(VietNamNet) - Những căng thẳng của Trung Đông đã ảnh hưởng cách làm việc của những người Israel trên toàn thế giới. Tại Hà Nội, đại sứ quán Israel cũng có dáng vẻ một lôcốt, và để có thể tiếp xúc với Đại sứ Avraham Nir, phóng viên VietNamNet cũng phải qua những vòng kiểm tra an ninh rất gắt gao. Ấn tượng về cuộc sống thanh bình của đất nước Việt Nam, sự cần cù chăm chỉ của những con người Việt Nam, ông Avraham Nir hy vọng một ngày không xa, hoà bình sẽ trở lại ''vùng đất của mật ong’’.
|
Đại sứ Avraham Nir Ảnh: NGUYÊN VŨ |
- Những gì mà chúng ta đang chứng kiến trên TV hàng ngày là những vụ nổ, người chết và những lời tuyên bố, ông đánh giá như thế nào về tình hình Trung Đông hiện nay?
- Mọi con người đều xứng đáng được sống trong hoà bình. Không ai đáng phải chịu đựng thảm hoạ chiến tranh, cả người Israel cũng như người Palestine. Tuy nhiên, thật không may là tình hình Trung Đông trong mấy tuần vừa qua không mấy khả quan. Chúng tôi đã hi vọng có hoà bình khi kí kết nghiêm túc thực hiện bản lộ trình. Nhưng tôi cho rằng chính quyền Palestine đã không ngăn chặn được các nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành các vụ đánh bom liều chết nhằm vào thường dân Israel. Trong mấy tuần qua, tại Tel Aviv và Jerusalem liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom liều chết, cướp đi mạng sống của hàng chục người vô tội. Chúng tôi không thể cho phép tình trạng này tiếp tục xảy ra.
- Tuy nhiên, thưa ông, sẽ rất khó khăn cho chính quyền Palestine để chấm dứt tình trạng bạo lực, nhất là khi chính quyền Israel vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “tìm và diệt” các nhà lãnh đạo các phong trào Hồi giáo cực đoan. Ông có cho rằng đường lối này sẽ chỉ dẫn đến vòng xoáy bạo lực, ăn miếng trả miếng lẫn nhau?
- Tôi đồng ý rằng sẽ không có chính phủ nào có thể thành công hoàn toàn trong việc loại trừ chủ nghĩa khủng bố. Điều chúng tôi mong mỏi là chính quyền Palestine thể hiện nỗ lực hết sức mình của họ trong việc trấn áp các phần tử khủng bố mà thôi. Chính quyền Palestine không thực hiện được điều đó nên chúng tôi phải có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn các vụ khủng bố. Những hành động của chúng tôi không phải là để trả thù, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ công dân của mình. Mặt khác, cũng cần phải khẳng định rằng sử dụng vũ lực không phải là một giải pháp tốt và một chính phủ có trách nhiệm nên dành ưu tiên cho các giải pháp hoà bình. Chúng tôi không thích thú gì khi tìm diệt những phần tử cực đoan của nhóm Hamas, Jihad. Nếu các nhà lãnh đạo Hamas chịu chấp nhận các giải pháp hoà bình thì chúng tôi không có lí do gì để chống lại họ. Chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ, bày tỏ thiện chí và xây dựng lòng tin với phía Palestine nhưng chúng tôi đòi hỏi bạo lực đường phố phải chấm dứt.
|
'Vùng đất của mật ong' rất hiếm khi bình yên trong 2000 năm qua. (bản đồ của encarta.com, dùng để minh hoạ và không phản ánh bất cứ góc nhìn chính trị nào) |
- Liên quan tới các biện pháp bảo đảm an ninh cho người Israel, ông có cho rằng giải pháp xây dựng hàng rào ngăn cách lãnh thổ của Thủ tướng Sharon sẽ có hiệu quả?
- Trước hết, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi cũng mong ước được sống trong một ngôi nhà luôn mở rộng cửa chào đón mọi người. Nhưng tình thế buộc chúng tôi không thể làm khác khi mà hiểm nguy luôn rình rập. Vì thế, việc xây dựng hàng rào trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và khả thi để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào lãnh thổ của Israel.
- Mặc dù vậy việc xây dựng hàng rào này sẽ tước đi cơ hội làm việc và kiếm sống của nhiều người Palestine?
- Đương nhiên, chúng tôi không hề ngăn cản những người Palestine muốn vào Israel để làm việc. Nhưng sẽ ra sao nếu trong hơn 200.000 người Palestine vào lãnh thổ Israel mỗi ngày lại có những kẻ đánh bom tự sát?
- Vậy ông nghĩ sao về đề xuất của một số nước đưa lực lượng quốc tế vào Trung Đông? Liệu sự có mặt của một lực lượng đa quốc gia ở đây sẽ giúp đảm bảo an ninh cho người Israel?
- Tôi không cho rằng sự có mặt của lực lượng quốc tế ở Trung Đông sẽ giúp giải quyết được cuộc xung đột. Thực tế đã chứng minh rằng lực lượng quốc tế khó có khả năng trấn áp hiệu quả các hoạt động khủng bố và đảm bảo được an ninh. Chúng tôi cho rằng giải pháp có hiệu quả hơn cả là cộng đồng quốc tế nên gây sức ép buộc các bên nghiêm túc thực hiện các cam kết. Chúng tôi đề cao hơn việc thương lượng và kí hiệp ước trực tiếp giữa hai bên.
- Ông có nghĩ rằng bản lộ trình hoà bình lần này sẽ trở thành hiện thực?
- Hiện nay, bản lộ trình vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, vì thế chưa thể đưa ra một nhận xét chính xác. Vấn đề đặt ra là các nhà lãnh đạo phải có những bước đi đúng đắn để thực hiện thành công kế hoạch này. Bản thân người Palestine cũng là nạn nhân. Cần phải có sự tin cậy lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng kế hoạch này có thể thành hiện thực nếu hai phía có lòng tin vào nhau.
- Quan điểm của ông về việc từ chức của ông Abbas?
- Ông Abbas là một nhà lãnh đạo có năng lực, có thiện chí hoà bình và là người có thể đối thoại được. Tuy nhiên, ông đã phải từ chức vì những cản trở trong nội bộ Palestine. Sự ra đi của ông sẽ gây khó khăn cho quá trình thực thi bản lộ trình. Song chúng tôi hi vọng là Thủ tướng hiện thời của Palestine sẽ tỏ rõ thiện chí hợp tác và nỗ lực của mình. Chúng tôi cũng hi vọng rằng ông Korei sẽ có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan.
- Chính phủ Israel sẽ sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Palestine?
- Ông Korei đã từng tham gia qua trình đàm phán giữa Israel và Palestine trong nhiều năm. Phải nói rằng ông ta là một nhà thương thuyết cứng rắn. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ông ta nếu ông ta chứng tỏ được những nỗ lực của mình trong việc đảm bảo an ninh và trấn áp các phần tử cực đoan. - Xin cảm ơn ông.
|