Quyết định này xuất phát từ thực tế đáng báo động về tình hình an ninh ở Iraq, đặc biệt là sự gia tăng đến chóng mặt số lượng lính Mỹ thiệt mạng tại quốc gia vùng Vịnh. Thay vì đưa thêm người Mỹ tới khu vực nguy hiểm này, Washington chủ trương kêu gọi các nước cùng góp sức tái thiết Iraq thời hậu chiến.
|
Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Richard Myers |
Phát biểu trên kênh truyền hình CBS hôm qua (24/8), Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Richard Myers, cho biết chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq chưa hề yêu cầu bổ sung thêm quân mặc dù Lầu Năm góc luôn sẵn sàng xem xét điều này.
"Bất cứ điều gì Tướng Abizaid (chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Iraq) hoặc con em của chúng ta đang làm nhiệm vụ ở Iraq và Afghanistan cần đều được đáp ứng," ông Myers nói.
Ông này cũng khẳng định Washington khuyến khích lực lượng quốc tế tại Iraq tăng cường thêm sức mạnh của mình, song lại lờ đi vấn đề liệu Mỹ có chuyển giao chút ít quyền kiểm soát Iraq cho Liên hiệp quốc hay không.
Hiện Mỹ có khoảng 150.000 quân tại Iraq so với 20.000 quân thuộc lực lượng quốc tế. Ngoài ra, thực hiện công việc gìn giữ an ninh và hoà bình tại đây còn có 50.000 nhân viên bản địa.
Theo Thượng nghị sĩ Joseph Biden, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, lực lượng quốc tế cần có từ 40.000 đến 60.000 quân.
Các dị nghị về vai trò đảm bảo an ninh của lực lượng Mỹ tại Iraq gần đây bỗng dưng rộ lên, nhất là từ sau vụ đánh bom trụ sở LHQ tại Iraq, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó có Trưởng đại diện Sergio Vieira de Mello.
Hôm qua, có thêm nhiều dấu hiệu bất ổn tại Iraq, trong đó có vụ đánh bom tư dinh của một chức sắc hàng đầu của dòng Hồi giáo Shiite ở Thành phố Najaf, khiến 3 cận vệ của ông này thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Cũng trong ngày Chủ nhật, Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã quyết định cắt giảm số nhân viên làm việc tại Baghdad sau khi nhận được các cảnh báo rằng tổ chức này có thể là một mục tiêu khủng bố.
(Tiến Dũng - Theo AP) |