|
Thảm hoạ khủng bố 11/9. |
Quá nhiều điều đã xảy ra trong suốt 12 tháng qua kể từ lễ tưởng niệm vụ khủng bố kinh hoàng 11/9 lần thứ nhất. Không ít các nhân vật sừng sỏ của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã bị tóm và thẩm vấn. Saddam Hussein cũng không còn ngồi trên chiếc ghế quyền lực ở Baghdad. Vô số âm mưu và thậm chí cả tấn công đều bị phát hiện và đẩy lùi. Tuy vậy, cái gọi là ''Cuộc chiến chống khủng bố'' cho đến nay vẫn đang hiện diện, đeo đẳng nước Mỹ.
Thế giới liên tiếp phải oằn mình gánh chịu các vụ tấn công liều chết đẫm máu. Làn sóng bài phương Tây vẫn không ngừng gia tăng. Những đối tượng thân với Al-Qaeda không ngừng nỗ lực quấy phá. Vậy thì, ai là người thắng và ai là kẻ bại?
Nếu xét trên khía cạnh quân sự, câu trả lời dường như đã quá rõ ràng. Washington đã lật đổ được 2 chính phủ được coi là ''chế độ cứng đầu'' - đầu tiên là Afghanistan và sau đó là Iraq. Ưu thế của Lầu Năm Góc trên các mặt tuyến không có đối thủ và không có gì có thể ngăn cản nổi. Binh sĩ Mỹ đang áp đặt một kiểu hoà bình theo cách riêng của Mỹ lên cả 2 quốc gia nói trên.
Tuy nhiên, phát động cuộc chiến chống khủng bố lại là một công việc hết sức phức tạp. Trên thực tế, rất nhiều người, thậm chí ở cả Anh và Mỹ đều nghĩ rằng, chế độ Saddam Hussein chẳng mảy may liên quan gì tới khủng bố.
Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với Mỹ nói riêng, với phương Tây và các đồng minh của Mỹ nói chung vẫn là những mạng lưới khủng bố bí mật không nhất thiết cứ phải có mối quan hệ với Al-Qaeda. Vậy thì, liệu những người ngăn chặn chúng đã đạt được những tiến bộ gì?
Đã 2 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Bush tuyên chiến với khủng bố, xin điểm lại những mặt được và mất của chính quyền Bush.
A. Thành công
Những vụ bắt giữ quan trọng
Chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa, Mỹ và đồng minh đã bắt giữ được hàng loạt nhân vật khủng bố chóp bu trong vài tháng qua. Năm ngoái, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã tóm cổ được Chỉ huy các chiến dịch của Al-Qaeda, Abu Zubaydah tại Pakistan. Cho dù mới đầu tên này còn chối quanh, nhưng rồi sau đó những lời khai của y đã làm cơ sở để Mỹ bắt giữ thêm nhiều thành viên của Al-Qaeda.
Tháng 9/2002, Cảnh sát Pakistan đã bắt được kẻ tự xưng đã âm mưu vụ khủng bố 11/9 có tên Ramzi Binalshibh tại Karachi. Chỉ 6 tháng sau, cảnh sát Pakistan lại tóm được Khalid Sheikh Muhammed, nhân vật được coi là thành viên hoạt động quan trọng nhất của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hiện bị giam giữ.
Tháng 8 vừa qua, cảnh sát Thái Lan phối hợp với nhân viên CIA đã bắt giữ Riduan Isamuddin - hay còn gọi là Hambali - kẻ được coi là cầu nối quan trọng giữa Al-Qaeda và đồng đảng ở Đông Nam Á, Jemaah Islamiah.
|
Hambali. |
Ngoài ra, còn có rất nhiều các vụ bắt giữ quan trọng tại Ảrập Xêút. Hiện nay, có nhiều tin cho rằng, Iran vẫn đang giam giữ Sulaiman Abu Ghaith, từng là phát ngôn viên của mạng lưới Al-Qaeda, người thường ngồi bên cạnh ông trùm Osama Bin Laden trong các cuốn băng video.
