|
Ông Arafat - niềm hi vọng của người dân Palestine? |
Với chiếc khăn bịt đầu và một khuôn mặt đầy ấn tượng, Arafat đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh bền bỉ giành độc lập của người Palestine. Liệu ông Arafat có thể giúp người dân Palestine thực hiện ý nguyện của mình, hay ông chỉ là một nhà độc tài chính trị với một lực lượng bảo vệ hùng hậu xung quanh?
Nhân vật huyền thoại
Đối với nhiều người, Arafat là "tài sản" quý giá nhất của Palestine. Trong nhiều năm qua, Yasser Arafat vẫn luôn là vị lãnh đạo của người dân Palestine.
Ngay từ khi ông còn nhỏ, đã có những câu chuyện huyền thoại về cuộc đời ông. Một trong những câu chuyện đó là Arafat được sinh ra ở thánh địa Jerusalem, do vậy ông có sứ mệnh giành lại vùng đất đã mất của tổ tiên người Palestine. Khi còn là một thanh niên, Arafat nổi tiếng là một "nhà hoạt động xã hội bẩm sinh" và là một "kẻ say việc". Ngay từ lúc này, ông nung nấu quyết tâm trở thành một nhà lãnh đạo Palestine. Chàng thanh niên Arafat đã nỗ lực hết mình để đạt được điều đó.
Năm 1959, những người Palestine sống lưu vong ở Kuwait lập nên nhóm Fatah, nhóm này sau đó phát triển thành một nhóm lớn trong Tổ chức giải phóng dân tộc Palestine PLO. Hai năm sau đó, Arafat bắt đầu nổi lên với vai trò một nhà lãnh đạo nhóm Fatah, thu hút nhiều người đi theo sự nghiệp đấu tranh của ông. Phong trào giải phóng Palestine PLO, dưới sự lãnh đạo của Arafat, đã tự trang bị vũ khí cho mình. Arafat luôn tỏ ra là một nhà lãnh đạo đầy quyết tâm của phong trào. Có nhiều khi ông bị dồn vào chân tường, như sự kiện ở Karameh năm 1968, ở Jordan tháng 9/1970, hay bị phong toả ở Beirut năm 1982, tuy nhiên, Arafat vẫn không hề nhụt chí, mục đích duy nhất của ông vẫn là lãnh đạo phong trào giành độc lập cho Palestine.
Không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự, Arafat còn là một chớnh trị gia Palestine có đóng góp to lớn trong việc tranh thủ dư luận quốc tế cho phong trào PLO, đưa sự nghiệp đấu tranh của người Palestine lên vũ đài quốc tế. Trước đây, các chế độ Ảrập không thực sự sẵn sàng giúp đỡ những người Palestine, nhưng từ khi có Arafat, họ bắt đầu "để ý" đến phong trào này.
Những lời chỉ trích
Nhiều người cho rằng trong chiến tranh vùng Vịnh 1990, ông Arafat đã làm cho người Palestine phải chịu hậu quả nghiêm trọng khi ông ủng hộ Iraq xâm lược Kuweit năm 1990. Sai lầm này đã khiến cho Palestine bị mất nguồn trợ cấp lớn từ các nước sản xuất dầu mỏ khác ở vùng Vịnh. Khi Iraq thất bại trong chiến tranh vùng Vịnh, Palestine lâm vào tình thế kiệt quệ và cô lập. Ông Arafat không có cách nào khác là phải tỏ ra thân thiện với Israel trong thế yếu. Và Palestine càng rơi vào thế bất lợi khi ông Yitzhak Rabin bị một sinh viên Israel ám sát để phản đối việc trao trả vùng đất Bờ Tây sông Jordan cho Palestine. Năm sau đó, nhóm Likud cánh tả lên cầm quyền sau cuộc bầu cử, nhóm này quyết tâm "xoá tan hy vọng" của người Palestine. Ông Arafat chẳng thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận tất cả những gì được Israel "ban cho". Vì vậy, rất có thể cho đến lúc chết Arafat vẫn chưa thực hiện được mục tiêu của mình. Nếu như vậy, dưới con mắt của những người chỉ trích ông, Arafat chỉ là một "kẻ phá đám" mà thôi.
Cuộc đấu tranh của người dân Palestine đó đè nặng lên vai ông Arafat. Một số người cho rằng ông quá "độc quyền" về quyền lực. Ông Arafat là một vị lãnh đạo xuất sắc, nhưng lại là một nhà tổ chức và một nhà thương thuyết thất bại. Đặc biệt, khi tiến trình hoà bình Trung Đông đi vào bế tắc, nhiều người càng tỏ ra mất kiên nhẫn với cách thức lãnh đạo độc tài của ông.
Lực lượng 17 là ai?
Lực lượng 17 là một tổ chức gồm 3.500 thành viên chịu trách nhiệm bảo vệ ông Arafat. Đây là những người mà ông Arafat tin tưởng nhất. Lực lượng này do một nhân vật huyền thoại khác của người dân Palestine - Ali Hassan Salameh - thành lập vào giữa những năm 1970 ở Lebanon. Vị tướng này cưới một "nữ hoàng sắc đẹp" của Lebanon, người từng đoạt vương miện Hoa hậu hoàn vũ và là hiện thân của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Cô bé lang thang" của John Le Carré. Salameh bị người Israel ám sát năm 1979 nhưng Lực lượng 17 của ông vẫn tiếp tục phục vụ Arafat.
Các thành viên của Lực lượng 17 mặc quân phục và được trang bị vũ khí hạng nhẹ và xe bọc thép. Sau một vài tháng được đào tạo, họ sẽ đóng quân tại một vùng tách biệt với gia đình của họ để rèn luyện lòng trung thành tuyệt đối đối với ông Arafat.
Ngay sau khi trở thành Thủ tướng Israel, ông Ariel Sharon lên tiếng chỉ trích lực lượng này, cho rằng các hoạt động của tổ chức này đã vượt qua nhiệm vụ bảo vệ. Ông kết tội tổ chức này đã dính líu đến các vụ bắn tỉa người định cư Do Thái, và gián tiếp tham gia vào các vụ đánh bom do nhóm Hamas và Hồi giáo Jihad tổ chức.
(Trần Hiền - Theo BBC) |