“Tôi có một ước mơ”, diễn văn bất hủ của mục sư Martin Luther King, hôm nay (28/8) tròn 40 mươi tuổi. Đúng 4 thập kỷ trước, tại Đài tưởng niệm Lincoln, Thủ đô Washington, lãnh tụ phong trào nhân quyền, người mở đường cho hoạt động chống phân biệt chủng tộc hùng hồn gửi gắm khát khao, ước mơ cháy bỏng của mình về một thế giới tự do, bình đẳng, bác ái. Ước mơ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ước mơ về một thế giới tự do, bình đẳng
|
Mục sư Martin Luther King |
“Tôi có một ước mơ, rằng tới một ngày, trên những ngọn đồi vùng Georgia, con cái của nô lệ và chủ nô cũ có thể ngồi với nhau như anh em.
Tôi có một ước mơ, rằng bốn người con của tôi sẽ có ngày được sống trong một đất nước, nơi chúng sẽ không bị đối xử bằng màu da mà bằng chính thực chất con người chúng.
Hôm nay tôi có một ước mơ...”
Tại cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc được coi là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Martin Luther King nói với sự say mê, truyền tinh thần cho không chỉ 250.000 cử toạ có mặt mà cả hàng triệu người trên toàn thế giới đấu tranh cho quyền con người. Hai vấn đề chính mà bài diễn văn đề cập là quyền được làm việc và quyền tự do, bình đẳng của con người, đặc biệt là người da đen, tầng lớp đang bị phân biệt, đối xử và chịu đựng nhiều bất công.
Ước mơ của King xuất phát từ thực trạng đen tối của hàng chục triệu người Mỹ gốc Phi. Vào thời điểm năm 1963, rất nhiều người da đen không có quyền bỏ phiếu; họ không được sử dụng chung nhà tắm, khách sạn, nhà hàng, trường học... cùng với người da trắng. Tệ hại hơn, cuộc sống khó khăn của họ càng bi thảm vì những kỳ thị trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
|
Martin Luther King đọc diễn văn "Tôi có một ước mơ" trước 250.000 người, ngày 28/8/1963 |
Diễn văn đầy nhiệt huyết của King đã gióng lên hồi chuông, hiệu triệu và cổ vũ nhân loại đứng lên chống lại việc đối xử bất công, tàn nhẫn đối với một lớp người, vốn đã ăn sâu, bám rễ trong lòng xã hội Mỹ.
Bốn mươi năm sau
Diễn văn gây chấn động dư luận của King ngay lập tức phát huy tác dụng. Chưa đầy một năm sau, ngày 2/7/1964, Tổng thống Mỹ Johnson ký ban hành Luật Nhân quyền, chính thức công nhận tự do, bình đẳng của con người là những quyền cơ bản, được pháp luật bảo vệ. Theo đó, người da đen được quyền đi bỏ phiếu mà không phải đóng thuế và qua sát hạch. Những biểu hiện kỳ thị vì lý do chủng tộc trong đời sống kinh tế, xã hội đều bị loại bỏ. Không một trường học,nhà hàng, nơi sinh hoạt công cộng nào còn được phép ngăn cấm người da đen.
Người da đen đã dần xuất hiện trên vũ đài chính trị, pháp luật, văn hóa, thể thao... thậm chí nhiều người còn nắm giữ những vị trí then chốt trong các lĩnh vực này. Có thể kể đến những nhân vật làm rạng danh tầng lớp người một thời bị coi là thuộc về một thế giới khác như đương kim Ngoại trưởng Colin Powell, đương kim cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, đương kim phó Chánh án Toà án tối cao Hoa Kỳ Clarence Thomas, minh tinh màn bạc Halle Berry và Denzel Washington (giành giải Oscar năm 2002), võ sĩ thép Mike Tyson, nhà vô địch gôn Tiger Wood và hai ngôi sao trên sân quần vợt, chị em nhà Williams: Serena và Venus. Tại quốc hội Mỹ, số nghị sĩ người da đen năm 2000 là 39. Năm 1970, con số này chỉ là 10. Còn số thị trưởng người da đen là 451 so với 49 của 30 năm trước đây.