Cho dù những vụ bắt giữ này tựa như những cú đấm nặng ký giáng vào Al-Qaeda và đồng đảng, chúng nhanh chóng tuyển dụng thành viên để lấp chỗ trống. Và thời gian, những kẻ lấp chỗ trống cũng sẽ có những kỹ năng, năng lực của những kẻ tiền nhiệm.
Tiêu diệt
Đòn tiêu diệt ''đáng đồng tiền bát gạo nhất'' kể từ vụ khủng bố 11/9/2001 chính là vụ ám sát thành viên cao cấp của Al-Qaeda, Qaed Senyan al-Harthi hồi tháng 11/2002 tại Yemen. Được sự cho phép của nhà cầm quyền Yemen, CIA đã huy động máy bay không người lái Predator từ Djibouti xác định chiếc xe chở Qaed Senyan al-Harthi và 5 nghi phạm khác, sau đó phóng tên lửa Hellfire tiêu diệt tất cả những người trên xe.
Al-Harthi đã lẩn trốn nhiều năm và bị tình nghi lập kế hoạch cho các vụ tấn công vào những mục tiêu của phương Tây trong khu vực. Tuy nhiên, cái cách mà Al-Harthi gây nhiều tranh cãi đến nỗi CIA không thể lặp lại bên ngoài Afghanistan.
|
Hiện trường vụ đánh bom Riyadh. |
Trong khi đó tại Ảrập Xêút, lực lượng an ninh đã có nhiều cuộc giao tranh quyết liệt với các tay súng Hồi giáo vũ trang được trang bị tận răng. Trong một cuộc giao tranh tương tự hồi tháng 7 vừa qua, cảnh sát đã dồn vào chân tường được chỉ huy phân nhóm Al-Qaeda có tên Turki Nasser al-Dandani tại một nhà thờ hẻo lánh ở miền bắc vương quốc này. Cảnh sát đã vãi đạn vào nhà thờ trước sự hoảng loạn của dân làng và tiêu diệt được tên này cùng nhiều đồng bọn.
Tuy nhiên, nhà chức trách Ảrập Xêút tỏ ra hết sức vụng về trong chiến dịch truy quét một trong những kẻ bị truy nã khẩn cấp có liên quan tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda Mohammed al-Ayeeri. Cuối cùng, nghi phạm này cũng đã bị giết chết trong một cuộc đọ súng tại phía bắc Riyadh hồi tháng 5 vừa qua.
Hợp tác quốc tế
Sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9, rất nhiều nước đã đăng ký trên nguyên tắc tham gia cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Bush. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với nhiều nước, sự hợp tác có vẻ rất nửa với và chẳng mấy mặn mà cho đến khi chính những nước này bị khủng bố.
Kể từ vụ đánh bom đẫm máu trên khu ''Thiên đường nghỉ mát'' Bali hồi tháng 10/2002, Indonesia đã mở toang cửa đón các nhân viên FBI và nhóm điều tra Australia.
Tương tự, sau vụ đánh bom Riyadh hôm 12/5/2003, các nhà chức trách Ảrập Xêút mới nghiêm túc coi trọng vấn đề an ninh. Kể từ đó, nước này phát động nhiều cuộc truy quét các mạng lưới khủng bố có vẻ như đang nở rộ tại khu vực miền trung. Chính phủ nước này đã bắt đầu giải quyết vấn đề an ninh ngay từ cấp cơ sở, trục xuất tất cả các giáo sĩ có tư tưởng bài phương Tây ra khỏi nhà thờ.
Tuy nhiên, cái gì chả có mặt trái của nó, kể từ khi các chính sách của Mỹ tại Trung Đông khiến nhiều nước Ảrập không vừa lòng, rõ ràng việc bất kỳ chính phủ nào đàn áp các nhóm vũ trang Hồi giáo theo ''chỉ thị'' của Washington sẽ tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong đại bộ phận quần chúng tại các nước Ảrập.
Sẵn sàng
May mắn thay, ở Anh và Mỹ không có nhiều sự phản ứng dữ dội. Cả hai chính phủ này đã cảnh báo rằng, một đòn tấn công lớn có chủ định của Al-Qaeda là điều không thể tránh khỏi. Phản ứng trước tin xấu đó, người Anh và Mỹ tích cực chuẩn bị đối phó. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phàn nàn về điều đó.
