Bộ Ngoại giao Iran đã lên án mạnh mẽ cái mà họ gọi là ''hành động hết sức tồi tệ'' của IAEA và cho rằng, quyết định ra hạn chót 31/10 của cơ quan này mang động cơ chính trị. IAEA đã ra hạn chót 31/10 yêu cầu Iran công bố tất cả các hoạt động hạt nhân của mình tại IAEA nếu không sẽ đưa vấn đề này lên HĐBA LHQ.
Chính phủ Iran đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang theo đuổi một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bí mật và tuyên bố, các cơ sở hạt nhân nước này đều được sử dụng vì mục đích hoà bình.
Đe doạ rút khỏi
Trước đó, Đại sứ Iran tại cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã lên tiếng cảnh báo, Iran có thể ngừng hợp tác với IAEA và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Ông này cho biết, điều này cho thấy Mỹ đang tìm cách xâm lược Iran như đã làm với Iraq. Iran sẽ không khuất phục trước những sức ép từ bên ngoài. Iran cũng đã nhiều lần bác bỏ những lời cáo buộc của Mỹ về việc nước này đang phát triển vũ khí hạt nhân và tố cáo Mỹ áp dụng tiêu chuẩn ''kép'' khi Mỹ và đồng minh thân cận Israel đều có vũ khí hạt nhân, nhưng lại sử dụng vấn đề hạt nhân như một cái cớ để xâm lược nước khác.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi cho biết: ''Bản chất của sự hợp tác của chúng tôi với IAEA hiện đang được xem xét lại. Các cơ quan có liên quan đang thảo luận điều đó và quyết định của chúng tôi sẽ được công bố trong thời gian tới''.
Ông Asefi cho biết thêm, IAEA đã và đang bị Mỹ lợi dụng nhằm lấy đi của Iran cái quyền được sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình. Ông Asefi nhấn mạnh, việc Nhật Bản, Australia và Canada phê chuẩn nghị quyết của IAEA là một sai lầm lớn và Iran có thể sẽ ''trả miếng'' về mặt ngoại giao.
Phản ứng trước động thái trên, các phương tiện thông tin đại chúng, các quan chức bảo thủ ở Iran đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Chính phủ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Sức ép của Nga
Phản ứng trước việc phái đoàn Iran bỏ ngang cuộc họp của IAEA, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Kislyak cho biết: ''Lợi ích của Iran chính là việc làm sáng tỏ tất cả các vấn đề này và khẳng định bản chất hoà bình của các chương trình hạt nhân của mình''. Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax, ông Sergei Kislyak nhấn mạnh, Iran không nên xem thời hạn chót của IAEA như một tối hậu thư.
Hiện, Nga đang giúp Iran xây dựng một lò phản ứng năng lượng hạt nhân đầu tiên tại cảng Bushehr. Báo giới đưa tin, Moscow đang phải chịu sức ép lớn của Mỹ yêu cầu huỷ bỏ dự án bởi sợ rằng, Tehran có thể sử dụng nguyên liệu đã qua sử dụng từ nhà máy này để phát triển vũ khí hạt nhân
(Trần Kiên - Theo BBC, AP)