Ban Ki-moon người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vừa khẳng định như vậy. Quan chức này nói, việc Bình Nhưỡng từ chối tham gia các cuộc hội đàm tiếp theo về chương trình hạt nhân cũng như tuyên bố tăng cường vũ khí hạt nhân đánh chặn chỉ là phản ứng ban đầu và có thể là chiến thuật đàm phán của quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố trước các phóng viên, ông Ban Ki-moon nhận xét: ''Đó chỉ là phản ứng ban đầu của họ. Tình hình cho thấy đó là động thái chiến lược''. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Ra Jong Il nói trong cuộc hội đàm vừa qua, đại diện 6 bên đã nhất trí sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo, song chưa quyết định sẽ tổ chức ở đâu và vào thời điểm nào.
Giới quan sát viên quốc tế cho biết, với tuyên bố vừa qua của Bình Nhưỡng, thì những thắc mắc quanh việc liệu CHDCND Triều Tiên sẽ bội ước với thoả thuận 6 bên, hay đó chỉ là một chiến thuật, hiện còn chưa đoán được rõ. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên vẫn đưa ra lý lẽ cho những động thái gần đây của mình. Theo đó, tờ Rodong Sinmun của chính quyền nước này cho biết, quan điểm của Mỹ rằng ''CHDCND Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đe doạ các quốc gia khác, hay tổ chức buôn bán cho những kẻ có ý định khủng bố Mỹ'' là lời nói không xác thực.
Tờ Rodong Sinmun trích lời một quan chức cấp cao đất nước nêu rõ: ''Hoàn toàn vô cơ sở khi nói vũ khí hạt nhân đánh chặn của chúng tôi đe doạ tới người khác. Nếu không có ai cố tình gây hấn với CHDCND Triều Tiên thì công cụ bảo vệ này vẫn nằm yên một chỗ''.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, khi Mỹ tuyên bố CHDCND Triều Tiên thừa nhận đang tiến hành chương trình hạt nhân bí mật.
(Hoài Linh - Theo Reuters)
|