Cơ quan quản lý các tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) đã giải ngân khoảng 100 triệu USD cho các chính phủ tiểu bang nhằm nâng cấp các kế hoạch đối phó khẩn cấp với hiểm hoạ.
Các chiến dịch diễn tập chống khủng bố đã được tổ chức trên khắp nước Mỹ. Người dân được chỉ bảo cách hành động trong trường hợp bị tấn công bằng khẩn bệnh, vũ khí hoá học và sinh học.
Tại Anh, từng hàng rào bê tông đã được dựng lên bảo vệ Cung điện Westminister. Đó mới chỉ là mỏm của tảng băng chống khủng bố. Khoản tài chính khổng lồ đã được rót cho các chiến dịch khử khuẩn, trang bị các thiết bị giám sát. Tại Anh, trung tâm đánh giá khủng bố chung JTAC được thành lập tại London.
Al-Qaeda trầm lặng
Mặc dù cỗ máy chống khủng bố không thể hoạt động 100% công suất, song cũng rất khó cho giới lãnh đạo Al-Qaeda liên lạc một cách có hiệu quả với phần còn lại của thế giới.
Trở lại năm 2001, những cuốn băng video quay hình ảnh Osama Bin Laden, và tay chân số hai của mình là Ayman al-Zawahri, đều tỏ ra hết sức bình thản truyền bá quan điểm trên truyền hình vệ tinh. Chắc chắn, tính chuẩn xác của các cuốn băng trên không có gì phải bàn.
Trong thời điểm này, các thông điệp từ Al-Qaeda và các đồng đảng khác dường như chỉ được truyền bằng âm thanh, internet hoặc fax. Điều đó rất khó có thể xác định được tính xác thự của các thông điệp này.
B. Thất bại
Tấn công, tấn công và tấn công
Các vụ tấn công khủng bố dường như không có dấu hiệu giảm. Tháng 10/2002, vụ đánh bom trên đảo nghỉ mát Bali khiến 202 người thiệt mạng. Kế đó, vụ tấn công khách sạn Mombasa hồi 11/2002. Rồi lại yên tĩnh, rồi lại tấn công khủng bố tại Riyadh tháng 5/2003 khiến hơn 30 người thiệt mạng.
Hàng loạt vụ đánh bom liên tiếp diễn ra tại Casablanca, Jakarta và một chuỗi đánh bom lớn ở Iraq. Tất cả đều có thể liên quan ít nhiều tới những kẻ đánh bom tự sát Hồi giáo có cảm tình với Al-Qaeda.
Cách nhà chuyên gia phân tích thông tin tình báo Mỹ vẫn tin rằng, Mỹ vẫn là mục tiêu chính và rằng các phần tử ủng hộ Bin Laden không đời nào từ bỏ mục tiêu theo đuổi là tiến hành các vụ tấn công có sức huỷ diệt lớn thực sự vào cả Mỹ và Anh.
Muôn hình vạn trạng
Trước cuộc tấn công Afghanistan năm 2001, Al-Qaeda tương đối dễ phát hiện bởi vì tổ chức này có cơ sở hậu cần và chỉ huy tại Afghanistan. Tuy nhiên, hiện nay Al-Qaeda hoạt động rải rác trên kháp thế giới và được ví như ''Tổ ong bị gậy đập''. Ong bay khắp nơi và rất khó bắt.
|
Bin Laden và tay chân vẫn xuất hiện trên truyền hình. |
Để tồn tại, Al-Qaeda đã tự điều chỉnh thành công. Ngày nay, Al-Qaeda đã trở thành một tổ chức khủng bố không còn hoạt động theo kiểu hình chóp mà theo kiểu vòng tròn đồng tâm. Điều đó cực kỳ nguy hiểm bởi vì mỗi nhóm đều có quyền chọn mục tiêu, tuyển thành viên, tự cấp tài chính...
