Báo chí Iraq bùng nổ: Tự do hay hỗn loạn?
16:46' 18/08/2003 (GMT+7)
Báo chí đã bắt đầu phát huy quyền lực tại Iraq.

Lầu Năm Góc đã sử dụng con bài tuyên truyền mở đầu cuộc chiến chinh phục Saddam Hussein. Song giờ đây quân Mỹ lại đang bị chính "cây gậy" của họ đập vào "lưng" mình khi ngành công nghiệp truyền thông Iraq bắt đầu bùng nổ. Ngoài việc cập nhật thông tin, quyền lực thứ tư tại đây còn có một chức năng khác: Kêu gọi người dân chống Mỹ giành chủ quyền.

Câu khách và tuyên truyền

Sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein, Mỹ hy vọng, Iraq sẽ lại có tự do ngôn luận và các tờ báo độc lập. Song chính Washington không ngờ rằng kỳ vọng của họ đã được đáp ứng "thái quá". Kể từ tháng 4, nghề kinh doanh tin tức tại quốc gia Vùng Vịnh bỗng trở nên vô cùng phát đạt. Cả nước hiện có khoảng 200 tờ nhật báo và tuần báo tiếng Ảrập với đủ loại thượng vàng hạ cám, riêng Baghdad đã có tới 60 tờ. Chất lượng tốt xấu lẫn lộn, song người dân vẫn háo hức muốn đọc.

Trên cùng một sạp báo, người ta có thể tìm thấy tờ tạp chí giải trí của Iraq với những tấm ảnh lớn khiêu gợi của Britney Spears và Shakira bên cạnh hình ảnh các thành viên mới của Hội đồng tôn giáo Shiite. Ngoài ra, người ta có thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào: tin đồn về số phận Hussein, tội phạm, giá điện và về các vấn đề chính trị khác. Liều mạng để xem xem tương lai nào sẽ đến vì bị Mỹ chiếm đóng, họ dành mỗi buổi sáng đổ xô tới các quán nước và tụ tập trên các góc phố - tất cả đều say sưa đọc tin tức.

Vậy thông tin là gì? Ngành báo chí mới ra ràng của Iraq đã có những tiến bộ nhanh chóng về tính tự do thông tin, song hầu hết các báo vẫn chưa phát huy hết những lợi thế của quyền lực thứ tư. Số nhà báo có tay nghề tại Iraq hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ngạc nhiên thay, vì thế hầu hết thông tin trên báo đều không đáng tin cậy, mang tính kích động hoặc sai lệch. Tin tức chân thực chiếm rất ít, trong khi các bài bình luận và tin tức lá cải lại đầy rẫy. Đơn cử một thông tin lá cải mới nhất trên các mặt báo là: người Do Thái đang dự định mua sạch toàn bộ tài sản tại Baghdad và biến Iraq thành một Bờ Tây mới. Cùng với thông tin này, một bản báo cáo "đáng tin cậy" được công bố cho biết: dầu mỏ Iraq đang bị "chảy máu" sang Israel. Ahmed Fawzi, người đại diện của LHQ tại Iraq, đã miêu tả hầu hết các tờ báo tại Iraq là "nửa đực nửa cái", pha tạp giữa "tuyên truyền chính trị và lá cải câu khách".

Nhiều tờ báo là sản phẩm của các tổ chức chính trị và tôn giáo. Số còn lại lại tuyên truyền người dân chống quân Mỹ. Hồi tuần trước, Chính quyền Lâm thời Liên quân (hay Chính quyền chuyển giao Iraq) do Mỹ lãnh đạo, cơ quan đang cố quản lý hệ thống báo chí, đã đình bản tờ Al-Mustakila (Độc lập). Tờ này đã cho đăng một bài báo kêu gọi người dân "giết chết tất cả những kẻ tình báo, chỉ điểm và những ai cộng tác với Mỹ. "Giết chúng là nghĩa vụ tôn giáo" - bài báo viết. Ngay cả một số ít tờ chuyên nghiệp cũng đăng những bài bình luận chỉ trích liên quân đã không thực hiện lời hứa của mình: khôi phục an ninh, cơ sở hạ tầng và lập ra chính phủ cho Iraq.

