Nghi vấn này của các điều tra viên Mỹ xuất phát từ sự tính toán chính xác, chi li đáng kinh ngạc về thời điểm và địa điểm đánh bom. Hiện tất cả các nhân viên người Iraq làm việc cho trụ sở LHQ tại Baghdad, rất nhiều người trong số này từng là nhân viên an ninh dưới thời Saddam Hussein, đang được thẩm vấn.
|
Ông Bernard Kerik |
Bernard Kerik, cựu quan chức cảnh sát New York, người đang thực thi nhiệm vụ huấn luyện cảnh sát Iraq, cho biết địa điểm và thời gian bom nổ là các căn cứ để có thể nghi ngờ chính những nhân viên người Iraq làm việc trong toà nhà là thủ phạm gây ra vụ này.
Chiếc xe tải chở bom đỗ tại một vị trí "không thể gần hơn" văn phòng của Trưởng Đại diện Sergio Vieira de Mello. Thêm nữa, quả bom phát nổ đúng vào lúc ông Mello đang chủ trì cuộc họp với các nhân viên cao cấp tại căn phòng này, ông Kerik phân tích
"Có một vài điểm khuất tất về những người Iraq làm việc tại văn phòng. Mọi việc hiện đang tiếp tục được điều tra," ông Kerik nói.
Kerik thừa nhận hiện còn quá sớm để kết luận ai là người gây ra thảm hoạ đen tối nhất trong 58 năm tồn tại của tổ chức lớn nhất hành tinh. Song ông khẳng định Saddam Hussein không thể là thủ phạm.
"Theo tôi, hoàn toàn không có bàn tay của Saddam Hussein trong vụ này. Ông này đang phải chu du khắp đất nước, phải thay đổi chỗ ở 3, 4 lần trong ngày để tránh sự truy bắt của liên quân. Tôi tin Saddam không có thời gian để ngồi bàn tính và lên kế hoạch cho điệp vụ tinh vi này," ông nói.
Hầu hết nhân viên an ninh của văn phòng LHQ tại Iraq từng là người thuộc lực lượng an ninh của Saddam Hussein. Họ có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các nhân viên của Phái đoàn Thanh sát vũ khí LHQ trước đây. Sau khi chiến tranh kết thúc, LHQ đã sử dụng lại gần như toàn bộ lực lượng này.
"Không biết LHQ có kiểm tra, rà soát kỹ những người này không," Kerik băn khoăn. Ông đồng thời cảnh báo các tổ chức phi chính phủ khác đang có mặt tại Iraq cẩn trọng và kiểm tra kỹ các nhân viên từng là người của chế độ cũ.
Trong khi đó, tại hiện trường, các nhân viên cứu hộ tiếp tục công việc tìm kiếm. Hiện số người thiệt mạng đã lên tới 23, 86 nhân viên của văn phòng bị thương nặng đã được chuyển ra khỏi Iraq để điều trị, và vẫn còn 2 người mất tích.
Trong một diễn biến khác, thi hài ông Mello đã được đưa về Brazil, quê hương của nhà ngoại giao kỳ cựu này. Trước đó, tại Sân bay quốc tế Baghdad, đã diễn ra lễ truy điệu ngắn và đầy xúc động.
Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ thông báo có thêm 2 công dân thiệt mạng tại Iraq, nâng tổng số người Mỹ bỏ mạng tại vùng đất này lên đến 179. Trong số này, 65 người ra đi sau khi Tổng thống Bush tuyên bố chiến tranh kết thúc hôm 1/5/2003.