Phải chăng cái ngày trái đất bị huỷ diệt mà Chúa Jesus đã báo trước với con người đang đến gần khi cuộc chạy đua hạt nhân trên thế giới bước vào hồi gay cấn? CHDCND Triều Tiên có thể đang xây dựng một nhà máy sản xuất plutonium thứ hai, Iran cũng đang "nỗ lực" theo sát CHDCND Triều Tiên trở thành "mối đe doạ hạt nhân". Liệu người ta có thể ngăn cản những kế hoạch nguy hiểm như vậy không?
Cũng tháng này 35 năm về trước, Hiệp ước Cấm Phổ biến Hạt nhân (NPT) đã được ký kết với sự tham gia của 60 nước nhằm chấm dứt sự lan tràn của các loại vũ khí huỷ diệt này. Mặc dù 3 nước thuộc những khu vực nóng bỏng của thế giới là Ấn Độ, Pakistan, Israel đã từ chối ký hiệp ước và tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, NPT về cơ bản đã thành công. Tuy nhiên, triển vọng ngăn chặn phổ biến hạt nhân đã bị một bóng đen ảm đạm che phủ với việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi hiệp ước hồi tháng 1 và gần đây thừa nhận rằng họ đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Cùng với đó là mối nghi ngờ ngày càng tăng về việc Iran đang bước theo con đường của CHDCND Triều Tiên mặc dù nước này vẫn còn trong NPT.
CHDCND Triều Tiên và "các nhà máy sản xuất plutonium"
Cuối tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết họ đã thu thập được bằng chứng cho thấy CHDCND Triều Tiên đang xây dựng một nhà máy sản xuất plutonium thứ hai. Trước đó, hôm 18/7, ông Mahamed ElBaradei, Tổng Giám đốc IAEA - cơ quan Liên Hợp Quốc giám sát việc thi hành NPT phát biểu rằng ông coi CHDCND Triều Tiên là "mối nguy đe doạ trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với cơ chế không phổ biến hạt nhân".
Ông ElBaradei cho biết, ông rất hài lòng trước những động thái ngoại giao gần đây của Trung Quốc nhằm kéo CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã tái chế 8.000 thanh nhiên liệu hạt nhân để trích đủ uranium sản xuất 6 đầu đạn hạt nhân. Các máy cảm biến của Mỹ đã phát hiện ra khí krypton-85 thoát ra khi nhiên liệu hạt nhân được tái chế với số lượng nhỏ từ cơ sở Yongbyon của CHDCND Triều Tiên. Điều này có thể có nghĩa người Triều Tiên đang "cường điệu hoá" về số lượng plutonium mà họ đã sản xuất được tại cơ sở này. Tuy nhiên, hôm 19/7, các quan chức Mỹ lại xác nhận thông tin trước đó của tờ New York Times cho rằng các máy cảm biến tại biên giới CHDCND Triều Tiên đã dò tìm được dấu vết khí krypton-85 dường như không thoát ra từ cơ sở Yongbyon và cho rằng nước này có thể đã xây dựng một nhà máy thứ hai sản xuất plutonium.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ cho biết CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận tiến hành một chương trình hạt nhân bí mật. Tháng 12, CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên IAEA khỏi nước này và đến tháng 1 năm nay thì chính thức tuyên bố rút khỏi NPT. CHDCND Triều Tiên cho biết sẽ chỉ thảo luận về chương trình hạt nhân qua các cuộc hội đàm tay đôi với Mỹ và sẽ chỉ nhượng bộ nếu Mỹ chấp thuận một hiệp ước "không xâm lược". Trong khi đó, Mỹ đã bày tỏ thái độ cương quyết rằng tất cả các cuộc hội đàm đều phải thực hiện dưới hình thức đa phương có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng 4, Trung Quốc đã thuyết phục CHDCND Triều Tiên tham dự một hội nghị thượng đỉnh 3 bên với nước này và Mỹ. Tuy nhiên, điều này xem ra không đạt được tiến triển gì. Tháng 6, CHDCND Triều Tiên chính thức thừa nhận họ đang cố gắng sản xuất vũ khí hạt nhân, do đó có thể sẽ giảm chi phí cho các lực lượng thông thường và dành những nguồn lực đó để cải thiện nền kinh tế.
Thực ra, những kế hoạch của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il rất khó thăm dò. Ông Kim tiếp tục vừa hội đàm vừa có những động thái cứng rắn, biểu hiện qua việc hôm 17/7, lính CHDCND Triều Tiên đã nã đạn vào một trạm quan sát tại khu vực phi quân sự phân chia giữa hai miền Triều Tiên. Hôm 18/7, các thông tin cho thấy CHDCND Triều Tiên đã triển khai thêm tên lửa có khả năng bắn tới Nhật Bản và triển khai thêm pháo binh tới khu vực gần Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Song những hành động đầy đe doạ đó đôi khi chính là sự mở đầu cho một giai đoạn hoà dịu hoặc thoả hiệp. Và trong một chừng mực nào đó, người ta vẫn hy vọng các cuộc hội đàm có sự tham gia của Trung Quốc vào tháng 9 tới sẽ sớm được công bố.
