|
Tháp truyền tải điện cao thế tại Rootstown, Ohio thuộc Tập đoàn FirstEnergy. |
Đợt mất điện lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, ảnh hưởng tới 50 triệu người vừa qua, có thể bắt nguồn từ bang Ohio hôm 14/8. Hiện các cuộc điều tra đang tập trung tìm nguyên nhân tại sao 3 sự cố tại Cleveland trước đó không được kiểm soát.
Trong một tuyên bố đưa ra tối qua (17/8), Michael Gent, Trưởng điều hành Hội đồng Chuyên trách Điện lực khu vực Bắc Mỹ (NERC) phụ trách công tác điều tra thừa nhận rằng: "Các sự cố xảy ra với một hệ thống của chúng tôi tại Ohio có thể đã ảnh hưởng tới các hệ thống khác. Mặc dù chúng tôi đã phát hiện ra điều này, nhưng việc khẳng định đây là nguyên nhân chính gây ra đợt mất điện trên diện rộng vừa qua là hơi sớm và mang tính suy đoán".
Theo NERC, có vẻ như sự cố này lan rộng sau khi 3 đường dây điện cao thế tại phía Nam Cleveland do Tập đoàn FirstEnergy quản lý bị hỏng. FirstEnergy đã thừa nhận rằng chuông báo động không kêu tại phòng điều hành trung tâm. FirstEnergy, công ty tư nhân cung cấp điện lớn thứ 4 của Mỹ với 4,3 triệu khách hàng tại Ohio, Pennsylvania và New Jersey là "tiêu điểm" của cuộc điều tra trong suốt 3 ngày qua.
Trong khi đó, các quan chức Canada phàn nàn rằng, họ không được thông báo trước khi những vấn đề bắt đầu xuất hiện tại hệ thống điện chung giữa hai nước. Việc thông báo này có được quy định trong một hiệp định ký giữa hai bên năm 1965. Andre Parker, Phó Giám đốc Nhà máy thuỷ điện Ottawa cho biết: "Thông tin mới nhất chúng tôi có cho thấy, đã có một sự cố xảy ra tại một trong những mạch điện chính của Mỹ tại Cleveland".
Hai chính phủ Mỹ và Canada đang thiết lập một đội đặc nhiệm phối hợp chung để tìm ra nguyên nhân. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Spencer Abraham và Bộ trưởng Tài nguyên Canada Herb Dhaliwal sẽ cùng chỉ đạo đội đặc nhiệm điều tra sự cố.
|
Mất điện khiến nhiều người phải "đấu tranh" để duy trì cuộc sống hàng ngày. |
NERC cho biết đến tối qua, các hệ thống truyền tải điện bị sự cố đã trở lại hoạt động tương đối ổn định trừ một đường nối giữa bang Michigan (Mỹ) và tỉnh Ontario (Canada) do "các lý do an toàn" sẽ sớm được khắc phục. Hiện vẫn còn 21 nhà máy phát điện ngừng hoạt động, chỉ bằng 1/5 số nhà máy bị ảnh hưởng trong sự cố vừa qua.
Các nhà chức trách Mỹ và Canada đang ra sức kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhằm thoát khỏi sự cố nghiêm trọng này. Tại Toronto, nhiều cư dân sống ở các chung cư cao tầng phàn nàn rằng họ vẫn bị thiếu điện và nước, không thể làm sạch nhà vệ sinh từ khi "cuộc khủng hoảng" này bắt đầu. Người dân tại hai thành phố Detroit và Cleveland cũng được nhắc nhở phải đun sôi nước uống do lo ngại rằng nước thải có thể đã làm ô nhiễm hệ thống nước.
Được biết, đợt mất điện này đã làm Mỹ bị thiệt hại tới 30 tỉ USD mỗi ngày. Các cửa hàng không bán được do khách hàng không ra phố và siêu thị buộc phải vứt bỏ hàng đống thực phẩm bị hỏng do hệ thống làm lạnh không hoạt động. Ba nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới hàng nghìn công nhân. Hàng trăm chuyến bay đã bị huỷ bỏ.
Sự cố đã ảnh hưởng tới 8 bang của Mỹ và một số vùng tại Đông Canada bao gồm các thành phố chính như New York, Detroit, Cleveland, Toronto và Ottawa.
Tổng thống Mỹ George W. Bush phát biểu đợt mất điện này là một "tiếng chuông cảnh báo" đối với Mỹ về vấn đề hiện đại hoá hệ thống điện đã quá cũ.
(Huyền Trang - Theo BBC, AP)
|