|
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell (trái) với Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trước cuộc gặp hôm qua tại Trụ sở LHQ ở New York |
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, hôm 21/8, đã tham dự cuộc họp của HĐBA LHQ để bàn về vấn đề an ninh tại Iraq và thuyết phục hội đồng thông qua một nghị quyết mới yêu cầu các nước thành viên gửi quân sang Iraq. Song ông nói rõ rằng, Washington sẽ không nhường quyền kiểm soát cho LHQ như yêu cầu của Pháp và các nước khác. Đây được coi một nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố an ninh tại Iraq mà vẫn giữ được quyền độc tôn.
Việc Washington đưa ra đề nghị trên vào thời điểm này được coi là một quyết định khôn ngoan. Đề nghị thành lập một lực lượng gìn giữ hoà bình đa quốc gia được đưa ra khi cả thế giới chưa hết bàng hoàng và xúc động sau khi xảy ra vụ đánh bom nhằm vào trụ sở LHQ tại Iraq, khiến 20 người thiệt mạng. Vấn đề an ninh tại Iraq và khả năng thông qua một nghị quyết LHQ mới cho phép gửi thêm quân nước ngoài tới quốc gia Vùng Vịnh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan hôm qua. Ông Powell cho biết, trong lúc này, ông chưa thay đổi quan điểm rằng, Mỹ sẽ vẫn giữ quyền kiểm soát lực lượng này.
Quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, liên quân tại Iraq hiện tại đã là một lực lượng đa quốc gia, với sự tham gia của 22.000 quân đến từ 30 nước, 5 nước đang trong quá trình gửi quân và 14 nước khác đang xem xét việc tham gia vào lực lượng này.
"Nhưng có lẽ một nghị quyết mới có thể khuyến khích các nước chưa tham gia vào liên quân" - Ngoại trưởng Mỹ nói - "Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét việc thay đổi quyết định của mình vì sự ổn định tại Iraq. Chúng tôi mong có một nghị quyết mới kêu gọi các nước thành viên LHQ hành động nhiều hơn nữa".
Khi được hỏi liệu Washington có sẵn lòng nhượng bộ một phần quyền kiểm soát của mình cho LHQ hay không, ông Powell đáp: Từ lâu Mỹ luôn muốn LHQ đóng vai trò trung tâm. Vấn đề nhượng bộ quyền lực không phải là vấn đề mà chúng tôi phải bàn trong ngày hôm nay".
Ông cho biết, những nước đã gửi quân sang Iraq đều muốn Mỹ chỉ huy sứ mạng gìn giữ hoà bình. "Phải kiểm soát một tổ chức quân sự lớn mạnh như liên quân - đó là trọng trách của Hoa Kỳ" - ông nói, cho biết thêm, quyền chiếm đóng của Mỹ đã được các nghị quyết LHQ cho phép (Sau khi chế độ Hussein sụp đổ, Hội đồng Bảo an đã gạt được bất đồng và thông qua nghị định 22/5 cho phép Mỹ, Anh chiếm đóng Iraq).
Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại LHQ John Negroponte cho biết, chính quyền ông Bush muốn có sự hỗ trợ không chỉ về quân sự mà còn về tài chính và cảnh sát để giúp Mỹ ổn định Iraq; ngoài ra Mỹ còn muốn các nước giúp Mỹ cung cấp quân trang và huấn luyện cảnh sát Iraq. Ông Negroponte cho biết, ông sẽ không "đóng sầm cánh cửa" trước khả năng thành lập một cơ cấu như ở Afghanistan, nơi lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế tại Kabul có vai trò độc lập nhưng hoạt động dưới sự bảo trợ của LHQ. Cũng theo ông này, Hoa Kỳ không đề nghị mở rộng vai trò của LHQ tại Iraq song vẫn sẵn lòng đàm phán về vấn đề trên.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Scott McClellan cũng phủ nhận mở rộng vai trò chính trị của LHQ. "Họ đang đóng một vai trò nhất định trong công cuộc tái thiết" - ông nói trên chiếc Không lực Mỹ khi tháp tùng Tổng thống Bush - "Vai trò này phải thuộc về Chính quyền Lâm thời Liên quân".
Tuy nhiên, Pháp, Nga, Ấn Độ và các nước khác đã kiên quyết từ chối gửi quân tới Iraq nếu quyền kiểm soát lực lượng đa quốc gia không do LHQ nắm. Giới ngoại giao các nước này cho biết, nếu Mỹ không đồng ý chia sẻ quyền điều hành cho LHQ thì khả năng thành lập một lực lượng quân sự quốc tế hùng hậu sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Phó Đại sứ Pháp tại LHQ Michel Duclos nói: "Chia sẻ gánh nặng và trọng trách trong một thế giới các quốc gia ngang hàng và có chủ quyền có nghĩa là chia sẻ thông tin và quyền hạn.
Nga cho rằng tất cả các nước thành viên đều mong muốn LHQ có vai trò lớn hơn và tích cực hơn. Đại sứ Nga tại LHQ Sergey Lavrov nói cho biết, các vấn đề an ninh nên được giải quyết sau các vấn đề khác. "Ưu tiên đầu tiên và cấp thiết nhất là một quá trính chính trị và một thời gian biểu rõ ràng cho việc khôi phục chủ quyền cho Iraq" - ông nói.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ loại bỏ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tại Iraq song vẫn giữ một giọng "nước đôi". "Đã từng có chia rẽ trước chiến tranh, nhưng tất cả chúng ta đều nhận ra rằng, điều khôi phục hoà bình cho Iraq và khu vực là khẩn thiết" - ông Annan nói - "Tôi cho rằng khó có thể có sự nhất trí về một nghị quyết mới nhưng nếu có, nó sẽ phát huy tác dụng".
Ngay cả đồng mình thân cận của Mỹ là Anh cũng không ủng hộ Mỹ. Ngoại trưởng Anh Jack Straw, người dự định gặp ông Annan vào thứ sáu tới, cho biết: "Nếu muốn có lực lượng quân sự đa quốc gia hoạt động hiệu quả thì quyền chỉ huy phải được chuyển giao cho LHQ".
(Lam Sơn - Theo AP, AFP)
|