Thành phố Najaf, trung tâm Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất thế giới cách Baghdad khoảng 200km về phía Nam, đang trải qua thời điểm đau thương, hoảng loạn nhất. Một quả bom đặt trong xe hơi phát nổ hôm qua (29/8) đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 85 người, trong đó có Mohammed Baqir al-Hakim, thủ lĩnh Hội đồng Tối cao Giải phóng Hồi giáo Iraq. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố lớn nhất tại quốc gia vùng Vịnh kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ.
|
Hiện trường vụ đánh bom ngày 29/8 |
Sức công phá của quả bom đã khoét một hố rộng gần 10m ngay trước Thánh đường Imam Ali, một trong những thánh đường thiêng liêng nhất ở Iraq. Các nhân chứng cho biết, quả bom phát nổ đúng vào lúc Mohammed Baqer al-Hakim chuẩn bị lái xe rời thánh đường sau khi đọc một bài thuyết giáo, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất giữa các phe phái ở Iraq.
"Chúng tôi đếm được ít nhất 75 người thiệt mạng. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì rất nhiều người trong số 142 người bị thương đang ở trong tình trạng nguy kịch," Safaa al-Aneedi, giám đốc một bệnh viện ở Najaf, cho biết ngay sau khi vụ nổ xảy ra. Vài giờ sau, số người chết được điều chỉnh lại là 85 người.
Tại thời điểm diễn ra vụ nổ, không hề có bóng dáng của liên quân, lực lượng có trách nhiệm bảo đảm an ninh tại Iraq thời hậu chiến. Một phát ngôn viên quân sự Mỹ giải thích sự vắng bóng này là vì đây được coi là "miền đất thánh".
Ahmad Chalabi, người đứng đầu chính quyền lâm thời Iraq, cho rằng thủ phạm vụ đánh bom chính là những kẻ đã tấn công trụ sở Liên hiệp quốc tại Baghdad 10 ngày trước đó, khiến 23 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Song ông này lại không đưa ra được bằng chứng nào.
Nghi vấn về tác giả vụ đánh bom nhanh chóng được dồn vào những người theo dòng Hồi giáo Sunni trung thành với cựu Tổng thống Saddam Hussein. Dưới thời Saddam, Sunni mặc dù chỉ là thiểu số nhưng lại thống trị các giáo phái khác, trong đó có dòng Hồi giáo Shiite chiếm hơn 60% dân số.
|
Mohammed Baqir al-Hakim, thủ lĩnh dòng Hồi giáo Shiite, mục tiêu của vụ đánh bom |
Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng nguyên nhân của vụ nổ xuất phát từ việc lục đục, thanh trừng và tranh giành quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ dòng Shiite. Một số thành viên trẻ tuổi của Shiite chủ trương đấu tranh chống lại các thế hệ tiền bối của mình mà al-Hakim là thủ lĩnh.
Hakim, 63 tuổi, là lãnh tụ chính trị lâu năm của dòng Shiite ở Iraq. Sự hợp tác chặt chẽ giữa ông và chính quyền do Mỹ chèo lái là một trong những tiền đề tạo nên sự ổn định của Iraq thời hậu chiến, tiến tới thành lập một chính quyền dân chủ.
Khi Saddam Hussein đang tại vị, Hakim bị hành hạ khổ sở và phải tị nạn chính trị ở đất nước láng giềng Iran trong vòng 20 năm. Ông này vừa trở về cố quốc sau ngày Saddam bị lật đổ.
(Tiến Dũng - Theo AP, Reuters, BBC)