Martin Luther King
- Sinh ngày 15/1/1929 trong một gia đình bố là mục sư dòng Baptist, mẹ là giáo viên. Ngày này được chọn là ngày lễ quốc gia. - Năm 1948, tốt nghiệp cử nhân tại Trường Đại học Morehouse, Atlanta. - Năm 1953, kết hôn với Coretta Scott, sinh được 4 người con: Yolanda Denise (1955); Martin Luther King III (1957); Dexter (1961); Bernice Albertine (1963). - Năm 1955, hoàn thành luận án tiến sĩ về lý thuyết hệ thống tại Đại học New England; lãnh đạo người da đen tiến hành cuộc tẩy chay xe buýt ở Montgomery vì chủ xe phân chia khu vực ngồi trên xe cho người da đen và da trắng. - Tháng 12/1956: Giành chiến thắng trước công ty xe buýt sau hơn 1 năm đấu tranh, hành khách được tự ý lựa chọn chỗ ngồi trên xe buýt. - Năm 1960: Gặp và thuyết phục Tổng thống John F. Kennedy ban hành luật nhân quyền. - Năm 1963: Đọc bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một ước mơ" trước 250.000 người tại Đài tưởng niệm Lincoln, Washington. - Năm 1964: Nhận giải Nobel hoà bình. - Ngày 4/4/1968: Bị James Earl Ray ám sát. Tên này mất năm 1998 khi đang thụ án 99 năm tù giam. |
Có thể coi đó là những thành tựu bước đầu của 40 năm đấu tranh bền bỉ với không ít mất mát, đau thương. Tuy nhiên, sau hơn một nửa đời người, ước mơ về một nước Mỹ bình đẳng giữa các màu da của King vẫn chưa thành hiện thực.
Còn đó ước mơ về sự bình đẳng
Xã hội Mỹ những năm đầu thế kỷ 21 vẫn là một bức tranh với hai màu sáng tối rõ rệt. Thực tế, hai cộng đồng da trắng và da đen vẫn sống trong hai thế giới, hai gam màu khác nhau, đối chọi nhau. Đây cũng chính là lý do khiến ngày 23/8 vừa qua, hàng nghìn người thuộc hơn 100 hội đoàn ở Mỹ tập hợp tại nơi 40 năm trước King đã phát biểu. Yêu cầu chính mà đám đông này đặt ra vẫn là sự bình đẳng trong cơ hội kiếm sống và đối xử trước pháp luật, điều mà King đặc biệt nhấn mạnh trong bài diễn văn lịch sử.
Đói nghèo, tỷ lệ phạm tội cao, bị đối xử bất công trước pháp luật và thiếu giáo dục vẫn là vấn nạn đối với 36 triệu người Mỹ da đen (12% tổng số dân).
Người da đen vẫn ở nấc cuối cùng trong bậc thang thu nhập. Số liệu thống kê của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy có tới 23% người da đen hiện đang sống dưới mức nghèo khổ so với 12% ở người da trắng.
Tỷ lệ phạm tội trong lớp người này cũng là một vấn đề nhức nhối. Hiện cứ 10 thanh niên da đen trong độ tuổi từ 25 đến 29 có một người đang ngồi tù (10%). Tỷ lệ này ở người da trắng chỉ là 1,1%. Theo Viện Chính sách Pháp luật có trụ sở tại Washington, số người da đen bị đưa ra trước vành móng ngựa tăng hơn 5 lần trong 20 năm qua. Năm 2000, toàn nước Mỹ có 791.600 công dân da đen phải vào tù. Trong khi đó, chỉ có 603.032 người đi học đại học, cao đẳng.
"Tôi có một ước mơ. Tới một ngày, đất nước này sẽ đứng lên và sống với đúng nghĩa của tín điều cuộc sống. Chúng ta tin tưởng vào một sự thật hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng". Ước mơ ngày nào của King vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục là thách thức đối với Hoa Kỳ.
• Hà Dương - Tổng hợp |