|
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. |
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi hôm qua (15/9) đã khởi kiện lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất nước này tội vu khống và đòi bồi thường 17 triệu USD. Vụ kiện tập trung vào những lời bình luận hồi tháng trước của lãnh đạo đảng đối lập trung tả Piero Fassino xoay quanh việc ông bị buộc tội nhận tiền "lại quả" trong vụ bán công ty Telekom Serbia.
Ông Piero Fassino đã bị buộc tội nhận tiền lại quả từ hợp đồng bán 29% cổ phiếu của công ty Telekom Serbia cho tập đoàn viễn thông STET, công ty mẹ điều hành công ty Telecom Italia năm 1997. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ những lời cáo buộc trên và cho rằng chính "những người điều khiển rối" tại văn phòng Thủ tướng đứng đằng sau lời buộc tội này. Lúc đó, người phát ngôn của Thủ tướng Paolo Bonaiuti đã tuyên bố Thủ tướng sẽ khởi kiện.
Vẫn chưa có lời bình luận nào từ phía luật sư của ông Berlusconi và các đại diện của ông Fassino.
Được biết, vụ Telekom Serbia là tâm điểm của cuộc tranh cãi chính trị tại Italia kể từ khi cố vấn tài chính Igor Marini, một nhân chứng trước uỷ ban điều tra của Nghị viện, buộc tội ông Fassino nhận tiền "lại quả" trong vụ mua bán này. Vụ mua bán diễn ra khi Chính phủ trung tả đang nắm quyền, trong đó các nhà lãnh đạo hàng đầu khác như Chủ tịch EU Romano Prodi, Thị trưởng Rome Walter Veltroni và cựu Ngoại trưởng Lamberto Dini cũng bị buộc tội. Song tất cả những người này đều cho rằng họ không làm gì sai trái. Ông Prodi từng giữ chức Thủ tướng Italia khi vụ mua bán xảy ra. Ông đã coi những lời cáo buộc này là một "sự bỉ ổi".
Uỷ ban điều tra Nghị viện được thành lập tháng 5/2002. Nhưng các công tố viên Italia đã bắt đầu xem xét vụ việc này từ nhiều tháng trước đó, khi tờ La Repubblica của Italia đưa tin rằng hàng triệu USD tiền lại quả đã được trả khi vụ mua bán mới chỉ hoàn tất một phần. Tờ báo không nói rõ ai đã nhận những khoản tiền lại quả đó.
Các nhà chức trách Serbia cũng đang xem xét thoả thuận này, theo đó, Telecom Italia đã mua cổ phần của Telekom Serbia với giá 497 triệu USD. Năm ngoái, Telecom Italia đã đồng ý bán lại cổ phần cho Chính phủ Serbia với giá 202 triệu USD - thấp hơn một nửa giá trị mà công ty này đã trả lúc đầu.
(Huyền Trang - Theo BBC, The Guardian) |