Chính phủ Trung Quốc đã quá khắt khe trong đối xử người nghèo, người lao động di cư ở nước này và cần phải "có một thái độ công bằng", Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Bạch Thanh Phúc cho hay.
|
Cuộc sống của người lao động di dân đã bắt đầu dễ thở hơn. |
"Từ trước đến nay, thật sai lầm khi cấm những nông dân lên thành phố lao động được phép tạm trú" - ông Bạch Thanh Phúc nói với báo giới tại Bắc Kinh. "Việc phạt tiền họ hoặc buộc họ phải quay về nông thôn cũng là sai lầm".
Lời thừa nhận bất ngờ của quan chức này cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đang nhanh chóng thay đổi quan điểm nghiêm khắc với người lao động nông thôn tại thành phố.
Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi chính quyền một số thành phố thừa nhận đã cho phép hoạt động nhiều khu nhà được dùng để giam giữ người lao động di cư theo quy định mới được phê chuẩn hồi đầu năm.
Ít nhất 100 triệu người lao động đã rời nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế.
Những người lao động di cư phải sống trong nỗi sợ bị bắt và bị đuổi ra khỏi thành phố vì không có giấy tờ hợp lệ. "Không có một chút phúc lợi xã hội nào cả" - một người lao động có tên Phúc An Tứ, 46 tuổi, làm việc tại Quảng Đông tâm sự. "Tất cả là đều dựa vào đồng lương của tôi. Ngừng làm việc là ngừng ăn. Nếu bị ốm, tôi không biết trông chờ vào đâu".
Chính phủ đã ban hành quy định mới nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tạm trú tại địa phương. Việc đánh đập và bóc lột đã bị cấm trong các trung tâm giam giữ, và chính quyền các thành phố không còn được bắt giữ người lao động nông thôn vô hạn định nữa.
Việc thay đổi chính sách của Trung Quốc sẽ giúp hạn chế phong trào công nhân nhạy cảm. Người di cư "đóng vai trò không thể thiếu được trong các ngành như xây dựng, trang trí nội thất, sửa chữa và vệ sinh công cộng" - ông Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc thừa nhận. "Chúng tôi cần có một thái độ công bằng đối với họ".
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát. Họ vẫn còn lo lắng về việc duy trì trật tự xã hội tại một đất nước mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng, nơi hàng triệu người dân thành thị bị mất việc trong quá trình cải cách.
(Lam Sơn - Theo BBC, AFP) |