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này là có thể dự đoán được. Iraq từng có một ngành công nghiệp báo chí năng động và đầy sinh lực trước khi nền quân chủ bị Đảng Baath lật đổ năm 1958. Khi Saddam Hussein lên nắm quyền 21 năm trước, ông ta đã ngay lập tức ra lệnh hành quyết (theo đúng nghĩa đen) ngành báo chí độc lập.  Sau năm 1986, xử tử là hình phạt chính thức cho những kẻ dám chỉ trích chính phủ. Theo Liên minh công lý quốc tế (IAJ), một tổ chức nhân quyền của Pháp, hơn 500 nhà báo, nhà văn và trí thức Iraq đã bị hành quyết hoặc bị bỏ tù chung thân không qua xét xử. Xây dựng lại một ngành báo chí sẽ ngốn rất nhiều thời gian, đặc biệt tại một "chảo lửa" chính trị vùng Trung Đông này.

Những đầu báo có ảnh hưởng
Al-Zaman (Thời báo)

Chủ bút: Saad al-Bazza, cựu tổng biên tập tờ nhật báo Al-Jumhuriyah của chính quyền trước đây, một người sống lưu vong. Đây được coi là tờ báo độc lập nhất hiện nay ở Iraq.

Al-Sabah (Rạng đông)
Sản phẩm của một tổ chức liên quan tới Đảng Đại hội Dân tộc Iraq. Tờ này đưa tin toàn diện về các hoạt động của liên quân. Chủ bút: Zayer, cựu tổng biên tập tờ Al-Hayat có trụ sở London.
Al-Taahi
Do Đảng Dân chủ người Kurd xuất bản. Bất chấp xuất xứ của nó, nhiều người Iraq vẫn cho rằng tờ này có quan điểm khá công bằng.
Baghdad
Sản phẩm của Đảng Hoà hợp dân tộc Iraq (INA), một đồng minh của Cơ quan tình báo Mỹ. Tờ này bán khá chạy nhờ có chất lượng tin bài tốt, mặc dù số người ủng hộ INA không nhiều.

 

Khách quan và tẻ nhạt

Tuy nhiên, cũng có một ít ấn phẩm cho thấy dấu hiệu sự hồi sinh của báo chí khách quan. Al-Zaman (Thời báo) là một đơn cử. Tờ này được xem là cuốn sổ ghi chép thời sự hậu chiến Iraq. Thành lập tại London năm 1997, Al-Zaman được điều hành bởi Al-Bazaaz, cựu chủ bút của tờ nhật báo Al-Jumhuriyahm dưới thời Hussein, người rời Iraq sang Anh sống lưu vong năm 1992. Đội ngũ nhân sự của tờ này là một số nhà báo Ảrập được đào tạo ở phương Tây và các đồng nghiệp cũ của ông Bazaaz. Với lượng phát hành 75.000/ số, Al-Zaman đưa tin, viết bài về tất cả các lĩnh vực: tội phạm ở Baghdad, tình trạng trì trệ của liên quân (trong khôi phục cơ sở hạ tầng) và tin tức chính trị, tuy có lúc mang giọng chỉ trích, song thường thường là trung lập.

Đối với các tờ báo còn lại, hầu hết những người Iraq có giáo dục đều sẽ không có ấn tượng gì. "Toàn là những thứ rác rưởi: tin đồn và tuyền truyền" - Mustafa al-Khadimy, một nhà bình luận của tờ Al Hayat, nhận xét. Theo ông, phần lớn các tờ báo tại Baghdad hình như lấy nguồn tin từ... những câu chuyện tầm phào trên đường phố. Một tờ thậm chí đã đưa tin, một lính Mỹ cưỡng hiếp một phụ nữ Iraq và truyền HIV/AIDS sang nạn nhân. Tờ Al Saah (Giờ khắc) số ra ngày 28/6 cho đăng một bài xã luận của giáo sĩ Hồi giáo Sunni Ahmed al-Kubeysi ca ngợi "những người chết vì đạo" tại Fallujah và Ramadi về các cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ. Một tờ báo khác tường thuật lại chi tiết cuộc đột kích của quân Mỹ vào một nhà thờ Hồi giáo tại Baghdad.

Tự do kiểu Mỹ?

Mặc dù hô hào tự do ngôn luận, Mỹ mới đây tuyên bố họ đã thực hiện một chính sách cứng rắn để chống lại cách hành xử liều lĩnh của báo chí. Ông Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền lâm thời Iraq, đã ra lệnh cấm báo chí cho đăng các bài báo "kích động bạo lực chống lại bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào, trong đó có lính liên quân". Nhưng biện pháp này có vẻ như đã ít nhiều mang lại kết quả. Kể từ trung tuần tháng 7, tờ Sada Al-Sadr (Tiếng vọng của Sadr), sản phẩm của tổ chức Hồi giáo Shiite Moqtada Al Sadr, hàng tuần đều đặn cho đăng danh sách "các bạo chúa đảng Baath bị người Iraq truy nã". Cho tới nay, 328 người đã bị nêu tên, phần lớn là các thành viên cấp vừa hoặc thấp.

