|
Hướng tấn công chuyển từ ông Blair thoát nạn sang Bộ trưởng Quốc phòng. |
Chính phủ Anh đã không nói quá về năng lực vũ khí của chính quyền Saddam Hussein trước cuộc chiến Iraq, nhưng đáng ra Chính phủ nên nhấn mạnh rằng, chế độ Hussein không phải là nguy cơ tiền nhãn đối với nước Anh. Đó là báo cáo sơ bộ của Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội Anh hôm 11/9.
Gây hiểu lầm
Tuy vậy, Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội Anh (ISC) cũng khẳng định, Thủ tướng Tony Blair đã không nghiêm túc tiếp thu lời cảnh báo của các quan chức tình báo cho rằng, việc tấn công Iraq có thể gia tăng nguy cơ khủng bố đối với phương Tây. Báo cáo cho biết, việc chế độ Hussein sụp đổ có thể tạo thêm cơ hội cho các tổ chức khủng bố, giúp chúng dễ tiếp cận hơn với vũ khí sinh hoá.
Ủy ban này cho biết, ông Blair đã thừa nhận, "việc tấn công Iraq có thể sẽ làm tăng những nguy cơ mà nước Anh đang cố tránh". Nhưng ông cũng khẳng định: "Ủy ban có thể đặt câu hỏi về cuộc chiến. Nhưng thời gian sẽ trả lời về tính đúng sai của cuộc chiến".
Bản báo cáo của ISC cho rằng, việc đưa ra các thông tin thiếu chi tiết về quy mô kho vũ khí bị cấm của Iraq và một số đoạn trong báo cáo bản Hồ sơ tháng 9 của Chính phủ (đánh giá về năng lực vũ khí của nước này) có thể khiến người đọc hiểu sai về nguy cơ từ phía Iraq. Ủy ban kết luận, Chính phủ đã không tin cậy các cơ quan tình báo khi không có phản ứng về lời cảnh báo của họ.
Tuyên trắng án
Tuy nhiên, ủy ban này lại tuyên án trắng cho Văn phòng Thủ tướng Anh. Họ cho rằng, Chính phủ đã không cố tình thêm mắm muối vào hồ sơ để lấy cớ cho cuộc chiến cũng như không đe doạ các quan chức tình báo khi họ tỏ ý lo ngại về tính chân thực của các thông tin trong bản hồ sơ. Những lời viện dẫn này đã châm ngòi một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa các bên với Chính phủ, cuộc tranh cãi đã trở thành cuộc khủng hoảng uy tín tồi tệ nhất trong 6 năm nắm quyền của ông Blair.
Đây là báo cáo thứ hai trong nhiều tháng nay của ủy ban khẳng định Văn phòng Chính phủ không phạm tội bóp méo thông tin tình báo. Đây được coi là chiến thắng ban đầu của ông Blair. Mặc dù đã xuất hiện làn sóng chỉ trích gay gắt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon, có vẻ như không thành viên nào trong Chính phủ sẽ buộc phải từ chức do dư luận phản đối kịch liệt trong nước.
Chưa thể bật champagne
Tuy nhiên, ông Blair vẫn chưa thể bật champagne ăn mừng vì Chính phủ của ông vẫn đang chịu áp lực nặng nề bởi liên quân tại Iraq hiện chưa tìm ra được một chứng cứ nào về vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Iraq. Chính quyền ông sẽ lại tiếp tục đối mặt với một cuộc điều tra pháp lý lần hai trong tuần tới về cái chết của chuyên gia vũ khí David Kelly.
Bản báo cáo của ủy ban không nói rõ, Chính phủ đáng ra cần khẳng định trong Hồ sơ tháng 9 rằng, các quan chức tình báo chưa chắc chắn về quy mô kho vũ khí sinh hoá của Hussein. Song bản báo cáo cũng chỉ trích việc chính phủ khẳng định, Iraq có thể "chỉ mất 45 phút để triển khai vũ khí sinh hoá" mà không có những giải thích thích đáng cho người tiếp nhận hoặc người dân, những đối tượng vốn không có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Theo bản báo cáo, Chính phủ đáng lẽ cần giải thích rõ, lời cáo buộc "45 phút" là đề cập đến loại pháo tầm ngắn chứ không phải là tên lửa tầm dài. "Chúng tôi cho rằng, lời cáo buộc thiếu rõ ràng này đáng ra nên được đánh dấu nhằm đưa ra một cái nhìn khách quan về năng lực vũ khí sinh hoá của Saddam", bản báo cáo nêu rõ. Ủy ban điều tra cũng chỉ trích Chính phủ đã không nói rõ rằng, Saddam Hussein không phải là nguy cơ tức thì đối với nước Anh.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh bị chỉ trích
|
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Geoff Hoon. |
Ủy ban điều tra, được thành lập từ Hạ viện và Thượng viện, cũng chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon và Bộ của ông đã "không hoàn thành chức năng của mình và đã mắc sai lầm lớn" khi không sớm tiết lộ rằng, một số nhân viên trong Bộ bộc lộ lo ngại về bản hồ sơ.
Thanh minh trước ủy ban, ông Hoon nói: "Tôi hy vọng ủy ban sẽ tin rằng, thực ra tôi không hề lừa dối". Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng đối lập hôm qua đã đồng loạt chĩa mũi tấn công vào ông. Nghị sĩ Bernard Jenkin, phát ngôn viên quân sự của Đảng Bảo thủ, nói: "Ông Hoon không thể tiếp tục nắm quyền trong vài tuần nữa bởi ông ta thừa biết mình là người giơ đầu chịu báng cho đến khi các tội lỗi của chính phủ giáng lên đầu mình".
(Lam Sơn - Theo AP, BBC) |