Trong bản báo cáo quốc phòng hàng năm vừa đưa ra trong ngày hôm nay (5/8), chính phủ Nhật Bản đã nêu lên nhu cầu cần thiết phải củng cố quốc phòng nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công hạt nhân và khủng bố thông qua việc trang bị hệ thống chống tên lửa và tăng cường quan hệ với Mỹ.
Trong vòng 2 năm liên tiếp, khủng bố là chủ đề thường trực trong báo cáo của cơ quan phòng vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, văn bản dày 393 trang lần này lại chủ yếu đề cập tới mối nguy hiểm từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, báo cáo còn đề cập tới việc phải tăng cường nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa vì ''tham vọng'' của CHDCND Triều Tiên là lo ngại an ninh lớn nhất của Nhật Bản.
Nhật Bản hiện có 27 dàn chống tên lửa Patriot song hệ thống này chỉ có thể cản các loại tên lửa tầm ngắn với tốc độ thấp hơn loại tên lửa đạn đạo mà CHDCND Triều Tiên đang chế tạo, trong đó có loại Taepodong, từng được thử nghiệm năm 1998 và có thể chạm tới Nhật Bản.
Trong những năm tài khoá 1999-2002, Nhật Bản đã chi 144 triệu USD cho việc nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa song số tiền này dường như vẫn chưa đủ. Chính phủ Nhật Bản đề nghị tăng thêm 15,8 triệu USD để tiến hành thử nghiệm hệ thống này. Cùng với việc nâng cấp hệ thống, Tokyo còn phải phụ thuộc vào 50.000 quân Mỹ hiện đang đóng tại đất nước theo hiệp ước an ninh song phương đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Cũng trong báo cáo quốc phòng hàng năm, Chính phủ Nhật Bản còn đề xuất thành lập một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ chuyên chống khủng bố, đối phó với cuộc chiến du kích và bảo vệ đất nước trước vũ khí sinh hoá học.
Một chủ đề khác được cơ quan phòng vệ Nhật Bản nêu lên trong báo cáo hàng năm đó là việc Trung Quốc đã tăng thêm một khoản lớn cho ngân sách quốc phòng là 9,6% trong năm 2003. Theo các số liệu thống kê, ngân sách cho quốc phòng hiện nay của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới, trong năm 2003 Nhật Bản dự định chi 41 tỷ USD cho quốc phòng, giảm 0,1% so với năm 2002 và thấp hơn 1% so với GDP.
Hồi tháng 7 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ gủi quân đội tới các điểm chiến sự tại nước ngoài song chỉ với mục đích trợ giúp y tế, người tị nạn và tái thiết cơ sở hạ tầng, giúp đỡ chính quyền địa phương. Chỉ vài tháng trước đó, các nhà lập pháp Nhật Bản cũng thông qua một đạo luật xác định vai trò của quân đội trong trường hợp bị tấn công.
(Hoài Linh - Theo AP)
|