|
Tàu điện mắc kẹt trên đường ray tại Công viên giải trí Cedar ở Sandusky, bang Ohio |
Đối với những người nghiền Internet, sự cố mất điện tuần trước là một ký ức kinh hoàng. Giờ đây họ đã biết được, cuộc sống kỹ thuật số thế kỷ 21 dễ chịu có thể quay về thời kỳ đồ đá tối tăm một cách nhanh chóng như thế nào.
Mặc dù rất khó chịu, song việc không tiếp cận được những nguồn thức ăn, nước uống và phương tiên đi lại bình thường trong đợt mất điện vừa qua, và cả những lần trước đây, là chuyện có thể chấp nhận được. Nhưng việc không tiếp cận được với thông tin qua mạng, từ dữ liệu công việc, tìm kiếm trên Google đến các bức e-mail riêng tư, quả là quá sức chịu đựng đối với dân Mỹ, những người mà thói quen vào mạng đã ngấm vào máu. Điều này cũng cho thấy, ý định biến thế giới thực tại thành thế giới ảo chỉ là một ảo tưởng.
Các thông tin số hoá (trên Internet, điện thoại di động...) thường được miêu tả là một thế giới tách biệt và tồn tại song song với thế giới thực tại. Nếu con người thể xác trở nên vô nghĩa trong liên lạc, cập nhật thông tin hay mua sắm, thì người ta còn cần gì một thứ trần tục như điện?
Tuy nhiên, khi bị bao phủ trong bóng đen, thế giới số đã tự bộc lộ nhược điểm lớn nhất của mình. Quả vậy: các máy tính cá nhân (PC) không hoạt động, và máy tính xách tay (laptop) và máy nghe nhạc MP3 chẳng khá hơn, chúng cũng cần xạc pin. "Các electron là dòng sữa mẹ của thời đại công nghệ thông tin. Nguồn điện mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều" - ông Paul Saffo, Giám đốc Học viện Nghiên cứu Tương lai Hoa Kỳ nói.
Trong cảm giác bối rối, vỡ mộng và tuyệt vọng suốt 48 tiếng, nước Mỹ, người khổng lồ trong kỷ nguyên thông tin, hơn ai hết, hiểu rõ một điều: Họ cũng mong manh như một đoạn dây cầu chì vậy. "Khi mất điện tôi đang soạn một bức e-mail công việc rất quan trọng" - Mike Pearlstein, một nhà làm phim buồn rầu nói - "Tôi đã cố sử dụng pin dự trữ, nhưng máy tính không chịu hoạt động, chẳng có gì hoạt động cả". Khi bạn bè rủ Pearlstein ra đường hóng mát, anh vẫn không chịu rời máy tính. "Tôi chỉ muốn gửi mail đi mà thôi" - anh nói.
Chỉ 2 ngày trước khi sâu Blaster khiến cho giới gõ phím đau đầu nhức óc, sự cố mất điện đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương của công nghệ mà hàng triệu người vẫn cho là hoàn hảo.
Bản thân Internet, vốn được thiết kế để sẵn sàng đương đầu với các sự cố, được hỗ trợ bởi các thiết bị lưu điện, song vẫn hoàn toàn mất sức đề kháng trước sự kiện kinh hoàng vừa qua. Hàng chục nghìn người cùng mã số tài khoản bị mắc kẹt trong các website thương mai điện tử như eBay, Amazon...
"Chúng ta đã sống trong một thế giới dựa vào máy tính, do đó, chúng ta cần có một nguồn điện đáng tin cậy hơn" - ông David Farber, một chuyên gia tin học thuộc trường Đại học Carnegie Mellon nói - "Khi những điều tương tự xảy ra, toàn bộ xã hội thông tin của chúng ta phải ngồi yên và run sợ vì chẳng làm được gì cả".
Đối với con trai ông Farber, anh Manny, 35 tuổi, khó khăn đầu tiên xuất hiện khi anh cần gọi điện đến cho một người bạn. Anh tỏ ra rất tự tin khi biết chiếc điện thoại quay tay kiểu cũ của anh có thể sử dụng không cần điện, nhưng sự tự tin tan biến khi nhớ ra, anh đã lưu số điện thoại của người bạn trong... máy tính.
Jessica Litman, một giáo sư luật học sống tại Michigan, cho biết, nguồn tin tức duy nhất mà bà nhận được là qua chiếc radio gắn trên xe hơi. Tuy nhiên, bà lại chẳng thích thú tí nào bởi "chiếc radio chỉ cho tôi biết những gì mà nó muốn".
Khi không còn hiệu nghiệm, các tín hiệu và âm thanh của các thiết bị liên lạc số thậm chí lại nổi bật hơn. Trong bóng tối, điện thoại di động, với chiếc đèn hiệu nhấp nháy tỏ ra rất hữu ích, cho dù chức năng liên lạc đã trở nên vô dụng.
Khi điện thoại hết pin, một số người cắm chúng vào bật lửa châm thuốc trên ôtô để gọi điện. Trong khi đó, chủ nhân của những chiếc máy nhắn tin BlackBerry sử dụng mạng điện thoại đời cũ, thỉnh thoảng cũng gửi được một cái tin nhắn.
Anh George Nemeth, quản trị một trang tin tổng hợp (Web blog) ở vùng Cleveland, cho biết, anh đã lập tức đẩy tống đẩy tháo tin tức lên mạng. Nhưng khi anh về nhà, lại chẳng hề có tí điện nào để vào đọc báo cả. "Mất điện thật là khủng khiếp" - anh nói - "Nhưng vợ tôi lại rất thích thú vì chúng tôi đã có thời gian trò chuyện với nhau, một điều bình thường khó mà có được, bởi khi có điện cả hai chúng tôi lại phải làm bạn với máy tính".
Đối với những ai sử dụng đường truyền tốc độ cao để gửi tin nhắn, mua sắm hay đưa tin tức, tai hại mới bộc lộ rõ hơn cả. "Mọi người đều hoảng loạn khi máy tính vụt tắt" - Jen Chung, biên tập viên trang tin Gothamist nói - "Có vẻ như khi mất điện, cuộc sống cũng ngừng theo".
Còn đối với một số người làm tin tổng hợp, đó là lúc thể hiện tài khắc phục. Grant Berrer viết trên blog của mình: "Tôi phải làm theo cách cổ điển: pin máy tính xách tay, đèn flash, modem và một số thiết bị khác". Phải khó khăn lắm, anh mới chuyển được "toà soạn" của mình từ Midtown Manhattan tới Brooklyn (lúc đó chưa mất điện). "Khi đó, đúng là cái "máu" muốn được liên lạc trong người trỗi lên" - Barrer nói với bạn anh qua điện thoại (gọi từ máy tính) - "Nghe có vẻ to tát quá phải không? Nhưng đó chẳng qua là trò gõ không nhìn bàn phím trẻ con thôi mà".
(Lam Sơn - Theo New York Times) |