|
Ít nhất đã có một chục phiên dịch cho lính Mỹ đã bị sát hại trong tháng vừa qua |
Đã một tháng kể từ khi Fayek Kudayar Abbas không làm việc cho người Mỹ nữa, vậy mà tên của ông vẫn bị liệt vào danh sách ''những kẻ phản bội'' được truyền bá rộng khắp trong những người tham gia phong trào chống Mỹ. Và rồi, một quả lựu đạn đã nổ ngay trong vườn nhà ông. Một ai đó đã nguệch ngoạc viết lên bức tường nhà ông dòng chữ đe doạ ''Abbas phải bị giết''.
Mới đầu, ông cho qua hết sự lăng mạ từ những người hàng xóm của mình, những người đã xúc phạm ông vì nghĩ ông đã phản bội lại tổ quốc khi hợp tác với ''quân xâm lược''. Nhưng rồi, làn sóng phản đối Mỹ tại Iraq ngày càng lan rộng, Abbas nhận thấy mối nguy hiểm đối với mình ngày càng lớn.
Bi thương hơn, cuối tuần trước, khi Abbas, 58 tuổi, đang đứng trong con hẻm gần nhà tại Samarra, cách Tikrit khoảng 32 km về phía Nam, thì bất ngờ bị 2 người đi xe máy quàng khăn kín đầu bắn vào chân và lái xe chạy mất hút. Abbas ngã vật xuống, máu chảy lênh láng con hẻm nhỏ. Không một người hàng xóm nào đến giúp ông. Nằm trên giường bệnh, Abbas ngậm ngùi đoán: ''Chắc họ sợ''.
Bị dọa giết khi hợp tác với lính Mỹ
Giữa bối cảnh quân đội Mỹ càng ngày càng thắt chặt vòng vây cựu Tổng thống Saddam Hussein và Hội đồng điều hành đang cố gắng khẳng định quyền lực quyền lực của mình, các tay súng nổi dậy Iraq đã mở rộng phạm vi hoạt động nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi lên những người dân Iraq bình thường và cảnh cáo họ không được hợp tác với Mỹ.
Làn sóng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường lên cao trào khi đại sứ quán Jordan tại Baghdad bị đánh bom khiến hơn chục người thiệt mạng và 50 người khác bị thương. Đây được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi chính quyền của Saddam bị lật đổ. Cho dù không biết chắc ai đứng sau vụ tấn công trên, song Trung tướng Ricardo Sanchez, tư lệnh lực lượng liên minh tại Iraq, khẳng định đó là một hành động khủng bố. Một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ cho hay, trong số những đối tượng tình nghi có Ansar al-Islam, một nhóm các tay súng Hồi giáo có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Trong khi rất nhiều người dân Iraq bày tỏ sự bất bình trước các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào mục tiêu thường dân, thì vụ đánh bom đại sứ quán Jordan như một cú tát mạnh quất vào mặt lực lượng quân đội Mỹ vì đã không ngăn chặn được vụ tấn công mà còn quá lề mề trong công tác cứu hộ nạn nhân. Chỉ vài phút sau vụ nổ, những kẻ hôi của đã tràn vào cướp phá đại sứ quán, xé nát quốc kỳ Jordan, giẫm đạp lên chân dung của cha Quốc vương Jordan Abdullah. Mãi tận khoảng 30 phút sau, binh sĩ thuộc Sư đoàn vũ trang số số 1 của Mỹ mới lục đục tới giữa tiếng chửi bới, văng tục của những kẻ hôi của.
Cho dù cơn thịnh nộ chống Mỹ kiểu này không phổ biến rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân Iraq, các quan chức Mỹ vẫn lo ngại, sự nổi dậy quân sự của những người chống Mỹ sẽ cản trở mọi ý định hợp tác với quân đội Mỹ, cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của Saddam, đặc biệt đe doạ nghiêm trọng tới các nỗ lực tái thiết Iraq. Theo Titan, một công ty quản lý phiên dịch viên cho lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq, ít nhất đã có một chục phiên dịch đã bị sát hại trong tháng vừa qua. Nhiều phiên dịch khác đã phải nói dối công việc của mình để được yên thân.
Bất cứ khi nào Aymen, 36 tuổi, một phiên dịch cho Lực lượng đặc nhiệm 27 tại Badaghd thuộc Sư đoàn bộ binh số 3, bước ra khỏi nơi làm việc, anh này buộc phải giấu ID quân sự Mỹ của mình trong áo và nói dối với ban bè rằng đang làm cho một dự án xây dựng.
Firas, 24 tuổi, một phiên dịch viên cho quân đội Mỹ cho biết, những người Iraq từng hò reo đón chào anh trên các nẻo phố khi Baghdad thất thủ này bỗng nhìn anh như thể anh là một tên gián điệp, một kẻ phản bội. Không ai ngoài mẹ của Firas biết anh đang làm việc cho người Mỹ.
(Trần Kiên - Theo Time)
|