Đầu tuần này, Toà án tối cao Mỹ đã tổ chức phiên họp bất thường để nghe tranh luận quanh vấn đề liệu chiến dịch vận động tài chính trong luật cải tổ bầu cử vừa được Quốc hội thông qua năm ngoái có hợp hiến hay không. Cuộc tranh cãi sẽ dẫn tới một quyết định lịch sử của Toà án vào cuối năm nay về việc cho phép chính phủ có thể huy động và chi dùng bao nhiều tiền vì mục đích chính trị.
Phiên họp trên diễn ra sớm hơn dự định nhằm đưa ra quy chuẩn về vận động tài chính trước khi bầu cử Tổng thống năm 2004 bắt đầu vào tháng 1 tới. Năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt sửa đổi về các chiến dịch vận động tài chính trong bầu cử và được Tổng thống Mỹ Bush phê chuẩn để trở thành luật.
Luật cải tổ bầu cử gồm 2 phần lớn. Thứ nhất, cấm các đảng phái chính trị và ứng viên gây quỹ và chi tiêu loại ''tiền mềm''. Theo một số tiêu chuẩn trước đây, tiền mềm là các khoản đóng góp chính trị không giới hạn chủ yếu có nguồn gốc từ các tập đoàn, liên hiệp, những cá nhân giầu có. Những khoản tiền mà một số người cho rằng được dùng để lũng đoạn hệ thống chính trị.
Điều thứ hai trong luật cải tổ bầu cử là hạn chế các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình không kể là ủng hộ hay nói xấu một ứng cử viên nào đó mà không nêu rõ tổ chức đứng phía sau.
Những người phản đối luật cải tổ bầu cử cho rằng nó đã đặt ra những hạn chế mới với chiến dịch quyên tiền và xâm phạm quyền tự do phát biểu. Trong số những người đệ đơn đòi ngừng luật cải tổ này là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Mitch McConnell. ''Quy định pháp luật đó làm suy yếu sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các đảng''. Ông McConnell cho biết, luật mới đã mâu thuẫn với nền dân chủ của nước Mỹ.
Phán quyềt của Toà án tối cao sẽ lập ra các quy định nền tảng về việc các chiến dịch vận động tài chính sẽ được thu và chi bao nhiêu tiền trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống, sẽ bắt đầu vào giữa tháng 1/2004.
(Hoài Linh - Theo VOA)
|