qua kể từ khi Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga. Hiện giờ ông là thủ tướng có thể tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần nữa vào năm 2012. 10 năm nắm quyền của ông đã được người dân Nga nhìn nhận như thế nào?

Nhớ lại ngày 31/12/1999. Ở Moscow, ngày cuối cùng của thế kỷ 20 đó đã chứng kiến một cuộc cách mạng.

Nhiều người ở thủ đô nước Nga đang chờ đợi tin tức khu vực phía Đông, nơi thiên niên kỷ mới đã bắt đầu khởi động và liệu nhà máy điện nguyên tử ở đó có an toàn trước sự cố Y2K.

Nhưng có một sự kiện khác diễn ra còn bất ngờ hơn.

Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga thông báo từ chức. Ông chỉ định Vladimir Putin, thủ tướng và từng là điệp viên KGB lên tạm quyền tổng thống.

Lúc đó nước Nga đang có một cuộc chiến ở Chechnya. Nền kinh tế vẫn còn chao đảo do Nga không đủ khả năng chi trả các khoản nợ một năm trước đó.

Cứng rắn và táo bạo

Putin “lên nắm quyền một nhà nước thất bại thực sự”, Sergei Karaganov, một cựu cố vấn của Boris Yeltsin, hiện là hiệu trưởng Trường Kinh tế cấp cao Moscow nói. Ông đã quan sát cả nước Nga và Puttin đổi thay.

“Ông ấy thông minh, sáng chói, rất cứng rắn, đôi khi khô cứng. Ông ấy là một cậu bé đường phố đã trở thành một chính trị gia tài ba”.

Câu nói này đã mô tả chính xác sự uyên thâm chính trị của Vladimir Putin: ông ấy có thể tỏ vẻ phong lưu khoác một bộ áo quần đắt tiền và thảo luận những vấn đề kinh tế với các nhà lãnh đạo thế giới, hoặc cười đùa với các binh sỹ và nói tiếng lóng của họ.

Bình ổn sau mớ lộn xộn

Một trong những động thái đầu tiên của ông Putin sau khi nhậm chức là bổ nhiệm Mikhail Kasyanov làm thủ tướng thứ nhất. Hiện ông Kasyanov là đối thủ của ông Putin.

“Ông ấy là cựu điệp viên KGB và đánh giá tất cả các sự kiện và tương lai từ góc độ là: điều hành xã hội như thế nào, làm sao để không cho phép mọi người tham gia trực tiếp bởi như vậy sẽ mang lại mạo hiểm”, ông Kasyanov nhận xét về sếp cũ của mình như vậy.

Tuy nhiên Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga, lại không đồng tình với quan điểm này. Konstantin Kosachev cho rằng Putin thành công là vì các cử tri Nga đã chán ngấy sự hỗn loạn diễn ra trong thời kỳ hậu Xô viết.

"Họ cho rằng cần phải có một lãnh đạo tài năng và sau đó Putin đã xuất hiện, ông nhanh chóng giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân Nga bởi họ vẫn mong đợi sự thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Đây là lý do vì sao ngay từ đầu thời kỳ của mình, Putin đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội và đông đảo người dân Nga”. Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng và từng bước giải quyết những sự việc như vụ chìm tàu ngầm hạt nhân Kursk vào năm 2000; vụ bắt giữ con tin tại một nhà hát ở Moscow hai năm sau đó; vụ bắt cóc con tin tại trường học Beslan vào năm 2004.

Vụ bắt giữ và bỏ tù Mikhail Khodorkovsky, một trong những người đàn ông giàu nhất nước Nga, đã trở thành một trong những vụ việc gây tranh cãi nhất ở thời kỳ Putin.

Mối quan hệ căng thẳng

Năm 2006, Nga giữ chức chủ tịch nhóm nước G8, Vladimir Putin đón chào các nhà lãnh đạo trên thế giới đến quê hương ông, St Petersburg.

Nga nhận thức được vai trò cường quốc mà họ đã đánh mất với sự kết thúc của liên bang Xô viết. Tuy nhiên cho đến thời kỳ Putin, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn còn căng thẳng. Kế hoạch mở rộng về phía Đông của khối NATO đã khiến Moscow nổi giận.

Cuộc chiến của Nga với Grudia cho thấy Mỹ và các chính trị gia châu Âu đã ủng hộ Grudia.

“Nga đã nổi lên đối với phương Tây là không mấy thân thiện, và họ không phải là đối tác thực sự, cũng không phải là mối đe doạ, thế nhưng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây còn có nhiều mơ hồ”, Oksana Antonenko, một chuyên gia Nga thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nói.

Mặc dầu vậy, bà cho rằng Putin đã làm tất cả để duy trì những di sản của mình.

“Dĩ nhiên Putin đã bảo đảm cho ông một vị trí yêu mến trong lịch sử Nga. Sau 50, 100, 200 năm nữa ông Putin sẽ được vinh danh trong lịch sử nước Nga là người đã cứu nước Nga thoát khỏi sụp đổ”.

Sergei Karaganov nhìn nhận vấn đề này theo một khía cạnh phức tạp hơn.

“Cái giá của sự đi lên đang ngày càng cao: tham nhũng ngang nhiên, sự tập trung quyền lực quá mức, sụt giảm động cơ phát triển kinh tế”, ông lập luận.

“Nếu điều này thay đổi trong vài năm tới, ông Putin sẽ được coi là một chính trị gia lỗi lạc.

“Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với sự đi xuống, ông Putin sẽ được coi là một người đã thành công nhưng sau đó lại thất bại”.

  • Quốc Toản (theo BBC)

Ý kiến của bạn

Các tin khác