|
Gia đình các nạn nhân theo dõi cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ hôm qua 12/9. |
HĐBA LHQ hôm qua (12/9) đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt đối với Libya do vụ đánh bom máy bay Pan Am năm 1988 trên bầu trời Lockerbie. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng hướng tới chấm dứt nhiều năm dài Libya bị quốc tế cô lập. Động thái này cũng dọn đường cho việc chi trả bước đầu khoản tiền bồi thường 2,7 tỷ USD cho gia đình các nạn nhân Lockerbie.
HĐBA đã thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Anh đưa ra với số phiếu 13-0 trong đó hai nước là Mỹ và Pháp bỏ phiếu trắng. Bên ngoài phòng họp, hàng chục thân nhân của các nạn nhân hồi hộp theo dõi diễn biến.
Phát biểu trước HĐBA sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Anh tại LHQ Emyr Jones Parry nói: "Đây là lần đầu tiên trong thời hiện đại một quốc gia công khai tuyên bố trước LHQ phản đối việc sử dụng hành động khủng bố như một công cụ chính sách. Mặc dù không gì có thể làm những nạn nhân của vụ Lockerbie sống lại, nhưng chúng ta đều hy vọng quyết định ngày hôm nay sẽ đem lại một giải pháp nào đó làm hài lòng các thân nhân". Chia sẻ quan điểm với ông Parry, Ngoại trưởng Anh Jack Straw cho biết việc chấm dứt lệnh trừng phạt "đánh dấu một cương mới, sáng sủa hơn trong quan hệ giữa Libya và cộng đồng quốc tế. Việc Libya quyết định đáp ứng những điều kiện đặt ra là kết quả của chính sách ngoại giao kiên trì và cứng rắng dựa trên một số nguyên tắc rõ ràng. Quyết định này đã cho thấy một điều những kẻ khủng bố sẽ bị đưa ra xét xử".
Phó Đại sứ Mỹ James Cunningham thì giải thích cho việc Mỹ bỏ phiếu trắng là vì Mỹ muốn Libya cũng như cộng đồng quốc tế hiểu rằng việc chấm dứt lệnh trừng phạt không có nghĩa là Mỹ đã ngụ ý chấp nhận Chính phủ Libya trở lại bình thường. Ông Cunningham nói thêm Chính phủ của nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi "đang tích cực theo đuổi" vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tên lửa đạn đạo, vũ khí sinh học, hoá học.
Cũng trong cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Đức tại LHQ Gunter Pleuger nói Đức vẫn đang chờ đợi tiền bồi thường từ Libya cho vụ đánh bom câu lạc bộ đêm La Belle tại Berlin năm 1986, nơi mà một nhân viên quân sự Mỹ thường qua lại. Vụ tấn công đó đã làm 3 người thiệt mạng và 231 người bị thương. Còn Pakistan và Syria, hai nước tham gia bỏ phiếu thì bày tỏ sự thông cảm trước việc người dân Libya đã phải chịu đựng một lệnh cấm vận áp đặt lên Chính phủ của họ trong thời gian quá dài.
Đài Truyền hình quốc gia Libya đã hoan nghênh quyết định của HĐBA, coi đây là một "thắng lợi". Nhà thương thuyết hàng đầu trong vụ Lockerbie, Mohammad al-Zuai cho biết cuộc bỏ phiếu đã chứng tỏ rằng Libya "tôn trọng luật pháp quốc tế". Ông này cũng kêu gọi "các quốc gia mở đối thoại với một Libya cam kết tôn trọng hoà bình thế giới".
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Pháp tuyên bố sẽ không cản trở việc bỏ phiếu sau khi gia đình các nạn nhân của vụ UTA đạt được thoả thuận với Libya hôm 11/9 vừa qua.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận có nghĩa Libya sẽ tiến hành chi trả 4 triệu USD đầu tiên trong tổng số 10 triệu USD mà gia đình mỗi nạn nhân của vụ Lockerbie sẽ được nhận. 4 triệu nữa sẽ được chi trả khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt. 2 triệu cuối cùng sẽ được chuyển cho các gia đình nếu Mỹ xoá tên Libya khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố. Nếu Mỹ không thực hiện điều này trong vòng 8 tháng thì các gia đình sẽ chỉ được nhận thêm 1 triệu USD nữa. Nhưng thời hạn cuối đó có thể được nới thêm nếu các gia đình nạn nhân và chính phủ Libya nhất trí.
(Huyền Trang - Theo Reuters, AFP)
|