Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan hôm thứ hai (28/7) đã có cuộc gặp riêng với Trưởng công tố LHQ về tội phạm chiến tranh, bà Carle Del Ponte, người hiện đang phụ trách mảng Balkans. Động thái này cho thấy ông Annan muốn bổ nhiệm một công tố viên mới chịu trách nhiệm về các vụ án liên quan đến tội diệt chủng ở Rwanda. Tuy nhiên, thông tin này đang gây tranh cãi trong Hội đồng Bảo an.
|
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. |
Bà Del Ponte bắt đầu giữ chức Trưởng công tố của Toà án xét xử tội phạm chiến tranh hồi tháng 9/1999, chịu trách nhiệm xét xử những vụ án lớn liên quan đến các cuộc chiến tranh ở Balkan trong những năm 90. Bà cũng thụ lý các vụ án xét xử những kẻ cầm đầu trong vụ diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Những kẻ này đã giết chết hơn 500.000 người dân tộc thiểu số Tutsit và Hutu theo đường lối chính trị ôn hoà.
Hiện, ông Annan đang cố gắng tìm biện pháp nâng cao tính hiệu quả của Toà án xét xử tội phạm chiến tranh Rwanda. Câu hỏi được đặt ra là liệu Toà án chung về các vấn đề Nam Tư và Rwanda có nên tách ra để phân công cho 2 công tố viên hay không. Ông Annan cho biết HĐBA Liên Hợp quốc đang thảo luận về vấn đề này. HĐBA sẽ ra quyết định, nhưng ông Annan cho biết ông sẽ bày tỏ quan điểm của ông trước 15 thành viên của Hội đồng.
Thứ ba ngày 29/7, ông Annan dự kiến sẽ gửi một bức thư tới HĐBA đề cập đến vấn đề chia tách Toà án chung và bổ nhiệm một công tố viên mới cho Toà án xét xử tội phạm chiến tranh Rwanda. Trụ sở của Toà án này sẽ đóng tại Arusha, Tazania.
Hiện nay, nội bộ HĐBA vẫn chưa đi đến nhất trí chung nên bổ nhiệm bà Del Ponte vào vị trí nào. Một số thành viên HĐBA đề nghị để bà chịu trách nhiệm đối với Toà án xét xử tội phạm chiến tranh chung Rwanda và Nam Tư trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Một số khác cho rằng bà chịu trách nhiệm đối với riêng Toà án Nam tư thêm một năm nữa.
Ngày 28/7, bà Del Ponte đã gặp một số nhà ngoại giao của HĐBA và khẳng định rằng bà có thể cùng một lúc đảm nhiệm cả hai công việc. Những nhà ngoại giao này cho biết bà Ponte cũng đã khẳng định tương tự với ông Annan trong cuộc tiếp xúc đầu tiên của họ. Theo kế hoạch, đáng lẽ bà quay lại Châu Âu vào thứ ba nhưng bà đã dành hẳn buối tối thứ hai - sau cuộc gặp với ông Annan - để thảo luận với các thành viên của HĐBA. Khi rời trụ sở của Liên Hợp Quốc, bà đã trả lời các phóng viên: "Tôi không có bình luận gì. Xin các ngài hãy hỏi Tổng thư ký Annan".
Tuy nhiên, các quan chức của Liên Hợp quốc lo ngại về xích mích giữa bà Del Ponte và chính phủ Rwanda xung quanh cuộc điều tra của Toà án xét xử tội phạm chiến tranh quốc tế về vụ lạm dụng quyền lực của các nhà cầm quyền người Tutsi ở nước này. Một quan chức giấu tên cho biết có thể bà Del Ponte sẽ đồng ý nhận trách nhiệm quản lý Toà án xét xử tội phạm chiến tranh Nam Tư, đóng tại La Hay, Hà Lan.
Mỹ và Anh ủng hộ sáng kiến bổ nhiệm thêm một công tố viên phụ trách Toà án xét xử tội phạm chiến tranh Rwanda. Toà án Rwanda đã xét xử 15 vụ, và hiện đang điều tra 61 vụ, tạm giữ 55 tù nhân. Toà án về Nam Tư đang xét xử cựu lãnh đạo nổi tiếng Milosevic.
(Trần Hiền - Theo AP) |