Vấn đề hạt nhân của Iran
Trong khi CHDCND Triều Tiên đang "vỗ ngực" khoe khoang rằng chương trình hạt nhân của họ là nhằm chế tạo vũ khí, Iran tiếp tục nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích hoà bình, đó là: sản xuất điện. Hôm 18/7, các nhà ngoại giao tại Tehran đã cho hãng tin Reuters biết các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra uranium giàu có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử tại Iran. Chính phủ Iran đã phản ứng trước thông tin này với việc một phát ngôn viên chính phủ tuyên bố những thông tin này đều "đáng ngờ". IAEA cũng cho rằng đó "chỉ đơn thuần là suy đoán". Căn cứ vào vị trí hiện tại của Iran trong NPT, IAEA có quyền tiến hành thử nghiệm mẫu tại nhà máy hạt nhân Natanz của Iran mà không phải ở những cơ sở khác như Công ty Điện Kalaye gần Thủ đô Tehran nơi lắp ráp máy móc sử dụng cho việc làm giàu uranium. Iran cũng đã bác bỏ một đề nghị của IAEA lấy mẫu thử tại đây. Hôm 20/7, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã chủ trì buổi lễ "ra mắt" một tên lửa tầm xa mới được sản xuất dựa trên công nghệ của CHDCND Triều Tiên. Tên lửa này có khả năng đánh chặn "kẻ thù xảo quyệt" của Iran là Israel hay đúng ra là nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Trung Đông.
Dưới sự ủng hộ của các nước lớn, ông ElBaradei đã tới Iran hồi đầu tháng để thúc giục nước này ký vào một nghị định thư phụ cho NPT buộc Iran chấp nhận những cuộc thanh sát kỹ lưỡng hơn. Nghị định thư này đã được soạn từ năm 1991 sau khi người ta phát hiện chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iraq. Iran đã tuyên bố nước này đang xem xét việc ký vào nghị định thư trên, tuy nhiên hội đàm vẫn tiếp tục. Có nhiều lý do để nghi vấn về sự biện luận của Iran rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hoà bình, đó là tại sao Iran lại sản xuất kim loại uranium có ích cho các loại vũ khí hạt nhân mà không có ích cho việc sản xuất năng lượng điện? Tại sao Iran lại phát triển một lò phản ứng nước nặng (có thể dùng cho việc chế tạo bom) trong khi các nhà máy điện hạt nhân mà nước này đang xây dựng với sự trợ giúp của Nga có các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ? Và trên tất cả, tại sao một đất nước với những kho dự trữ dầu và khí lớn nhất thế giới có thể "hoang phí" một lượng lớn khí cung cấp cho các nhà máy điện lại phải chịu quá nhiều phí tổn để sản xuất điện hạt nhân trừ phi nước này có những động cơ khác? Người ta khó có thể yên lòng trước sự tiết lộ của Iran về tên lửa tầm xa mới vào một thời điểm mà có quá nhiều mối nghi hoặc nổi lên xung quanh các nhà máy hạt nhân bí mật của nước này.
Có một vài lý do để hy vọng rằng Iran và CHDCND Triều Tiên có thể chấp thuận ngừng triển khai vũ khí hạt nhân trên đất nước của họ hay bán vũ khí hạt nhân cho các nước khác. Những cường quốc lớn nhất thế giới đã bắt đầu phối hợp để gây sức ép với cả hai quốc gia này. Trung Quốc - "người bạn" quan trọng duy nhất của CHDCND Triều Tiên, đồng thời cũng là nhà cung cấp lương thực và nhiên liệu quan trọng cho nước này đã cử những quan chức ngoại giao sang Bình Nhưỡng, Washington và Seoul để cố gắng thúc đẩy các cuộc hội đàm. Nga đã kêu gọi cả CHDCND Triều Tiên và Iran tránh xung đột. Liên minh châu Âu cũng đã tuyên bố sẽ xem xét các quan hệ với Iran vào tháng 9 tới, tuỳ thuộc vào việc liệu nước này có chấp nhận cho IAEA tiến hành những cuộc thanh sát kỹ lưỡng hơn. Hôm 21/7 vừa qua, Thủ tướng Anh Tony Blair đã có các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về cuộc khủng hoảng đang gia tăng tại bán đảo Triều Tiên. Ông Blair bày tỏ sự lạc quan rằng các cuộc hội đàm ba bên giữa CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, cũng có những lý do để bi quan. Thứ nhất, về phía Iran, nội bộ cầm quyền tại Iran cụ thể là các nhà cải cách tự do và các phần tử Hồi giáo bảo thủ theo đường lối cứng rắn hiện đang trong tình trạng bất đồng quan điểm. Những người bảo thủ tin rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng sẽ chỉ càng "khuyến khích" người Mỹ đòi hỏi thêm, thậm chí có thể cả sự "thay đổi chế độ". Thứ hai, vẫn chưa rõ hiện nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thực sự muốn gì, cũng như chưa rõ về việc liệu ông này sẽ tuân thủ các thoả thuận (trong trường hợp đạt được thoả thuận). Nếu một trong hai nước triển khai vũ khí hạt nhân, toàn bộ khu vực xung quanh sẽ rơi vào tình trạng bất ổn. Trong trường hợp nước đó là Iran, Ai Cập và Arập Xêút cũng sẽ cố gắng theo đuổi chương trình hạt nhân. Cho đến nay, Mỹ đã chấm dứt việc đe doạ can thiệp quân sự vào CHDCND Triều Tiên hoặc Iran. Tuy nhiên, Mỹ cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng này. Hôm 21/7, Tổng thống Bush tuyên bố Mỹ không "có ý định" tấn công CHDCND Triều Tiên, nhưng ông cũng "nhắc nhở" Iran cùng Syria biết họ sẽ phải "chịu trách nhiệm" về sự ủng hộ của họ đối với "các nhóm khủng bố".
(Huyền Trang - Theo The Economist) |