|
Lính Mỹ tại Iraq vừa phải trấn áp các hành động khủng bố vừa phải thực thi sứ mạng hoà bình. |
Sự thật trái ngược này rất đúng với tình cảnh của quân Mỹ hiện nay ở Iraq. Vào ngày 1/5, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Iraq, có 138 lính Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq vì cả hai nguyên nhân, giao chiến lẫn tai nạn. Gần 4 tháng sau, con số thương vong đã tăng gấp đôi, một biểu hiện rõ ràng về việc duy trì hoà bình và tái thiết Iraq còn khiến Mỹ tổn thất nhiều hơn so với việc giành chiến thắng trong chiến tranh.
Với thông báo, có thêm 2 binh sĩ thiệt mạng hồi cuối tuần qua, số lính Mỹ chết tại Iraq đã lên tới con số 275. Theo các số liệu thống kê của quân đội Mỹ, số lính tử trận đã ngang bằng với số chết trong thời bình.
Người phát ngôn Bộ chỉ huy liên quân tại Baghdad, Thiếu tá William Thurmond nói: ''Chúng tôi biết các chiến dịch thời hậu chiến cũng mạo hiểm như trong thời chiến song theo cách khác nhau''. Quan chức này cho biết, từ đầu tháng 6/2002, các nhà hoạch định chiến tranh đã lường trước được việc bình ổn tình hình sau khi chiến tranh là một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân đội Mỹ chỉ phải đương đầu với các binh sĩ bình thường song hiện nay họ lại phải đối mặt với các chiến binh du kích tại các khu vực đông dân cư và cả trong nội đô. Ông Thurmond tuyên bố: ''Đó là môi trường hoàn toàn khác, trong chiến tranh thật sự, kẻ thù mặc đồng phục và có tính tổ chức. Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi phải đương đầu hiện nay lại là một thế lực trong bóng tối''.
Suốt nhiều tháng qua, chiến binh Iraq đã liên tiếp tấn công liên quân bằng súng phóng lựu, súng Kalashnikov và đặt bom trên đường. Các vụ việc xảy ra liên tiếp cứ 2-3 giờ một lần. Quân Mỹ phải giao chiến song vẫn phải đảm đương sứ mạng gìn giữ hoà bình, do đó họ không thể sử dụng toàn lực để trấn áp những đợt tấn công khủng bố. Thiếu tá Mỹ tuyên bố: ''Lính Mỹ còn phải bảo vệ cho người dân cho dù chúng tôi là lực lượng thiện chiến. Hơn nữa, súng đạn không thể sử dụng bữa bãi theo ý muốn''.
Trong bối cảnh, con số thương vong vẫn không có dấu hiệu suy giảm, Tổng thống Bush mới đây phát động chiến dịch thuyết phục các nước gửi quân tới Iraq để hỗ trợ cho liên quân do Mỹ lãnh đạo. Sáng kiến này còn được Washington soạn thảo thành văn bản và gửi lên LHQ. Tuy nhiên, đề nghị về dự thảo nghị quyết này đã bị phản đối ngay khi vừa có ý định đệ trình.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cảnh báo, nỗ lực của Mỹ trong việc đưa binh sĩ các nước khác tới Iraq để củng cố sức mạnh quân sự cho mình sẽ bị thất bại nếu Washington không chấp nhận lực lượng được LHQ phê chuẩn cũng như việc chia sẻ quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh.
(Hoài Linh - Theo AP)
|