Ngoài ra, Al-Qaeda còn thành công trong việc truyền bá tư tưởng, chuyên môn và thậm chí cả tài chính sang các nhóm vũ trang khác như Jemaah Islamiah ở châu Á, Jihad ở Trung Đông và nhiều phân nhóm ở Bắc Phi và châu Âu.
Thông thường các phân nhóm hoạt động độc lập và không biết gì về nhau. Bọn chúng hoạt động khéo léo hơn, sử dụng hộ chiếu giả, visa giả, tiền giả hết sức tinh vi. Do đó, rất khó cho các lực lượng chức năng truy bắt.
Những ngón nghề mới
Một trong những phát triển đáng báo động nhất chính là mối nguy hiểm từ tên lửa đất đối không SAM. Tháng 6/2002, bọn khủng bố đã dùng loạt tên lửa này để tấn công máy bay quân sự của Mỹ ở Ảrập Xêút.
Các phần tử Al-Qaeda đã lặp lại điều đó tại Kenya hồi tháng 11/2002, song đã thất bại trong việc bắn hạ một máy bay dân dụng của Israel có khoảng hơn 200 hành khách trên máy bay.
Tháng 2/2003, sân bay Heathrow tại London đã phải đặt trong tình trạng báo động khi có nhiều nguồn tin tình báo cho rằng, bọn khủng bố đang âm mưu tấn công một máy bay đang hạ cánh xuống phi trường quốc tế này. Ngoài ra, còn hàng loạt vụ tấn công máy bay bằng tên lửa SAM tại Chechnya và Iraq.
Bên cạnh đó, nguy cơ khủng bố bằng vũ khí hoá học và sinh học vào các mục tiêu phương Tây ngày càng rõ rệt kể từ khi cảnh sát phát hiện chất độc ricin tại một căn hộ phía bắc London.
Trong số các phương thức hoạt động mới của những kẻ ủng hộ al-Qaeda là việc chiêu mộ những tên cải đạo mới từ các nhóm thiểu số không thuộc gốc Ảrập cho các chiến dịch trong tương lai. Đây là điều làm đau đầu các quan chức FBI cũng như các nhà điều tra khác.
Đắc nhân tâm?
Không thể không để ý tới lời ám chỉ "rập khuôn" này. Chiến thắng trên chiến trường hay trong phòng thẩm vấn sẽ là vô nghĩa nếu các mạng lưới khủng bố vẫn có thể tiếp tục tuyển mộ số lượng lớn những thanh niên bất mãn.
Và điều đó đang diễn ra. Làn sóng kinh hãi, thương tiếc cho các nạn nhân lan rộng khắp thế giới Ảrập và Hồi giáo khi mà sự kiện 11/9 đã từ lâu chuyển sang một hình dạng mới.
Người ta cho rằng Mỹ đã lợi dụng những cuộc tấn công này để "làm tiền". Họ đã cố tìm cách "chinh phục" các nước Hồi giáo, bao gồm Afghanistan và Iraq. Nhiều người còn coi cuộc chiến chống lại Saddam là một cuộc tấn công không chính đáng chống lại một cộng đồng không hề có khả năng phòng thủ, vốn đã bị "kiệt quệ" vì 12 năm cấm vận của LHQ.
Sự ủng hộ quân sự và ngoại giao của Washington đối với Israel vẫn không hề suy giảm. Đây vẫn luôn là "cái gai" trong mắt người Ảrập. Thật không công bằng. Nhiều thanh niên Ảrập cho rằng tình trạng thất nghiệp và thiếu tiếng nói chính trị của họ là do âm mưu giữa Mỹ và "những kẻ phục quốc Do Thái" muốn đàn áp người Hồi giáo.
Song cũng có những lời buộc tội cho rằng "khẩu vị" của chính quyền Bush là sự thay đổi thể chế và chính quyền này sẽ không dừng lại ở Baghdad. Những lời đe doạ buộc Syria và Iran thay đổi chính sách chỉ càng củng cố thêm quan điểm này.
Dựa trên những luận cứ này, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Mỹ và đồng minh thân cận của mình là Anh đang thất bại trong cuộc chiến thu phục "nhân tâm" người Ảrập và người Hồi giáo.
|