Cực chẳng đã, Mỹ đã quyết định "đổ bộ" vào mớ hỗn độn truyền thông bằng cách thành lập một đội giám sát báo chí (từ trước tới nay, Mỹ chỉ có trong tay một người Mỹ biết tiếng Ảrập để theo dõi một rừng báo). Nhưng biện pháp này chỉ mang lại kết quả tốt xấu lẫn lộn. Washington đã tài trợ cho tờ Al Sabah (Rạng đông), đưa tin (đáng tin cậy) về hoạt động của liên quân nhưng phần lớn độc giả đều cho rằng đây là một tờ nhạt nhẽo, vô vị. Chủ bút của tờ này là ông Ismail Zeyer, một cựu phóng viên của tờ Al Hayat. Cơ quan truyền thông Iraq (IMN), người tiếp quản Đài Phát thanh truyền hình Iraq được Mỹ tài trợ, thậm chí còn bị chấm điểm thấp hơn. Nỗ lực lấy uy tín, chất lượng hình ảnh các chương trình của IMN đã được cải thiện, song hầu hết người dân Iraq đều tỏ ra thất vọng với các tin tức đầy chất nghiệp dư và tẻ nhạt trong các chương trình tin tức buổi tối.

Không thể dùng các phóng viên giàu kinh nghiệm nhưng thoả hiệp với chế độ cũ, MIN đành phải tuyển dụng các... quân nhân trẻ, thiếu kinh nghiệm và không có một chút kiến thức về báo chí. Các quan chức IMN thừa nhận họ đã tuyển phóng viên qua các cuộc phỏng vấn giả định cũng như các chương trình truyền hình dựa trên lời đồn thất thiệt. "Chương trình tin tức của chúng tôi thật là tào lao" - một quan chức IMN nói - "Đó hoàn toàn nghiệp dư". Các giám đốc người Iraq và các quan chức Mỹ cáo buộc liên quân đã giám sát đài truyền hình.

Có thể không đáng tin cậy lắm, song báo chí Iraq sẽ giúp định hình tương lai cho nước này. Sự phẫn nộ của báo chí phản ánh sự chia rẽ và hỗn loạn trong quan điểm chính trị của người Iraq. Tất cả mọi tờ báo đều lên tiếng đòi Mỹ phải trao cho người Iraq một vai trò lớn hơn trong việc điều hành đất nước, song không tờ nào chọn ra được một lãnh đạo duy nhất. Liên quân cho biết, họ đang dự định tài trợ cho một uỷ ban truyền thông độc lập nhằm tạo ra một định hướng có trách nhiệm hơn cho ngành báo chí non trẻ, tự do và cứng đầu hiện nay. Cách làm này đã phát huy tác dụng tại Kosovo, nhưng nhiều người Iraq tự hỏi: liệu nó có thành công ở Baghdad đầy sóng gió?

(Lam Sơn - Theo Newsweek, Time)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mỹ sẽ đối mặt với 11/9 lần hai? (18/08/2003)
Con trai Lý Quang Diệu sẽ trở thành Thủ tướng Singapore (18/08/2003)
Mỹ - Hàn Quốc tiến hành tập trận chung (03/11/2003)
Nhật Bản dự định phóng 17 vệ tinh giám sát trái đất (18/08/2003)
Bắc Mỹ: Mất điện "bắt nguồn từ Ohio" (18/08/2003)
Làn sóng phá hoại lan rộng tại Iraq (18/08/2003)
Giao tranh ở miền Nam Afghanistan, 22 người chết (18/08/2003)
Palestine - Israel: Đàm phán an ninh thất bại (18/08/2003)
Đã từng có kế hoạch tấn công khủng bố vào hội nghị APEC (18/08/2003)
10 người bị bắt vì tình nghi là khủng bố (18/08/2003)
Pakistan vật lộn với sự cố dầu loang (17/08/2003)
Indonesia muốn Mỹ cho phép thẩm vấn Hambali (17/08/2003)
2.000 người biểu tình ở Seoul phản đối liên minh Mỹ-Hàn (16/08/2003)
Libya chính thức nhận trách nhiệm về vụ Lockerbie (16/08/2003)
Israel chấp thuận giao thêm 4 thành phố cho Palestine (16/08/2003)
Tro ve dau trang