Tàu ngầm Nga chìm do người điều khiển tắc trách
08:24' 01/09/2003 (GMT+7)
Tàu ngầm nguyên tử K-159.

"Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến sự lặp lại một thói quen cố hữu của người Nga, đó là chỉ dựa vào sự may rủi và hy vọng", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov đau buồn nhận định về vụ chìm tàu ngầm nguyên tử hôm 30/8 khiến 9 quân nhân thiệt mạng. Ngoài yếu tố thời tiết, nguyên nhân chính của tai nạn này bước đầu được xác định là do sự tắc trách của những người có liên quan. 

Phát biểu khi có mặt tại hiện trường hôm qua (31/8), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Ivanov khẳng định: "Thảm hoạ này một lần nữa cho thấy cần phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi chỉ dẫn và trình tự công việc. Nếu không, không sớm thì muộn, tai hoạ sẽ xảy ra, cướp đi sinh mạng của những người vô tội".

Để ngăn chặn các tai nạn tương tự, ông Ivanov ngay lập tức hạ lệnh tạm dừng chương trình lai dắt tàu ngầm nguyên tử về bãi phá dỡ.

Nga có tất cả 189 tàu ngầm nguyên tử hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 126 tàu trong số này nằm chờ xử lý tại các vùng biển, khiến nhiều người lo ngại về khả năng thất thoát hoặc rò rỉ nhiên liệu hạt nhân. Theo dự tính, để phá bỏ tất cả số tàu ngầm nguyên tử, Nga cần khoảng 3,9 tỷ USD. Tuy nhiên, năm ngoái, ngân sách của chính phủ dành cho toàn bộ hoạt động nâng cao sự an toàn của năng lượng hạt nhân, trong đó công việc này chỉ là một công đoạn, chỉ có 70 triệu USD.  

Ông Ivanov cũng tuyên bố sẽ cách chức Đại tá hải quân Sergei Zhemchuzhov, người chịu trách nhiệm việc chuyển tàu K-159. Ông Zhemchuzhov hiện đang bị thẩm vấn.

Tàu ngầm K-159 được sản xuất năm 1963 và hết thời hạn sử dụng năm 1989. Nó được kéo từ nơi neo đậu thuộc Bán đảo Kola về bãi phá dỡ hôm thứ bảy (30/8). Chiếc tàu này không may gặp bão, phao kéo bị đứt, lật ngược và chìm xuống đáy Biển Barents ở độ sâu hơn 200m.

Trong số 10 thuỷ thủ có mặt trên tàu, chỉ có một người may mắn sống sót. Quân nhân này hiện đang được cấp cứu, bị kiệt sức. Người ta mới chỉ vớt được 2 xác từ ngoài biển, 7 người còn lại có nhiều khả năng đang bị kẹt trong tàu.

Theo ông Ivanov, giống tàu Kursk - cũng chìm tại Biển Barents tháng 8/2000, tàu K-159 cũng sẽ được trục vớt, nhưng công việc này sẽ mất ít nhất vài tháng vì lý do kỹ thuật. Ông cũng cho biết vùng biển giàu tài nguyên nơi con tàu đang nằm lại sẽ không bị ảnh hưởng gì, độ nhiễm xạ đo được ở đây đang ở mức cho phép. 

(Tiến Dũng - Theo AP, Reuters)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ trưởng Quốc phòng Philippine từ chức (04/09/2003)
LHQ sẽ giảm số lượng nhân viên tại Iraq. (31/08/2003)
CHDCND Triều Tiên lại tăng cường hạt nhân (31/08/2003)
Tàu ngầm nguyên tử Nga bị chìm ở Bắc Cực (30/08/2003)
Trung Quốc ban hành luật hạn chế quyền lực của chính phủ (30/08/2003)
Palestine phong toả các quỹ từ thiện Hồi giáo (30/08/2003)
Australia - Ấn Độ ký hiệp ước chống khủng bố (30/08/2003)
Hamas từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thống Arafat (30/08/2003)
Bom nổ ở thánh địa Hồi giáo, ít nhất 85 người thiệt mạng (30/08/2003)
Bình Nhưỡng đưa ra ''giải pháp trọn gói'' tại hội đàm 6 bên (29/08/2003)
Anh mở điều tra về cái chết của Công nương Diana (29/08/2003)
Anh mở điều tra về cái chết của Công nương Diana (29/08/2003)
Peru: 69.000 người chết và mất tích trong 20 năm nội chiến (29/08/2003)
Pháp sẽ không còn lễ Giáng sinh? (29/08/2003)
Thủ tướng Anh đem sự nghiệp ra đặt cược (29/08/2003)
Tro ve dau trang