Bắc Kinh và Moscow vừa cho biết sẽ hạ thấp đòi hỏi đối với cuộc thương thuyết quanh việc cấm vũ khí ngoài không gian nhằm chấm dứt bế tắc lâu nay với Mỹ cũng như giải toả bất đồng trong nội bộ tổ chức giải quân bị lớn nhất thế giới. Phát biểu trước đại diện 65 quốc gia tại Hội nghị Giải trừ quân bị, Trung Quốc và Nga bày tỏ sẵn sàng thảo luận nhằm ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian ngay cả khi chưa đạt được mục đích.
Về tuyên bố này, hiện Mỹ chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào. Hơn nữa, trong phiên họp ngày 7/8, phái đoàn của Mỹ cũng không tham gia.
Trung Quốc và Nga hiện cho rằng cần phải có một hiệp ước chung để ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian vì trong thời gian gần đây, Mỹ đang có dự định phát triển hệ thống phòng thủ cũng như loại vũ khí mới nhằm chặn các tên lửa từ các quốc gia mà họ cho là thù địch. Trong khi đó, Mỹ phủ nhận thông tin rằng mình có kế hoạch đưa vũ khí vào không gian, đồng thời cho rằng hoàn toàn không cần thiết phải có một hiệp ước mới.
Trước đây, Trung Quốc và Nga đưa ra yêu cầu thương thuyết về hiệp ước mà không chấp nhận thoả hiệp. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới, lập trường này đã thay đổi và hai phía Trung Quốc, Nga coi thoả hiệp là có thể chấp nhận được. Về phía Mỹ, Washington tuyên bố sẽ tham gia các buổi thảo luận chung về chủ đề này song bác bỏ đề xuất đi tới một hiệp ước hợp pháp. Bế tắc này là nguyên nhân chính khiến cho các cuộc thảo luận về giải trừ vũ khí không thể diễn ra từ năm 1996 khi mà việc soạn thảo hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân gần như đã được hoàn tất.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell khẳng định, trong thời điểm hiện nay Washington chưa cần thiết nối lại các vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, quan chức này từ chối cam kết đó là việc làm vĩnh viễn không bao giờ xảy ra. Mỹ từng từ chối phê chuẩn Hiệp ước cấm hạt nhân toàn diện - một bản thoả thuận cấm các vụ thử nghiệm hạt nhân đã được 167 quốc gia phê chuẩn vào năm 1997 và 2002.
(Hoài Linh - Theo AP, Tân Hoa xã)
|