|
Ngoại trưởng Mỹ (phải) gặp thủ lĩnh người Shi'ite. |
''Quá trình chuyển giao tại Iraq sẽ thất bại nếu vội vàng. Trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra khi việc này được thực hiện quá nhanh trong khi chính phủ sở tại chưa có đủ khả năng kiểm soát tình hình'' - Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã phúc đáp như vậy trước yêu cầu của quốc tế phải gấp rút trao trả quyền điều hành cho người Iraq.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Powell đưa ra trong một buổi họp báo tại Baghdad khi ông đang có chuyến công du Iraq. Ngoại trưởng Powell là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Iraq kể từ khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ. Trong chuyến đi lần này, nhà ngoại giao Washington đã dành 12h để hội đàm với các quan chức Mỹ đang làm nhiệm vụ hỗ trợ hội đồng điều hành Iraq tái thiết đất nước.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Powell cũng tham dự cuộc họp của Hội đồng điều hành Iraq, hội đàm với Ngoại trưởng Hoshya Zebari và cùng toàn quyền Iraq Paul Bremer họp báo.
Mỹ muốn nhưng không thể...
Ông Powell nói, Washington cũng như nhiều nước khác muốn rút khỏi Iraq càng nhanh càng tốt. ''Chúng tôi không muốn ở lại đây thêm. Thêm một ngày là thêm chi phí. Binh lính cũng muốn trở về với gia đình''. Tuy nhiên, khi chính quyền nước này chưa có đủ khả năng cũng như tính hợp pháp Washington chưa thể trao lại mọi việc cho người Iraq.
Hơn nữa, an ninh tại quốc gia vùng Vịnh này cũng là một vấn đề quan trọng cần tính đến. Hiện nay, mối đe doạ từ những kẻ khủng bố đang tìm cách thâm nhập vào Iraq để phá vỡ toàn bộ quá trình tái thiết là rất lớn. Dẫn chứng khoảng 100 trường hợp, những đối tượng xấu đang tìm cách tấn công Iraq, Ngoại trưởng Powell nói quân Mỹ có thể kiểm soát được mọi vấn đề.
Quan chức ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên tập trung chú ý vào nội các Iraq với 25 thành viên, nhanh chóng xúc tiến thành lập bộ máy tư pháp độc lập, yêu cầu các nước Ảrập chấp nhận ông Zebari là đại diện hợp pháp của Iraq, cho dù Chính phủ nước này chưa phải là chính thức.
Washington sẽ đầu tư nhiều hơn
Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney cho biết, trong năm tới, chính quyền sẽ dành nhiều tiền hơn, trên cả mức bổ sung 87 tỷ USD, cho chi phí hậu chiến Iraq. Ông Cheney nói Mỹ hiện cũng chưa biết quân đội sẽ còn hiện diện tại Iraq bao lâu nữa.
(Hoài Linh - Theo Reuters, AP)
|