|
Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh |
Đức, Pháp và Anh, 3 quốc gia quyền lực mạnh nhất tại châu Âu vẫn chưa thể đi tới điểm nhất trí chung về thời gian Mỹ sẽ chuyển giao lại quyền tự chủ cho người Iraq. Phát biểu sau cuộc họp diễn ra ngày 20/9 tại Berlin với Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói: ''Chúng tôi vẫn chưa thống nhất được về thời gian và một số vấn đề khác''.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, luôn phản đối Mỹ mở cuộc tấn công lật đổ chính quyền Saddam Hussein, mong muốn LHQ sẽ có vai trò ảnh hưởng lớn hơn tại Iraq và Washington phải nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho người Iraq. Trong khi đó, Anh lại muốn ba bên phải cùng quan điểm về vấn đề này.
Thủ tướng Anh Tony Blair nói: ''Tất cả chúng tôi đều muốn chứng kiến một đất nước Iraq ổn định. Ngoài ra, Anh, Pháp và Đức đều hy vọng Iraq có được một chính phủ dân chủ chuyển giao càng sớm càng tốt. Các bên đều muốn LHQ giữ vai trò chủ chốt. Tôi cho rằng dù lập trường các nước về cuộc xung đột này có khác nhau song mọi vướng mắc sẽ được giải quyết''.
Cuộc họp báo ngắn sau hội đàm là cơ hội để các bên hàn gắn lại mối quan hệ đã bị tổn hại sâu sắc kể từ khi Thủ tướng Blair nhất quyết ủng hộ Mỹ tiến công Iraq cả về chính trị lẫn quân sự. Mặc dù các nhà lãnh đạo thể hiện rõ quyết tâm đi tới sự đồng nhất song những bất đồng vẫn thể hiện rõ các cử chỉ của họ. Thủ tướng Schroeder lịch sự bắt tay với người đồng nhiệm Anh Blair trái ngược với cái vỗ nhẹ thân mật với Tổng thống Chirac.
Bình luận về cuộc gặp của 3 ông lớn tại châu Âu, Sabine von Oppeln - chuyên gia phân tích chính trị thuộc trường đại học Tự do ở Berlin tuyên bố: ''Không thể nói đó là một ngày lễ ở châu Âu. Bên ngoài có vẻ như 3 nhà lãnh đạo đã có cùng một quan điểm song trên thực tế chẳng có một thoả thuận nào. Cả ông Chirac và Schroeder đều khẳng định cần phải thảo luận thêm về vấn đề Iraq''.
Trong tình hình hiện nay, một thoả thuận chung giữa ba nước trên là rất cần thiết vì sự có mặt của LHQ tại Iraq không chỉ hàn gắn những rạn nứt giữa một bên là Anh, Mỹ và một bên là Pháp, Đức mà còn là động cơ để thúc đẩy Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh hoặc Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân tới Iraq. Hiện nay, với mức chi phí cho 130.000 quân tại Iraq đang tăng cao cộng thêm các vụ tấn công mỗi ngày vào binh lính, Washington rất cần sự trợ giúp của những nước khác để chia sẻ bớt gánh nặng.
Dự kiến, trong tuần tới, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức sẽ có buổi gặp với Tổng thống Mỹ Bush tại trụ sở của LHQ ở New York để bàn về vấn đề Iraq.
(Hoài Linh - Theo Reuters) |